Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Ba 09:23 20-06-2006

Chúng tôi thấy sửa đổi bản mới này rất công phu, đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu, nhưng chúng tôi cũng xin nói rõ tâm tư của mình rằng chúng tôi chia sẻ nhiều ý kiến mà các đại biểu đã phát biểu trước tôi.

Tôi có một suy nghĩ chung, bao quát thế này phải chăng chúng ta hơi cực đoan trong việc vạch một ranh giới rõ ràng ngăn cách giữa trợ giúp pháp lý và giúp đỡ pháp lý. Phải chăng chúng ta có sự kết hợp và tận dụng tối đa những khả năng để giúp đỡ người dân và điều rất cơ bản phải tính đến hoàn cảnh thực tế của chúng ta hiện nay. Báo cáo với Quốc hội khi chúng tôi còn ở Bộ Tư pháp, có lần tôi đã nói với anh em thế này "làm trợ giúp pháp lý trong điều kiện chúng ta hiện nay, có lẽ phải chăng phải trở lại với phương châm của thời kỳ xoá bỏ nạn mù chữ của những năm 1945-1946, người biết chữ giúp cho người không biết, người biết ít cũng giúp cho người không biết, người biết nhiều giúp được nhiều, nhưng người biết ít cũng phải giúp cho người không biết".

Tôi thấy có vẻ chúng ta đưa ra những tiêu chuẩn chẳng hạn như ở Điều 21, trợ giúp viên pháp lý Việt Nam có đủ điều kiện, có đủ tiêu chuẩn sau đây, thấy những tiêu chuẩn này nếu mà tách ra từng tiêu chuẩn một đã có khả năng để mà trợ giúp rồi. Ở đây chúng ta lại gói lại phải đủ những tiêu chuẩn này thì chúng ta mới cho làm trợ giúp viên. Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, có bằng cử nhân luật, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 2 năm trở lên, có đủ sức khoẻ đã đành rồi, như thế có phải là cao quá không? Tất nhiên phần nói về đồng bào dân tộc, chúng ta nói trung cấp pháp lý cũng được. Nhưng tôi nghĩ không phải ở vùng sâu, vùng xa mà ngay ở huyện chúng ta gần đây thôi có nhiều người cũng hầu như không biết pháp luật. Vì vậy, người biết ít, trình độ trung cấp pháp lý mà có làm công tác pháp luật rồi, tại sao không để người ta làm mà chúng ta đưa ra tiêu chuẩn cao như thế, cao như thế thật đẹp nhưng trên thực tế có làm được không? Hay đúng hơn chúng ta cũng làm được nhưng hạn chế hiệu quả của nó vì huy động "đa đa ý thiện" ở đây, người biết nhiều và người biết ít thôi nhưng cùng nhau hợp lại thì giúp được cho nhiều người hơn là chỉ những người biết giỏi, những người thành thạo lắm thì mới giúp. Tôi cho rằng tính thực tế hiện nay của dự án luật này phải chăng phải như vậy. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc các tổ chức chính trị xã hội tham gia như thế nào, ở đây tôi cũng đồng ý với đồng chí Long vừa phát biểu, có lẽ chúng ta phải mở ra một khả năng và chấp nhận sự giúp đỡ trợ giúp, vì tôi hiểu Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên có những Trung tâm trợ giúp pháp lý của mình, ở đó vừa thu tiền vừa không thu tiền, đối với thành viên của mình khó khăn thì không thu tiền, người bình thường vào có thể thu tiền, chúng ta kết hợp như thế nào đây, chứ bây giờ chúng ta rạch ròi như thế này thì chặt chẽ quá.

Trong đoàn chúng tôi có một đồng chí rất chia sẻ với tôi và một số đồng chí khác nữa, đó là luật sư công và luật sư không công. Chúng ta đào tạo luật sư để làm gì, chủ yếu nghề của họ là trợ giúp pháp lý, bây giờ chúng ta lấy lý do là luật sư công, luật sư tư rồi chúng ta gạt họ ra, chỉ cho họ làm trợ giúp viên, nhân danh là một luật sư bây giờ đi làm trợ giúp viên thì trợ giúp làm gì. Rõ ràng, như thế chúng ta không biết tận dụng một khả năng rất lớn, nói lý do đây là hành nghề tự do, hành nghề tự do không có nghĩa là không được vào Nhà nước, Nhà nước cũng là một lĩnh vực họ có thể hành nghề tự do được ở chỗ họ muốn làm thì họ làm, họ muốn thôi thì họ rút. Chúng ta có những bệnh viện tư, nhưng cả những bệnh viên công, bác sỹ cũng hành nghề tự do, tại sao trong bệnh viên công có rất nhiều bác sỹ, toàn bác sỹ giỏi, bây giờ phần lớn muốn vào đây, ở đây tôi thấy có sự rất máy móc, luật sư công và luật sư tư không phải chỉ Việt Nam chúng ta mới bàn đến, hàng chục nước trên thế giới hiện nay người ta đã vận dụng rồi. Cho nên, bây giờ chúng ta cứng nhắc, theo một lập luận là nếu cho vào Nhà nước thì như thế là xâm phạm đến tự do hành nghề, tự do hành nghề đâu có phải tuyệt đối là không được làm nhân viên Nhà nước, đâu có chuyện như thế. Thực tế, chúng ta tự tước đi một lực lượng chủ yếu có thể làm trợ giúp pháp lý tốt. Đó là điều chúng tôi rất băn khoăn. Tôi cũng tưởng tôi là người hoàn toàn là người duy nhất, nhưng may ra trong Quốc hội cũng có nhiều người ủng hộ tôi, cho nên tôi cũng muốn phát biểu lại ý đó để chúng ta cân nhắc kỹ hơn, đừng có máy móc trong chuyện này. Đừng theo lập luận của một người nào đó, đi học nước ngoài về, hoặc dựa một cách máy móc khái niệm tự do hành nghề của luật sư mà bó hẹp chúng ta lại trong một khuôn khổ chật hẹp. Tôi xin nói thêm ý đó.

Còn đi vào câu chữ thì tôi xin nghĩ rằng có một số câu chữ cần làm rõ. Chẳng hạn như khái niệm "bồi thường theo quy định của pháp luật" thì bồi thường cái gì. Một trung tâm trợ giúp pháp lý đó là một pháp nhân thì nó bồi thường cho rất nhiều thứ. Ở đây chúng ta nói bồi thường là bồi thường liên quan đến việc trợ giúp pháp lý cho người dân, anh làm hỏng việc của dân một cách cố ý hoặc là do dốt nát hoặc do động cơ nào đấy mà làm hỏng việc của dân thì anh phải bồi thường. Vì vậy, khi chúng ta trở lại Điều 11 nói về quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý thì không có quyền được bồi thường, như thế có nghĩa là nói bồi thường ở đây là nói chung chung, vu vơ. Phải nói rằng: "bồi thường thiệt hại cho những người được trợ giúp pháp lý mà làm thiệt hại cho họ" phải nói rõ ràng như thế chứ không thể nói là bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Đó là ý nữa.

Còn Điều 45 này đọc thì hơi buồn cười. Vì sao? Tên của điều luật này là "từ chối hoặc không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý" thì phải nói là "thực hiện trợ giúp pháp lý" đó là ai làm, được trợ giúp pháp lý chứ không được thực hiện trợ giúp pháp lý. Thật ra Điều 45 này phải tách làm 2 điều. Một điều là nói về quyền từ chối không làm trợ giúp pháp lý cho một người nào đó và một điều khác là nói về người bị từ chối không được trợ giúp pháp lý. Ở đây chúng ta lại dồn hai điều vào một, tên điều là từ chối hoặc không được tiếp tục trợ giúp pháp lý thì Khoản 1 nói "yêu cầu việc trợ pháp lý bị từ chối" ở trên là từ chối, dưới đây bị từ chối, tức là hai người khác nhau, phải không ạ. Người bị từ chối là khác mà người từ chối là khác. Tôi làm trợ giúp pháp lý, tôi từ chối vụ việc này là vì nó thế này, thế kia, còn tôi là người được trợ giúp pháp lý nhưng tôi bị từ chối. Hai nhân vật rất khác nhau, mà trong này chúng ta rất rạch ròi. Thế mà đưa vào trong một điều luật. Tên điều là như thế, nhưng ngay Khoản 1 đã có chữ "bị từ chối" rồi. Tôi đọc mãi và khi đọc đến Khoản 2 thì tôi mới biết đấy là hai ông khác nhau, chứ không phải là một. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan