Trích ý kiến phát biểu của ĐBQH Phan Trung Lý – Tỉnh Nghệ An

Thứ Ba 09:21 20-06-2006

Tôi xin có 2 ý kiến về Dự án Luật Trợ giúp pháp lý:

Ý kiến thứ nhất là quỹ trợ giúp pháp lý ở Điều 8. Tại Điều 8 quy định quỹ trợ giúp pháp lý được lập để hỗ trợ cho việc:

Thứ nhất là tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý.
Thứ hai là để nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.
Thứ ba là trang thiết bị, phương tiện làm việc cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ở các vùng kinh tế khó khăn.

Theo tôi, quy định như thế này là rộng, tôi đề nghị nên quy định chặt chẽ hơn và những điều kiện để sử dụng quỹ này. Nếu như quỹ này được lập để hỗ trợ cho việc tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý thì năng lực trợ giúp pháp lý là rộng. Năng lực này bao gồm cả trình độ, kiến thức, kỹ năng qua đào tạo, bồi dưỡng và một loạt những vấn đề khác. Riêng việc để cung cấp cho việc tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý rất khó khăn và không đủ.

Theo tôi, vấn đề ở đây là quỹ này phải được thực hiện, phải được sử dụng một cách hiệu quả để nâng cao chất lượng của hoạt động trợ giúp pháp lý. Tôi đề nghị quỹ này nên tập trung vào vấn đề nội dung thứ hai ở điều này, tức là thành lập để hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

Tiếp theo, báo cáo Quốc hội, nếu như chúng ta vẫn giữ quy định, tức là để hỗ trợ cho trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thì lại càng quá rộng. Vì trang thiết bị ở đây bao gồm ngoài trụ sở ra thì trang thiết bị trong trụ sở, trang thiết bị này sang hay không sang, phương tiện như thế nào, ôtô hay không ôtô, rất nhiều. Theo tôi, quỹ này nếu lại phục vụ cho việc trang thiết bị và phương tiện làm việc thì không thể đủ được. Tôi nghĩ các Trung tâm trợ giúp pháp lý chẳng hạn, đấy là cơ quan Nhà nước thì trang thiết bị như thế nào? trụ sở như thế nào phải theo ngân sách chung của Nhà nước, không nên lấy Quỹ trợ giúp pháp lý để phục vụ cho trang thiết bị cũng như là phương tiện làm việc cho các tổ chức này.

Vấn đề thứ hai, vấn đề quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này. Tôi rất băn khoăn về Điều 52 chúng ta mới dự kiến sẽ bổ sung vào dự án luật này. Tức là bổ sung một điều quy định Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này. Theo tôi quy định như thế này không phù hợp. Báo cáo với Quốc hội, theo quy định tại Điều 7 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác phải được quy định cụ thể, để khi các văn bản đó có hiệu lực thì được thi hành ngay. Trong trường hợp luật, pháp lệnh có điều, khoản cần phải được quy định chi tiết bằng văn bản khác thì ngay tại điều, khoản đó phải xác định rõ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định và thời hạn ban hành văn bản. Văn bản quy định chi tiết thi hành phải được soạn thảo cùng với dự ánh luật, pháp lệnh để trình cơ quan có thẩm quyền kịp thời ban hành khi luật, pháp lệnh có hiệu lực. Theo tôi chúng ta tiếp thu để bổ sung Điều 52 là không phù hợp, vì trong luật này tôi đếm có đến 11 nội dung trong 52 điều theo quy định của pháp luật ở các Điều 18, 19, 22, 31, 40, 42, riêng Điều 48 có 3 nội dung chúng ta ghi theo quy định của pháp luật và Điều 49, cùng một số điều khác. Theo tôi để khắc phục vấn đề này không phải chúng ta có quy định phòng ở Điều 52, tức lại giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Tại các điều khoản trên phải quy định rõ, Chính phủ quy định chi tiết vấn đề gì, theo pháp luật là theo pháp luật nào? Như vậy luật ra đời khi Quốc hội thông qua có hiệu lực ngay, không phải chờ Nghị định nữa

Các văn bản liên quan