Trích ý kiến ĐBQH Dương Trung Quốc – Tỉnh Đồng Nai

Thứ Ba 09:18 20-06-2006

Rõ ràng đối tượng được trợ giúp pháp lý, tôi nghĩ không chỉ là đối tượng mà luật này đề cập tới là những người nghèo và một số đối tượng chính sách ưu đãi. Có lẽ đây là vấn đề lớn của toàn xã hội, hiện tượng rất nhiều cơ quan hành pháp của Nhà nước ban hành những văn bản trái với quy định pháp luật. Bản thân chúng ta khi thực thi vai trò của đại biểu Quốc hội, đều rất cần đến sự trợ giúp pháp lý. Khi nhận được đơn của quần chúng gửi tới chẳng hạn, nhiều khi mình không đủ trình độ để xử lý nó. Nhất là với hệ thống pháp pháp luật chưa hoàn chỉnh và luôn thay đổi của chúng ta. Chính vì thế chữ "Trợ giúp pháp lý" nó có một nội hàm rất lớn, là nhu cầu rất lớn của toàn xã hội. Mà ở đây, văn bản này chỉ đề cập tới một đối tượng thôi. Vì đối tượng ấy cho nên có kèm theo một yếu tố đặc thù là miễn phí.

Vì vậy, ý kiến thứ nhất của tôi, đề nghị là tên gọi của luật này là Luật Trợ giúp pháp lý miễn phí. Bởi vì để nó khỏi lẫn với nhu cầu lớn hơn và nó xác định được những đối tượng mà chúng ta đã quy định trong Điểm 10.

Điều thứ hai, chúng tôi muốn đề cập tới Điều 5 là vụ việc trợ giúp pháp lý.
Thứ nhất chúng tôi cho rằng không nên dùng chữ "vụ việc" mà chúng tôi cho rằng chữ "nội dung". Ở đây có quy định vụ việc trợ giúp pháp lý phải liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, không thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại. Khi chúng ta dùng chữ "lĩnh vực kinh doanh thương mại" nghe rất lớn, nhưng khi đã xác định đối tượng là người nghèo, thì kinh doanh thương mại cũng là một nhu cầu rất lớn của đời sống xã hội cần được bảo vệ. Những người "buôn thúng bán mẹt" chẳng hạn, những người cần kế sinh nhai, tôi cho rằng chúng ta rất cần phải trợ giúp họ chứ. Cho nên nếu loại trừ điều này ra là một nhu cầu sống của con người và cũng là những nội dung liên quan đến quyền lợi của người nghèo chúng tôi cho rằng không hợp lý.

Điều thứ ba, chúng tôi cũng băn khoăn về tính hiệu quả của luật này, chúng ta xác định đối tượng là người nghèo, người có công và một số đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, nhưng trong khi đó quy định của chúng ta là những Trung tâm trợ giúp, do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, tức là nó sẽ nằm ở những trung tâm đô thị lớn, ở đó tuy rằng cũng có đối tượng thị dân nghèo, nhưng trong khi đó đối tượng rất rộng lớn là những người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, đồng bào thiểu số, để đến tiếp cận được bộ máy này sẽ tốn kém là bao nhiêu. Tôi sợ rằng chúng ta đưa ra luật này chưa chắc chúng ta thu hút được, đáp ứng được các yêu cầu của những đối tượng rất cụ thể và tính hiệu quả còn thấp ở một mặt khác nữa, là về cơ cấu tổ chức nó vẫn nằm trong hệ thống tổ chức hành chính của chúng ta. Một trong những nội dung thường liên quan đến quyền lợi của đồng bào thì ngoài những mối quan hệ dân sự ra, thì phần lớn có liên quan đến bộ máy hành pháp các cấp. Liệu người dân nghèo có thể nhờ vào sự trợ giúp của những cán bộ chuyên trách về trợ giúp pháp lý đang là cán bộ Nhà nước, chịu sự quản lý của chính bộ máy hành chính địa phương không, mà lại miễn phí nữa. Điều này chúng tôi hết sức băn khoăn bởi vì giải quyết một vụ việc hết sức phức tạp, hết sức động chạm và trong quá trình giải quyết thì thường chúng ta thấy đôi khi người nghèo đã có sự trợ giúp pháp lý rồi, chúng ta thấy rất nhiều những người khó khăn, họ gửi cho chúng tôi những đơn rất nghiêm chỉnh do sự hỗ trợ của nhiều hình thức khác nhau, kể cả của một số luật sư, nhưng thường khó khăn là giải quyết ở chính việc thi hành pháp luật ở phía cơ quan hành pháp. Cho nên, những sự việc dễ nhùng nhằng, kéo dài, sự kéo dài nó dẫn đến sự tốn phí không thể tính đến được với sự trợ giúp của bộ máy chúng ta. Bởi vậy, chúng tôi có 3 ý kiến nhỏ đó để có thể điều chỉnh nội dung của văn bản, đồng thời có thể nghiên cứu tiếp để đưa luật này có hiệu quả, thực hiện được mục tiêu chúng ta muốn mang lại quyền lợi cho người nghèo.

Các văn bản liên quan