NGHỊ ĐỊNH VỂ MỘT LĨNH VỰC KINH DOANH CỤ THỂ CẦN PHẢI HẾT SỨC RÕ RÀNG

Thứ Hai 15:35 19-06-2006

Đánh giá chung:

Đây là một Nghị định thật sự vì doanh nghiệp, hỗ trợ một trong những khâu bức xúc trong giao dịch kinh doanh và dân sự, tạo thêm hành lang pháp lý hỗ trợ cho giao dịch dân sự. Nó hỗ trợ để giải quyết khâu cuối cùng trong các hợp đồng liên quan đến nợ nần, tiền bạc, chứ không nhằm vào mục tiêu chính là giải quyết vấn đề lộn xộn, tiêu cực hay trì trệ trong việc thu hồi công nợ.

Đây là những quy định về một lĩnh vực kinh doanh cụ thể, rất hẹp về công việc, nhưng quy mô và phạm vi  diễn ra thì lại rất rộng lớn, phổ biến, tính chất lại rất phức tạp. Do vậy cần quy định một cách hết sức rõ ràng, cụ thể, chi tiết. Nếu không làm được như vậy, thì nó sẽ không có ý nghĩa tác dụng trong cuộc sống. Vì trên thực tế, hoạt động này vẫn đang diễn ra thường xuyên dưới rất nhiều hình thức khác nhau trên cơ sở các quy định liên quan, mà hoàn toàn không cần đến sự điều chỉnh của một văn bản riêng.

Vấn đề mấu chốt của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là việc đòi nợ chỉ được thừa nhận và thực hiện trên cơ sở văn bản, giấy tờ và quyền lợi hợp pháp về mặt pháp lý. Bản chất của hoạt động dịch vụ đòi nợ là hết sức bình thường, với tính chất pháp lý rất đơn giản, cần để cho thị trường và khách hàng quyết định, chứ Nhà nước không nên can thiệp quá sâu như Dự thảo. Vấn đề chỉ phức tạp do thiếu khả năng thanh toán nợ và môi trường kinh tế, xã hội phức tạp.

Không nên quy định Bộ Tài chính là cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ đòi nợ (Điều 5), vì không gắn gì với chức năng của Bộ Tài chính. Đề nghị giao cho Bộ Thương mại quản lý hoạt động này, với ý nghĩa quản lý một hoạt động thương mại dịch vụ như dịch vụ cầm đồ, dịch vụ kinh doanh vàng bạc.

Với những nội dung như Dự thảo, thì người ta có quyền cho rằng: Phải cho ra đời một Nghị định về vấn đề  này chỉ là nhằm hợp pháp hóa “Giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

Một số khái niệm chưa chuẩn xác:
Khoản 2, Điều 3 giải thích “Khách nợ là tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ trả nợ” Theo từ ngữ đời thường, thì chữ “khách” là để chỉ đối tượng được “chủ” sẵn sàng và mong muốn đón tiếp, giao dịch. Do vậy, người có nghĩa vụ trả nợ được gọi là con nợ. Cả từ “khách nợ” và “con nợ” đều chưa được đề cập đến trong pháp luật  Tuy nhiên, nếu không tìm được một từ thích hợp hơn, thì nên dùng từ “con nợ” chứ không nên sử dụng từ “khách nợ”. Trong quan hệ giao dịch, thì các bên vẫn là “khách hàng”, “bạn hàng”, nhưng trong quan hệ tranh chấp, đòi nợ đến mức phải nhờ cậy người khác đòi nợ mà pháp luật vẫn  bắt trở thành “khách” của nhau là không hợp lý. Từ điển Tiếng Việt cũng chỉ ghi nhận từ “con nợ” chứ không ghi nhận chữ “khách” nào theo nghĩa đã được dùng trong Dự thảo.

Khoản 4, Điều 3 định nghĩa “Nợ quá hạn thanh toán là nợ chưa được khách nợ thanh toán cho chủ nợ mặc dù đã quá thời hạn phải thanh toán theo thỏa thuận bằng  văn bản giữa chủ nợ và khách nợ mà không được chủ nợ cho phép bằng văn bản kéo dài thêm thời hạn thanh toán” và đoạn 1, Điều 8 quy định: “Dịch vụ đòi nợ theo quy định tại Nghị định này chỉ được thực hiện đối với các khoản nợ đã quá hạn thanh toán phát sinh trong giao dịch dân sự” chỉ mới giải quyết được trường hợp phổ biến là đến một thời hạn cụ thể mà các bên đã xác định trong văn bản, mà chưa đáp ứng được trường hợp, tuy nợ chưa đến hạn theo ngày tháng đã ấn định, nhưng đã phát sinh tình huống, mà theo đó chủ nợ được quyền thu nợ trước hạn. Khoản 3, Điều 324, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về trường hợp “Một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự” thì “Trong trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản”.

Nội dung chủ yếu của của Hợp đồng dịch vụ đòi nợ không hợp lý:
Nếu như Điều 401, Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định “Nội dung chủ yếu của hợp đồng là những điều khoản mà thiếu những điều khoản đó, thì hợp đồng không thể giao kết được”, thì Điều 402 của Bộ luật Dân sự năm 2005 đã không còn quy định nội dung chủ yếu của Hợp đồng, mà chỉ quy định: “Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả  thuận” về 8 nội dung của Hợp đồng. Do vậy, không nên quy định Hợp đồng dịch vụ đòi nợ có nhiều nội dung chủ yếu như Điều 9 của Dự thảo, nhất là trong đó có cả việc “xử lý vi phạm hợp đồng và giải quyết tranh chấp Hợp đồng” (khoản 8). Vì nếu hiểu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, dù có thiếu một số nội dung theo Dự thảo, thì hợp đồng vẫn hợp lý, chứ hoàn toàn chưa dẫn đến hậu quả “hợp đồng không thể giao kết được”.

Các văn bản liên quan