Trương Đình Song Chuyên viên cao cấp Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Thứ Hai 15:30 19-06-2006

Sau khi nghiên cứu dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, tôi thấy có một số vấn đề tham gia góp ý với ban soạn thảo nhằm hoàn thiện hơn dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ ký ban hành, tạo tính khả thi của văn bản hay nói một cách khác là tính thực tiễn của một văn bản pháp luật.

Từ một nền kinh tế bao cấp chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường quan hệ giao dịch dân sự ngày càng da dạng và phức tạp từ đó nảy sinh nhu cầu dịch vụ đòi nợ. Dịch vụ đòi nợ là một nhu cầu thực tế gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và đang trở thành một nhu cầu thường xuyên của các tổ chức và cá nhân. Dịch vụ đòi nợ thuê đã xuất hiện ở nước ta chủ yếu do một số cá nhân, băng nhóm xã hội đen thực hiện bằng các biện pháp trái pháp luật gây ra những phiền toái cho các tổ chức và cá nhân trong quá trình đòi nợ. Từ thực tế đó đòi hỏi cần phải ra đời sớm văn bản pháp lý bảo đảm cho nhu cầu chính đáng của các tổ chức làm dịch vụ đòi nợ, ngăn chặn và loại bỏ hành vi đòi nợ theo kiểu xã hội đen.

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 1 loại hình thức mới, đây là một loại hình kinh doanh đặc thù có kiều kiện. Do đó nội dung dự thảo cần được soạn thảo các điều kiện mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ được thực hiện và không được thực hiện cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của họ khi thực hiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ; có như vậy mới có thể điều chỉnh và kiểm soát được loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ, khắc phục tình trạng lẫn lộn giữa loại hình dịch vụ đòi nợ với các loại hình dịch vụ khác, điều chỉnh các hoạt động dịch vụ đòi nợ bất hợp pháp. Điều kiện đặc thù cho loại kinh doanh dịch vụ đòi nợ về cơ bản dự thảo đã thể hiện tương đối bao quát các khía cạnh của dịch vụ đòi nợ.

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với dự thảo mở rộng đối tượng tham gia dịch vụ đòi nợ là các doanh nghiệp của tất cả các thành phần kinh tế có như vậy chúng ta đa dạng tạo thuận lợi cho chủ nợ có quyền lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ tốt hơn, tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp làm dịch vụ đòi nợ, phù hợp chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có nhiều thành phần.

Theo tôi kinh doanh vụ đòi nợ là một lĩnh vực nhạy cảm, có tính đặc thù, do vậy để tránh phức tạp việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ chuyên làm dịch vụ đòi nợ, không kinh doanh các dịch vụ khác. Từ đó tôi đề nghị xem lại nội dung điều 18. Trên tinh thần đó nội dung điều 18 chỉ để khoản 2, bỏ khoản 1. Để đỡ phiền hà cho doanh nghiệp, đề nghị giấy phép thành lập kiêm luôn giấy đăng ký kinh doanh và như vậy đề nghị sửa lại điểm a khoản 2, điều 19 là “đơn vị xin thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

Một vấn đề nữa tôi thấy cần trao đổi thêm đó là vốn điều lệ, dự thảo quy định phải có vốn điều lệ không thấp hơn 5 tỷ đồng. Như phần trên đã phân tích đây là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vì vậy vấn đề sử dụng vốn điều lệ 5 tỷ đồng e rằng không hợp lý. Theo tôi vốn điều lệ cho loại hình doanh nghiệp này từ 1 – 2 tỷ đồng là phù hợp với loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Với mức vốn hợp lý chúng ta sẽ có nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ra đời tạo khả năng có nhiều nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tốt để các tổ chức và cá nhân lựa chọn.

Một vấn đề khác đó là quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Dự thảo đề cập Bộ tài chính là cơ quan duy nhất quản lý nhà nước về dịch vụ này. Nhu cầu thuê đòi nợ ở nước ta đã và đang phát sinh ngày càng lớn mà không có sự phân cấp quản lý thì tôi thấy rất khó khăn, đặc biệt là việc nhận hồ sơn xin thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ và cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà Bộ tài chính đảm nhận thì quá lớn. Tôi đề nghị nên phân cấp cho cơ quan tài chính địa phương đảm trách việc xét cấp giấy phép, còn Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho loại hình kinh doanh đặc thù này.

Để tạo cơ sở pháp lý thuận tiện cho quá trình thực hiện dự thảo cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của chủ nợ, con nợ và doanh nghiệm làm dịch vụ đòi nợ thuê. Tôi đề nghị cần phải nêu thời hạn tối đa là bao nhiêu ngày doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê phải chuyển số tiền hoặc tài sản mà doanh nghiệp đã thu được từ khách nợ cho chủ nợ. Đi liền với vấn đề này cần quy định mức phí cho 1 dịch vụ là bao nhiêu % trên số tiền hay giá trị tài sản thu hộ, tối thiểu là bao nhiêu tiền, tối đa là bao nhiêu. Đây là vấn đề cơ bản để chủ nợ và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê làm hợp đồng kinh tế.

Một vấn đề cuối cùng cần bổ sung thêm đó là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng theo quy định của luật doanh nghiệp dự thảo chưa đề cập đến nội dung này. Tại điều 35 quy định “Bộ tài chính kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tôi e rằng không mang tính khả thi vì quá lớn, không thể làm hết được.
 
                                                                             

Các văn bản liên quan