Trích ý kiến của ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng – Tỉnh Bạc Liêu

Thứ Hai 14:10 30-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có ý kiến như sau:

Thứ nhất, về vấn đề chung. Về cơ bản tôi nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ lần này. Ban soạn thảo đã bổ sung 30 điều mới so với tổng số 63 điều trong Dự thảo luật. Trong đó Chương IV quy định về biện pháp khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ và bổ sung 9 điều trong số 17 điều. Với các nội dung là phát triển thị trường công nghệ, khuyến khích lĩnh vực chuyển giao công nghệ, khuyến khích chuyển giao công nghệ cho vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động chuyển giao công nghệ, chính sách đổi mới công nghệ. Nhìn về góc độ của các chủ thể tham gia, chuyển giao công nghệ là biện pháp khuyến khích thiết thực nhất là sự thông thoáng các thủ tục liên quan đến quá trình chuyển giao công nghệ. Chúng ta nhận thức rằng việc khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ chỉ là các biện pháp hỗ trợ một phần của Nhà nước. Điều quan trọng là sự vận động tự thân mỗi cá nhân, mỗi tổ chức tiến hành hoạt động chuyển giao công nghệ. Điều này thể hiện rõ trong Chương IV Dự thảo luật.

Thứ hai, đối với vấn đề về Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia, theo tôi trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nhà nước không thể tiếp tục thực hiện hỗ trợ tiếp trực tiếp cho doanh nghiệp và cho cả nông dân. Việc thành lập quỹ riêng để hỗ trợ cho việc tăng cường tiềm lực công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nông dân là rất cần thiết. Điều này không trái với quy tắc WTO, vì vậy, việc thành lập Quỹ đổi mới trong công nghệ quốc gia cần đưa vào nội dung dự thảo này.

Một số vấn đề cụ thể:

Thứ nhất, về giải thích từ ngữ, tôi đề nghị bổ sung giải thích một số từ như sau:

Một, "Dòng đời công nghệ" là chương trình sống của công nghệ.

Hai, "Đổi mới công nghệ"

Ba, "Hợp tác kỹ thuật" đây là một loại hình chuyển giao công nghệ mà Nhật Bản đã thực hiện từ những năm 60 - 70 đối với các nước ASEAN, thông qua Tổ chức JICA - Hợp tác quốc tế của Nhật Bản đầu tư.

Thứ hai, về kết cấu bố cục, tôi đề nghị Điều 16 vào Điều 8 trở thành Khoản 8, Điều 8. Tức là ban hành Điều 16, ban hành danh mục công nghệ khuyến khích và hạn chế cấm chuyển giao đưa vào Điều 8 là trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Đưa Điều 17 vào Chương II, Điều 17 nói là hình thức chuyển giao công nghệ đưa về Chương II là hợp đồng chuyển giao công nghệ sau điều nội dung chuyển giao công nghệ, để cho bố cục chặt chẽ hơn.

Ba, về thủ tục cấp phép hồ sơ xin giấy phép chuyển giao công nghệ. Tôi đề nghị bỏ hai điều: Điều 28 và Điều 29 bởi vì hoạt động chuyển giao công nghệ hoàn toàn mang bản chất kinh tế thương mại. Do đó những hoạt động diễn ra xung quanh lĩnh vực này sẽ tuân theo quy luật của thị trường. Nếu chúng ta quá nặng về vấn đề này, phải quản lý hoạt động chuyển giao bằng cách buộc các bên chuyển giao phải có các thủ tục như trên, sẽ không khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ thúc đẩy sự phát triển của thị trường công nghệ vốn đang yếu, kém ở nước ta trong thời kỳ này.

Kinh nghiệm chuyển giao công nghệ của một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Singapo, Hàn Quốc đều cho rằng khó khăn lực cản trong chuyển giao công nghệ do khâu thủ tục cấp phép. Chính vì vậy Ấn Độ và Hàn Quốc đã bãi bỏ cấp giấy phép, trừ những lĩnh vực cụ thể liên quan đến an ninh quốc phòng và có tầm chiến lược của quốc gia.

Tôi đưa ra ví dụ là Hàn Quốc đã nhanh chóng trở thành nước công nghiệp mới phát triển, một con Rồng Châu á, không phải ngẫu nhiên trong 17 năm, từ năm 1962 đến năm 1979 có trên 1.500 hợp đồng chuyển giao công nghệ mới nhập vào với nhịp độ ngày càng gia tăng. Từ năm 1962 đến năm 1966 có 31 hợp đồng chuyển giao công nghệ, từ năm 1967 đến 1972 có 325 hợp đồng chuyển giao công nghệ, từ năm 1973 đến năm 1977 có 538 hợp đồng chuyển giao công nghệ, từ năm 1978 đến năm 1979 có 573 hợp đồng chuyển giao công nghệ. Họ rút ra kết luận rằng: muốn đẩy nhanh tốc độ chuyển giao công nghệ và hiệu quả tốt thì tránh thủ tục hành chính quan liêu, gập ghềnh, cửa quyền, gây tiêu cực và trì trệ.

Thiết nghĩ vai trò của Nhà nước ở đây nên tập trung ở việc quản lý công nghệ. Dự thảo luật nên đưa ra danh mục hoặc tiêu chí để đánh giá các loại công nghệ nào thì được phép chuyển giao thông qua nhập khẩu và các loại công nghệ nào bị cấm chuyển giao, đồng thời cần quy định rõ các loại công nghệ nào với điều kiện gì thì phải áp dụng biện pháp giám định.
Vấn đề chuyển giao công nghệ phải đặt trong một quy hoạch chiến lược gắn với chính sách và đổi mới công nghệ. Theo tôi vấn đề này cũng cần đưa ra trong dự luật này, cần nên xem xét. Bởi vì theo tôi trong quá trình chuyển giao công nghệ cần khắc phục những hiện tượng mà hiện nay chúng ta đang vướng phải, tức là:

Thứ nhất, các doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ một cách tùy tiện, tự phát, không phải chủ động theo kế hoạch.

Thứ hai, những công nghệ được chuyển giao phần lớn từ phía nước ngoài giới thiệu, không phải do doanh nghiệp tìm kiếm.

Thứ ba, công nghệ được chuyển giao trong lúc còn thiếu nhiều điều kiện cơ bản, mệnh đề cần thiết như là kết cấu hạ tầng, thị trường lao động vốn.

Thứ tư, phương hướng đổi mới của các doanh nghiệp chưa gắn với các phương hướng chủ trương và phát triển của các ngành của quốc gia. Đây là một nội dung tôi đề nghị dự thảo nên đề cập đến. Tôi xin hết ý kiến, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan