Trích ý kiến ĐB Hoàng Văn Minh – ĐBQH Tỉnh Nghệ An

Thứ Tư 14:34 09-08-2006

Kính thưa các đồng chí.

Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình về một số ý kiến các đồng chí phát biểu về phạm vi điều chỉnh. Theo tôi cách diễn đạt trong nội dung này về câu chữ hơi dài, cho nên tôi đồng tình với ý kiến đồng chí Nguyễn Mạnh Cường nên viết gọn. Luật này quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ. Viết thế là đủ, còn dĩ nhiên chuyển giao công nghệ thì có trong, có ngoài, có trên, có dưới, cái đó trong quá trình hoạt động quy định trong nội dung. Quyền và nhiệm vụ tổ chức cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ và các biện pháp khuyến khích thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ. Như thế là đủ mà đó cũng là 3 nội dung rất cơ bản được thiết kế trong luật. Theo tôi viết thế là rõ.

Thứ hai chúng tôi muốn xin phát biểu về chỗ một số ý kiến các đồng chí đã phát biểu, chúng tôi xincó ý kiến thế này:

Thứ nhất, Điều 4, chính sách của Nhà nước, chúng tôi thấy rằng cách viết trong này tôi cũng biểu lộ sự đồng tình với đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, tức là tôi thấy viết chính sách này không rõ, thật ra giá như không viết thì có ảnh hưởng gì không, tôi thấy cũng chẳng ảnh hưởng gì bởi tạo điều kiện thuận lợi, theo tôi luật không bàn đến thuận lợi hay không thuận lợi, luật quy định là tôi được làm gì, cái gì tôi cũng được làm, khi tôi làm tôi được hưởng cái gì, tôi cứ làm theo luật còn anh tạo hay không tạo tôi cũng phải làm theo luật, ví dụ thế. Các biện pháp thích hợp thì quá là trừu tượng, các biện pháp thích hợp là thế nào, trong luật không thể viết như vậy và viết thế này không ai thực hiện theo điều này cả, rồi thì "chú trọng, nâng cao", cái này có phải chú trọng nâng cao gì đâu. Cho nên, theo tôi chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ ở đây nếu có phải thiết kế rõ là về chính sách là chúng ta định khuyến khích như thế nào, về đầu tư có khuyến khích không, khuyến khích gì, hay là căn cứ vào Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, tôi nói ví dụ thế.

Về thuế má có định khuyến khích không, phải cân nhắc rất kỹ, bởi cái này phải cân đối chung chứ không phải chỉ có luật này, nếu tính là cần phải có khuyến khích thích đáng cho công nghệ thì ghi rõ rồi căn cứ vào Luật thuế để thực hiện. Theo tôi nếu ghi thì ghi như vậy, nếu không thì tôi đề nghị là chúng ta cũng mạnh dạn bỏ bớt những điều, tôi xin mạo muội nói, điều này nó cũng có hình thức trang trí thôi, chứ thực ra để điều chỉnh hành vi thì không có điều chỉnh gì ở đây cả, nếu không quy định cụ thể hơn một chút.

Hơn nữa, các khuyến khích, tôi thấy trong các biện pháp cũng có cả rồi, nếu đọc trong các điều sau, ở các chương cũng có cả rồi. Điều 4 chúng tôi đề nghị có cân nhắc thêm như vậy.
Một vấn đề liên quan đến quỹ, chúng tôi thấy rằng chúng tôi cũng đồng ý quỹ nên tập trung thu gọn lại. Hiện nay đất nước có quá nhiều quỹ, nhiều loại quỹ, nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Theo tôi, trong luật nếu mà hình thành các quỹ thì cũng nên tập trung, nếu thuộc về một Bộ thì nên tập trung vào một đầu mối và nên quy định rõ, chứ không phải bổ sung như ý kiến đồng chí Cường, đấy không phải là bổ sung, đấy là luật quy định như vậy và cứ thế thực hiện.
Vấn đề nữa chúng tôi muốn phát biểu về Chương II, ở đây Ban soạn thảo và Ủy ban khoa học công nghệ môi trường có tiếp thu bổ sung thêm là hợp đồng chuyển giao công nghệ. Chúng tôi có đọc chương này thì chúng tôi thấy nó lẫn lộn giữa chuyển giao công nghệ, hoạt động chuyển giao công nghệ và hợp đồng. Hợp đồng là một mảng, là hình thức thể hiện nội dung của hoạt động chuyển giao công nghệ bằng phương thức hợp đồng, còn chuyển giao công nghệ hoạt động của nó gồm rất nhiều. Trong này mặc dù đã đưa một số điều lên phần chung, nhưng chúng tôi thấy như phạm vi chuyển giao công nghệ, hình thức, một số nội dung khác, ngay cả quyền và nghĩa vụ của các bên chuyển giao công nghệ, quyền và nghĩa vụ có thể được quy định rất cụ thể và quyền này khi anh ký hợp đồng thì người ta phải căn cứ vào luật này để anh ghi vào hợp đồng, ghi mức độ bao nhiêu thì cần các bên thỏa thuận. Nếu lại thêm chữ "hợp đồng" vào đây thì tôi thấy nội hàm của chương này không phải bàn đến riêng hợp đồng mà bàn đến nhiều nội dung khác.

Phương án xử lý theo tôi có thể để chuyển giao công nghệ cũng được vì trong nhiều luật của chúng ta tên luật và tên chương vẫn trùng nhau, ví dụ Luật Luật sư có một chương hẳn về luật sư hoặc một số Luật khác. Nếu không muốn trùng thì có thể phải viết phạm vi rộng hơn không phải chỉ có hợp đồng mà là hoạt động chuyển giao công nghệ. Tôi thấy đây là một chương rất trọng tâm chứ không phải chỉ bàn đến hợp đồng. Tôi đề nghị cân nhắc lại và có thể thiết kế rõ hơn. Tôi đọc chương này vì chúng ta đưa vào chữ "hợp đồng" cho nên thiết kế rất nhiều nội dung hơi bị lủng củng giữa hợp đồng và nội dung, cho nên chúng tôi đề nghị cân nhắc, các đồng chí trong Ban soạn thảo và Ủy ban Khoa học công nghệ xem xét thêm.

Một vấn đề nữa chúng tôi xin được phát biểu là về Chương V giải quyết, tranh chấp khiếu nại tố cáo. Tôi thấy chương này cũng đề nghị chúng ta viết chặt chẽ hơn, ví dụ Điều 59 khiếu nại, tố cáo và khởi kiện. Theo tôi không dùng khởi kiện ở đây, nếu dùng khởi kiện ở đây thì phải viết rõ thành một khoản là khởi kiện thế nào. Tôi hiểu ở đây có lẽ nói đến chuyện khiếu nại, tố cáo cũng có quyền khởi kiện theo Luật Khiếu nại, tố cáo, mà đã như vậy thì không cần phải viết là khởi kiện mà khiếu nại, tố cáo. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong chuyển giao công nghệ được thực hiện theo pháp luật về khiếu nại, tố cáo, viết thế là đủ. Bởi vì pháp luật về khiếu nại, tố cáo nó đã ghi đầy đủ giải quyết khiếu nại, tố cáo trong này, chứ không cần phải có chữ khởi kiện. Vì khởi kiện ở đây là muốn nói đến việc đưa ra trước tòa.

Thứ hai, về Điều 61 giải quyết tranh chấp về hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ. Tôi thấy quy định như thế này không rõ và khi xảy ra tranh chấp gặp rất nhiều khó khăn. Cho nên, chúng tôi muốn đề nghị trong điều giải quyết về tranh chấp hợp đồng này cần phải viết rõ hơn.

Thứ nhất, các hình thức ở đây có thể người ta phải giải quyết, có thể thương lượng, có thể hòa giải. Nhưng tại Khoản 3 là giải quyết tại trọng tài hoặc Tòa án thì phải quy định rõ, tức là trọng tài hoặc Tòa án ở đây nếu tranh chấp này ở trong hợp đồng chuyển giao công nghệ thì bao giờ cơ quan giải quyết cũng được các bên người ta thỏa thuận trong hợp đồng. Hơn nữa, trọng tài có thể là trọng tài nước ngoài, bởi vì hoạt động chuyển giao công nghệ này liên quan với cả nước ngoài, kể cả mình với nước ngoài và nước ngoài với mình. Quan hệ giữa trọng tài, Tòa án này được ghi trong hợp đồng hoặc là theo điều ước quốc tế mình ký kết hoặc là phải ghi rõ ở đây trong trường hợp nào thì theo pháp luật Việt Nam hoặc trọng tài hoặc tòa án Việt Nam. Trong phạm vi giải quyết tranh chấp tôi nghĩ là phải viết cụ thể và chặt chẽ hơn, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện của chúng ta, để dễ thực hiện nếu viết chung như thế này thì rất khó, không hình dung được. Nhất là nói rằng thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ tại trọng tài, Tòa án được tiến hành theo thủ tục tố tụng của trọng tài và tòa án do pháp luật quy định. Viết như vậy lại càng rất chung, bởi vì những lý lẽ như chúng tôi đã nói ở trên.

Về Điều 62 các chế tài, chúng tôi nghĩ cũng phải hết sức cân nhắc vì chế tài ở đây được thể hiện qua hợp đồng và qua các luật khác, nếu chúng ta tự đặt ra các chế tài ở đây thì cũng không cần thiết, như ý kiến đồng chí Dương Ngọc Ngưu nói chúng tôi tán thành. Sau cùng chúng tôi muốn nói đến việc hướng dẫn thi hành, tôi rất đồng tình với ý kiến của một số đại biểu phát biểu và của đồng chí Cường - Hà Nội. Thứ nhất là chúng ta phải căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì trong đó nó nói rất rõ là nếu hướng dẫn cái gì thì nội dung gì cần hướng dẫn, cơ quan nào hướng dẫn và thời hạn. Chúng ta phải trở lại, luật có quy định hướng dẫn chi tiết thi hành luật này điều đó có nghĩa rằng luật này ban hành xong nếu không có hướng dẫn của Chính phủ thì đương nhiên luật này chưa đi vào cuộc sống mặc dù nó đã có hiệu lực. Cho nên tôi đề nghị việc này chúng ta cần có thái độ dứt khoát để chúng ta có sự đổi mới về quy trình soạn thảo. Xin hết.

Các văn bản liên quan