Trích ý kiến ĐB Lê Quốc Dung – ĐB QH Tỉnh Thái Bình
Kính thưa Quốc hội,
Tôi rất nhất trí với dự thảo lần này đã có nhiều chuyển biến và tiến bộ, nó tạo sức mạnh rất tốt cho quá trình chuyển giao công nghệ để phát triển lực lượng sản xuất. Tôi thấy nhiều ý kiến phát biểu tôi rất đồng tình, tôi xin tham gia một số vấn đề.
Thứ nhất, Điều 4 về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, tôi thấy chính sách này cơ bản nhất trí. Nhưng tôi thấy ở đây việc chuyển giao công nghệ là một cái rất quan trọng để chúng ta tạo sức mạnh. Tôi nghĩ phải khuyến khích và đặc biệt quan tâm và chúng ta đã có nhiều Luật, những vấn đề khuyến khích trong chính sách của Nhà nước. Riêng Luật này phần chính sách Nhà nước tôi không thấy một từ trong chính sách chung Điều 4 này là Nhà nước khuyến khích mà chỉ nói tạo điều kiện và thúc đẩy, chúng ta bị động quá. Nếu như thế thì nguy hiểm quá, trong khi đó những nội dung chi tiết của Luật trong này Điều 9, Điều 10 đều rất khuyến khích.
Cho nên chúng tôi quan điểm trong chính sách của Nhà nước của chúng ta là phải khuyến khích tạo thuận lợi thúc đẩy chứ không chỉ có tạo điều kiện thuận lợi. Cho nên cả Điều 4 không có một từ nào về quan điểm khuyến khích đối với vấn đề này. Khoản 1 chúng tôi đề nghị Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và Khoản 3 là có các biện pháp thích hợp khuyến khích và thúc đẩy các tổ chức chứ không chỉ có thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi. Chúng tôi cho rằng đấy là một chính sách rất cơ bản mà trong nội dung chi tiết thì trong này đã có cả rồi. Đó là ý kiến thứ nhất chúng tôi cho rằng cần phải quán triệt trong Điều 4 của chúng ta để thể hiện chính sách rất quan trọng.
Vấn đề thứ hai, trong Điều 29 là dịch vụ chuyển giao công nghệ, về cơ bản chúng tôi rất đồng tình những hình thức, loại hình hoạt động chuyển giao công nghệ như thế này. Nhưng chúng tôi thấy cần phải bổ sung một loại hình nữa là đầu tư góp vốn bằng công nghệ. Trong này có nói xúc tiến chuyển giao công nghệ, nhưng tôi xem Điều 3 Khoản 15 nói xúc tiến chuyển giao công nghệ thì nó chưa thể hiện được sự đóng góp bằng công nghệ để đầu tư phát triển.
Chúng tôi thấy điều này cũng thể hiện trong Luật đầu tư nhưng có lẽ trong luật này cũng phải khẳng định điều này, bởi vì nó không chỉ có xúc tiến chuyển giao, giám định, định giá, đánh giá, tư vấn, môi giới mà nó còn có những công nghệ, những bí quyết, những giải pháp người ta góp bằng cái đó, đầu tư bằng cái đó cho các doanh nghiệp hay các địa bàn để người ta đầu tư phát triển. Đấy cũng là một hình thức chuyển giao công nghệ rất quan trọng. Chúng tôi đề nghị bổ sung vào Điều 29 một điểm h là đầu tư góp vốn bằng công nghệ để phát triển. Như vậy Khoản 15 của Điều 3 giải thích cũng nên có phần giải thích này để nó bao hàm và hợp lý.
Điều 46 về Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia, chúng tôi tán thành phương án 1, bởi vì ở đây chúng tôi thấy trong phương án 2 có nói nên bổ sung chức năng, nhiệm vụ của quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, nhưng tôi thấy quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia nó có một chức năng rất cơ bản và nó rộng, nếu bổ sung vào tôi e nó dễ lúng túng trong vấn đề quản lý và nó không rõ ràng, rành mạch trong quản lý. Cho nên hình thành một quỹ hỗ trợ chuyển giao công nghệ để chúng ta quản lý cái này một cách rõ ràng, rành mạch.
Bởi nếu đưa vào quỹ phát triển khoa học công nghệ có những thủ tục rất phức tạp, bởi phát triển khoa học công nghệ phải là những người có bằng cấp, có danh hiệu thì chúng ta mới đầu tư hỗ trợ. Nhưng trong quỹ hỗ trợ chuyển giao công nghệ có khi người nông dân người ta có bí quyết gia truyền, người ta có sáng kiến, phát hiện và chế tạo ra máy này, máy kia, bây giờ mình hỗ trợ trực tiếp cho họ thì cái đó nó giản đơn và rõ ràng hơn. Chúng tôi tán thành phương án 1, quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia để chúng ta có quản lý rõ ràng, rành mạch và nó dễ về thủ tục hơn. Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn.