Trích ý kiến ĐB Nguyễn Kim Khanh – ĐBQH Tỉnh Bình Phước
Kính thưa các đồng chí, tôi xin phát biểu mấy ý kiến xung quanh luật này như sau.
Tôi thấy lần chỉnh sửa này về cơ bản tôi nhất trí, đã tiếp thu rất nhiều ý, có thể báo cáo để có thể trình Quốc hội thông qua được. Tôi đồng ý với hầu hết các ý kiến đã được tiếp thu trong lần chỉnh sửa này, tuy nhiên tôi xin nêu một số ý kiến còn đang băn khoăn để Ban soạn thảo các anh tính toán thêm một chút. Tôi xin đi vào những điều cụ thể như sau:
Điều 12 tức là Điều 11 cũ ghi là công nghệ không được chuyển giao, trong mục b tôi vẫn băn khoăn từ "xấu", đề nghị các anh xem lại có cách gì khác không. Công nghệ tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến văn hóa, an toàn trật tự xã hội thì đúng rồi, nhưng ảnh hưởng xấu đến quốc phòng an ninh, quốc gia thì đề nghị xem lại. Bởi vì khái niệm xấu tốt trong quốc phòng và an ninh quốc gia đôi khi nó lệ thuộc vào rất nhiều các quan điểm khác nhau, chứ không phải cứ bảo lúc này là xấu, lúc này chưa chắc đã tốt, với người này chưa chắc đã tốt nhưng với người khác trong điều kiện khác thì lại là tốt, đề nghị các anh cân nhắc từ "xấu"đó, vì trong vấn đề về an ninh quốc gia phải cẩn thận một chút, đề nghị các anh tính toán thêm có cách nào sửa từ này hoặc nếu không đoạn đó phải bỏ, đoạn xấu đến quốc phòng an ninh thì phải bỏ, như thế có được không, đề nghị Ban soạn thảo, các đồng chí tính toán thêm.
Vấn đề thứ hai tôi xin phát biểu, tôi thấy các quy định này rất thẳng, thẳng băng và đúng Luật quốc tế, đúng với các điều kiện quốc tế để chuẩn bị gia nhập tổ chức thương mại thế giới, nhưng nếu cứ thẳng băng như thế này có giành lại cái gì riêng cho mình không hay cứ thẳng băng tất cả ra, bởi vì còn khối cái phải tính đến chuyện lợi hại nữa không phải chỉ cứ thẳng với người ta. Tôi xin đơn cử mấy việc như sau:
Tôi thấy chưa có chỗ nào có điều khoản quy định nhận công nghệ từ nước ngoài. Bởi vì cái này nước ngoài có quyền chuyển giao, mình có quyền nhận, nhận công nghệ từ nước ngoài. Những nội dung bí mật của công nghệ, những bí mật Nhà nước về công nghệ. Ví dụ công nghệ vũ khí, công nghệ sản xuất phương tiện chiến tranh, công nghệ in tiền, những công nghệ này đặc biệt nhạy cảm, vậy bây giờ có chỗ nào quy định riêng nó ra không. Tôi nghĩ nó cứ thẳng băng theo kiểu thế này tôi thấy rất bất lợi. Đề nghị Bộ, Ban soạn thảo các đồng chí nghiên cứu kỹ chỗ này.
Khoản 6, Điều 35 có ghi: giữ bí mật các thông tin nhận được từ bên sử dụng dịch vụ chuyển giao công nghệ theo thoả thuận. Báo cáo các anh cái này vô cùng không khả thi, bởi vì họ bán cho mình xong không phải mình giàng buộc họ đâu, bảo thế này làm hợp đồng xong mình giàng buộc họ bảo có gì tôi xử ông bằng Luật sở hữu trí tuệ là không phải, bởi vì nó có ty tỷ con đường để bán công nghệ đó cho người khác. Tôi đã từng tiếp cận với những hệ thống rất quan trọng, những hệ thống kiểm soát của thông tin này, nó gạ nó bán cho mình, tôi biết thừa bán xong rồi thế nào nó cũng này khác mặc dù nó hứa với mình. Tôi nghĩ cái này đề nghị cũng phải đắn đo, cân nhắc, chứ tôi thấy như thế này điều kiện trong nước mình mình có thể trị nhau được, nếu với nước ngoài bảo rằng cái này khả thi thì tôi thấy vấn đề này quả tình không khả thi là thứ hai. Thứ ba, phải có một điều khoản quy định thật chặt chẽ nhận công nghệ bí mật này, nhận công nghệ mà nó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, phải có một điều khoản riêng. Công nghệ in tiền, công nghệ sản xuất vũ khí phải có một điều khoản quy định chặt chẽ như thế nào đấy, nếu cứ chung chung theo đúng như thế này để rồi nhận chuyển giao, giao chuyển giao v.v... tôi e là không khả thi, tôi cảm thấy không yên tâm. Đề nghị các anh trong Ban soạn thảo nghiên cứu chỗ này xem có cách nào để cho nó chặt chẽ khi thông qua Quốc hội được không. Tôi xin nói mấy ý kiến như vậy, xin hết.