Trích ý kiến ĐB Lê Văn Cuông – ĐB QH Tỉnh Thanh Hoá

Thứ Tư 13:57 09-08-2006

Kính thưa đồng chí Chủ tịch và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội,
Thưa toàn thể các đồng chí, tôi thấy dự thảo Luật chuyển giao công nghệ lần này được Ban soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa khá nhiều. nhiều nội dung các vị đại biểu Quốc hội phát biểu lần trước đã được đề cập cho nên về cơ bản thì tôi nhất trí tán thành. Tuy nhiên, kỳ trước tôi có tham gia một ý kiến về vấn đề nên chăng dự thảo luật thiết kế một số điều hoặc thậm chí một chương cho thật hoành tráng về chuyển giao công nghệ cho nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bởi vì trên thực tế tôi thấy hiện nay vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn đang chịu nhiều thiệt thòi và làm thế nào để xóa đói, giảm nghèo. Nhiều chương trình của Đảng và Nhà nước đầu tư vào đây, nhưng nếu như không có một sự tập trung chuyển giao công nghệ thì không những không thúc đẩy được phát triển sản xuất và giải quyết được đói nghèo mà thậm chí lại làm thất thoát hoặc làm lãng phí, làm cho bà con có khi lại nghèo thêm. Ngay như tỉnh Thanh Hóa chúng tôi Đài truyền hình Việt Nam đưa tin về dự án dứa Như Thanh, các đồng chí thấy hiện nay bà con đang dở khóc, dở mếu về chuyện nhà máy dứa chuyển giao đầu tư, vận động người nông dân đi vay vốn ngân hàng hàng mấy chục triệu, thậm chí có gia đình trăm triệu để mua giống dứa và nói rằng nhà máy sẽ mua và tiêu thụ, tính hiệu quả kinh tế thì bà con có thể thoát nghèo một cách dễ dàng. Nhưng thậm chí hiện nay hàng chục tấn dứa bà con thu hoạch nhưng để thối, nhà máy thiếu trách nhiệm về vấn đề này. Cho nên bà con nợ rất nhiều trên thảm cảnh vùng dứa này đang diễn ra. Cho nên tôi thấy đồng vốn mà Nhà nước đầu tư cho vùng này cần phải được bàn tay hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách và các quy định của pháp luật để giàng buộc, để làm thế nào đó cho có hiệu quả và tạo được niềm tin của nông dân.

Cho nên tôi thấy tại Điều 4 về chính sách của Nhà nước đối với vấn đề này đã đề cập nhưng còn đang chung chung, chưa cụ thể. Nếu như thế này thì nó khó có thể vào được vùng này. Tôi đề nghị nên chăng Điều 4 này cần bổ sung Nhà nước sẽ xây dựng các trung tâm chuyển giao công nghệ giống cây, giống con cho vùng đặc biệt khó khăn. Bởi vì hiện nay nhất là phát triển kinh tế rừng và có nhiều dự án vào vùng này nhưng bà con lúng túng.

Thứ nhất là không biết mua giống ở đâu, thậm chí mua ở nơi khác, không đúng với thổ nhưỡng đất đai khí hậu ở đó cho nên về không phát huy được hiệu quả và bị nhiều đối tác lừa để bán được giống nhưng cuối cùng không có hiệu quả. Cho nên Nhà nước phải có chính sách tổ chức ở đây một mạng lưới nghiên cứu về giống cây, giống con để cho phát triển, nhất là Dự án 5 triệu héc ta rừng vừa rồi chúng tôi đi giám sát thấy rằng sắp tới chúng ta sẽ chuyển sang rừng sản xuất. Nhưng bây giờ chuyển sang giống cây gì để có hiệu quả thì cần phải có một tổ chức Nhà nước để chuyển giao và hướng dẫn chứ không thể hô khẩu hiệu, động viên chung để tự phát như thế thì rất khó, nên cần phải có trọng tâm, trọng điểm về vấn đề này thì cần phải có mạng lưới trung tâm nghiên cứu các vùng sinh thái để chuyển giao cho bà con.

Thứ hai, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí cho vùng này thông qua các dự án trung tâm này và các giống cây, giống con này để cho bà con mua giống rẻ một chút, nếu không rất khó. Tôi thấy trong chính sách Nhà nước có đề cập cụ thể về vùng đặc biệt khó khăn và vùng sâu, vùng xa này là vấn đề trung tâm, thành lập trung tâm và mạng lưới nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về giống cây, giống con và đầu tư hỗ trợ kinh phí cho lĩnh vực này. Như thế tôi thấy nó mới thiết thực.

Vấn đề thứ hai, nội dung quản lý Nhà nước tôi thấy ở Điều 6 nó chung chung mà cần phải có một cụ thể cho chính quyền, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải vào cuộc, chứ thế này ai muốn chuyển giao thì chuyển giao và không thì thôi, Nhà nước đứng ngoài cuộc thì không được. Đối với vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn thì trực tiếp chính quyền tỉnh phải bố trí cán bộ, chứ không phải có chính sách khuyến khích về, nhưng ông không về, cũng thôi, mà ở đây phải có một giải pháp cụ thể là bố trí cán bộ về vùng đó để giúp đỡ bà con và phải có chính sách cụ thể cho cán bộ này, chứ không thể chung chung, bảo có chính sách này, chính sách kia, nói mãi không có cán bộ về đó và bà con người ta cứ trông chờ. Cho nên ở đây Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm bố trí đủ cán bộ theo các lĩnh vực có nhu cầu của địa phương đó để mà xuống chuyển giao và hỗ trợ cho bà con về cách làm ăn, cách tiêu thụ sản phẩm, như thế mới được.

Thứ hai, khi mà có tranh chấp về thiệt thòi của người dân do có sự lừa đảo về vấn đề không thực hiện các hoạt động chuyển giao cho nông dân một cách đúng như các quy định thì chính quyền phải vào cuộc để xử lý. Ví dụ như các trường hợp mặc dù Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, nhưng vì bà con đang thiệt thòi thì bây giờ chính quyền phải vào cuộc và phải tác động với các cơ quan chức năng của Trung ương và thậm chí là các cơ quan tư pháp, cơ quan tòa án xử về vụ vi phạm như thế này. Chứ không thể cứ để cho cơ quan này Trung ương đóng trên địa bàn, rồi bà con thế này thế kia là không được, mà phải có trách nhiệm với nông dân ở vùng bị thiệt thòi như thế, tức là chính quyền địa phương phải vào cuộc và phải đầu nối để xử lý tốt phần đó. Tôi thấy quản lý Nhà nước về vấn đề chuyển giao công nghệ phải cụ thể, trách nhiệm chứ không thể để chung chung.

Cuối cùng về quỹ tôi thấy bây giờ dự án luật nào ra đời cũng thành lập một quỹ thì nhiều quỹ quá và thứ hai nữa là quản lý có hiệu quả hay không? Tạo nên cơ chế xin cho nó phức tạp. Cho nên tôi thấy cũng nên gom lại vào qũy chung, còn Nhà nước có hỗ trợ thì hỗ trợ thông qua các trung tâm trực tiếp phục vụ đó và hỗ trợ qua các dự án hoặc các vấn đề cụ thể chứ không nên thành lập nhiều quỹ quá. Tôi xin tham gia một số ý như vậy, xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan