Góp ý dự thảo Nghị định do VCCI tổng hợp

Thứ Hai 14:23 22-05-2006
Về việc góp ý dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, sau khi tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp ý kiến như sau:

I. GÓP Ý CHUNG:

1. Nhất trí về việc ban hành Nghị định để thay thế Nghị định 12/1999/ND-CP. Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng các quy định trong Dự thảo chưa đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn. Nội dung của Dự thảo Nghị định chưa đáp ứng được mục tiêu “đảm bảo cho các quy định quản lý và chống xâm phạm quyền về sở hữu công nghiệp được thực hiện nghiêm chỉnh và có hiệu quả thiết thực”. Cụ thể như sau:

a. Mặc dù các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được xác định cụ thể hơn và rõ ràng hơn, mức phạt đã được tăng tương ứng với mức độ vi phạm nhưng vấn đề “Thẩm quyền, thủ tục xử phạt” trong Dự thảo nghị định vẫn chưa được xây dựng trên cơ sở của tư duy mới. Về bản chất, quy định của Nghị định chủ yếu phải làm rõ được khi nào thì có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá; và khi đã có hành vi vi phạm thì bị xử lý ra sao? thủ tục xử lý như thế nào?. Các quy định trong Dự thảo, đặc biệt liên quan đến xác định hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp còn chưa thực sự rõ ràng, bao quát và dễ hiểu, còn nhiều điều chưa hợp lý.

b. Theo các quy định hiện hành thì việc thực thi quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay được thực hiện bởi nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực tế những năm qua cho thấy việc thực thi quyền sở hữu công nghiệp phức tạp đã gây khó khăn cho các chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp và cũng do sự chồng chéo, nhiều cơ quan cùng tham gia nên việc chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp không hiệu quả. Kiến nghị để nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu công nghiệp, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp nên giao cho một cơ quan, cụ thể là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, các cơ quan khác đóng vai trò thành viên nếu có liên quan đến lĩnh vực quản lý.

2. Hầu hết đồng tình với cách đặt vấn đề của Ban Soạn thảo về việc “Xử lý hành vi xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính được các chủ sở hữu công nghiệp sử dụng nhiều vì đơn giản về thủ tục, có tác dụng ngăn chặn ngay hành vi xâm phạm”. Tuy nhiên trong Dự thảo các chế định này chưa rõ ràng, vì vậy đề nghị bổ sung vào những nội dung như sau:

a. Khi có đơn tố cáo, yêu cầu của chủ sở hữu bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì tổ chức thanh tra sở hữu công nghiệp kịp thời xử lý theo mức độ vi phạm (Trong thời gian cụ thể?).

b. Trong các biện pháp xử lý, đề nghị cho áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nghĩa là niêm phong, thu hồi ngay hàng hoá, vật phẩm bị coi là vi phạm (đề phòng tẩu tán).

c. Để tăng cường trách nhiệm mà cá nhân/ tổ chức khi có đơn tố cáo, yêu cầu đối với tổ chức thanh tra sở hữu công nghiệp, Nghị định cần quy định các cá nhân/ tổ chức này phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền (cần quy định các mức phù hợp) như là một khoản bảo đảm (tính đủ chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại cho cá nhân/ tổ chức bị tố cáo) cho yêu cầu này. Sau khi xem xét đúng sai, nếu tố cáo đúng thì sẽ được trả lại, nếu tố cáo sai thì sẽ dùng khoản tiền này để thanh toán các chi phí cần thiết.

3. Đề nghị bổ sung nội dung: Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc xác nhận và thực thi quyền sở hữu công nghiệp.
Ví dụ: - Xác nhận không chính xác, nhầm lẫn;
- Để lộ thông tin cho các đối tượng đang có tranh chấp.

II. GÓP Ý CỤ THỂ:

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

- Theo khoản 1 thì thuật ngữ "Chủ sở hữu công nghiệp" sẽ bao gồm cả người chuyển giao hợp pháp quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Theo điều 173 Bộ Luật dân sự thì Chủ sở hữu có 3 quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Như vậy, người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không phù hợp với khái niệm "Chủ Sở hữu công nghiệp".

- Khoản 6 giải thích thuật ngữ "Dấu hiệu vi phạm hành chính và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp", tuy nhiên trong Dự thảo thuật ngữ này chưa hề được nhắc lại một lần đầy đủ.
Điều 3. Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý…
- Khoản 2 quy định "Yếu tố xâm phạm đối với nhãn hiệu hàng hóa (bao gồm cả nhãn hiệu nối tiếng, chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hoá và tên thương mại) là dấu hiệu trùng và tự gây nhầm lẫn với các đối tượng đó đang được bảo hộ...". Khoản 4 quy định " Dấu hiệu của nhãn hiệu hàng hóa có yếu tố xâm phạm khi yếu tố xâm phạm nêu trên đồng thời đáp ứng hai điều kiện sau đây"…Kết hợp lại có thể viết lại Khoản 4 Điều 3 như sau "Dấu hiệu của nhãn hiệu hàng hoá có yếu tố trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các đối tượng đó đang được bảo hộ...khi dấu hiệu trùng hoặc gây nhầm lẫn nêu trên đồng thời đáp ứng hai điều kiện sau:" Kết quả là chúng ta có được những quy định rất khó hiểu.

Trở lại Khoản 2, người đọc có thể hiểu yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá là dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu hàng hoá đang được bảo hộ. Khái niệm nhầm lẫn ở đây thực chất là nhầm lẫn về dấu hiệu và nhầm lẫn về nhãn hiệu đang được bảo hộ. Như vậy nên thay đổi cách diễn đạt để người đọc không hiểu rằng "tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu hàng hoá đang được bảo hộ".

- Mục a khoản 3: quy định một trong các căn cứ để xem xét yếu tố vi phạm nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hoá, tên thương mại có bao gồm Quyết định công nhận nhãn hiệu nổi tiếng nhưng hiện nay vẫn chưa có quy định về thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Vậy đề nghị cần nhanh chóng ban hành quy định về vấn đề này.

- Mục b khoản 4: quy định về dấu hiệu của nhãn hiệu hàng hoá có yếu tố xâm phạm: “dấu hiệu bị nghi ngờ xâm phạm trùng… hoặc tương tự (có một số điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự tới mức không thể dễ dàng phân biệt với nhau)”, cần quy định rõ là điểm độc lập hay điểm phụ thuộc hay bao gồm cả hai.

Khoản 4 quy định hai điều kiện để xác định " yếu tố xâm phạm" đối với nhãn hiệu hàng hoá là mục (a) và (cool.gif. Thực chất hai mục này chỉ mới đề cập đến bản thân của dấu hiệu (cấu tạo, cách phát âm, ý nghĩa, cách trình bày...), bản thân hàng hoá (bản chất, chức năng, công dụng), và kênh tiêu thụ. Khoản 4 Điều 3 rất nhiều các yếu tố khác khi xem xét có "yếu tố xâm phạm" hay không và quyền quyết định có "yếu tố xâm phạm" hay không là tuỳ thuộc vào người có thẩm quyền xử lý căn cứ vào tình hình thực tế của từng trường hợp cụ thể. Thực tế cho thấy những nhãn hiệu hàng hoá tương tự, được sử dụng cho từng loại hàng hoá, và cùng kênh tiêu thụ sản phẩm như nhau, nhưng không hề có hành vi vi phạm vì sự tồn tại của các yếu tố khác đã không làm cho người tiêu thụ bị nhầm lẫn.

- Khoản 6 quy định “Sản phẩm hoặc quy trình có dấu hiệu xâm phạm đối với sản phẩm hoặc quy trình được bảo hộ khi tất cả các dấu hiệu (đặc điểm kỹ thuật) thuộc từng điểm trong yêu cầu bảo hộ so với các dấu hiệu của sản phẩm hoặc quy trình bị nghi ngờ xâm phạm là đồng nhất hoặc là biến thể tương đương”. Cần làm rõ như thế nào là vi phạm tất cả các dấu hiệu thuộc từng điểm.

- Mục b khoản 10 quy định một trong những yếu tố vi phạm quy định quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp bao gồm: “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại tới lợi ích hợp pháp của nhà nước và xã hội”. Đề nghị bổ sung như sau; “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của nhà nước, xã hội và người tiêu dùng”.

Mục c khoản 10 quy định một trong những yếu tố vi phạm quy định quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp bao gồm: “Sản xuất, buôn bán hàng giả sở hữu công nghiệp”, chúng tôi đề nghị sửa đổi như sau: “sản xuất, buôn bán và lưu thông hàng giả về sở hữu công nghiệp”.

- Mục a khoản 11 quy định về yếu tố hàng giả về sở hữu công nghiệp: “Dấu hiệu bị nghi ngờ xâm phạm trùng hoặc giống đến mức không thể phân biệt được với dấu hiệu thuộc phạm vi bảo hộ…”. Đề nghị sửa đổi như sau: “Dấu hiệu bị nghi ngờ xâm phạm trùng hoặc giống đến mức khó có thể phân biệt được với dấu hiệu thuộc phạm vi bảo hộ…”.
Khoản 11 quy định thế nào là yếu tố hàng hoá giả về sở hữu công nghiệp. Điều 12 và 13 quy định các mức phạt đối với hành vi buôn bán và sản xuất hàng hoá giả về sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên người đọc vẫn chưa rõ thế nào là hàng hoá giả về sở hữu công nghiệp.

Điều 4. Nguyên tắc xử phạt

Không nên nhắc lại các nôi dung đã được quy định tại Điều 3 "nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính" của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 5. Hình thức xử phạt

Khoản 2 đề nghị bổ sung hình thức phạt bổ sung là tịch thu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tại các quy định về mức phạt với hành vi buôn bán hàng giả về sở hữu công nghiệp (Điều 12), hành vi sản xuất hàng giả về sở hữu công nghiệp (Điều 13), đề nghị quy định mức phạt tối thiểu là gấp 3 lần và tối đa là gấp 5 lần giá trị lô hàng giả bị bắt giữ.

Điều 11, 12, 13 và 14 có đề cập đến hàng hoá vi phạm để làm căn cứ tính mức phạt. Ví dụ khoản 1 điều 13 quy định " Phạt tiền từ 5.000.000 đến dưới 15.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hàng hoá giả sở hữu công nghiệp trong trường hợp hàng hoá giả có giá trị dưới 20.000.000 đồng". Ở đây cần làm rõ giá trị hàng giả này được xác định như thế nào? Nên tính theo giá trị tương đương của hàng thật vì rì rằng đã là hàng giả thì rất khó xác định giá trị của nó là bao nhiêu.

Điều 12. Hành vi buôn bán hàng hoá giả về sở hữu công nghiệp

Khoản 7 quy định" tiền phạt từ 80.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 của Điều này trong trường hợp hàng hoá có giá trị trên 250.000.000 đồng trở lên". Tương tự, Khoản 7 Điều 13 quy định "Phạt tiền từ 90.000 đồng đến 100.000.000 đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong truờng hợp hàng hoá có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên.

Khoản 1 Điều 156 Bộ Luật Hình sự quy định về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả" như sau: "Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng hoặc có giá trị dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt xử phạt hành chính về các hành vi quy định tại điều này, hoặc một trong các điều 153,154,155,157,158,159 và 161 của Bộ luật này, hoặc đã bị kết án về một trong các tội này mà chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm." Tức là khi hành vi buôn bán hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khoảng cách giữa 30.000.000 đến 200.000.000, 250.000.000 là rất lớn, trong khi một hành vi có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, còn một hành vi chỉ bị xử phạt hành chính khi người có thẩm quyền xử phạt thấy có đủ cơ sở cho thấy hành vi vi phạm không có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Điều 18. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

- Khoản 3 quy định “Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu và hồ sơ, chứng cứ vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp phải có ý kiến bằng văn bản trả lời người trưng cầu giám định”. Có một số ý kiến cho rằng thời hạn 5 ngày là quá dài, đặc biệt trong trường hợp áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như việc tạm giữ của Hải quan đối với lô hàng bị nghi ngờ có yếu tố vi phạm sở hữu công nghiệp thì thời hạn 5 ngày nói trên sẽ phát sinh những khoản chi phí lớn cho người có yêu cầu bảo hộ. Đề nghị rút ngắn thời hạn này xuống còn từ 1 đến 2 ngày.

Khoản 3 quy định người có thẩm quyền xử phạt có thể yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh hoặc Cục Sở hữu trí tuệ giám định. Cần quy định rõ giá trị pháp lý của kết luận giám định của các cơ quan trên. Ví dụ kết quả giám định có giá trị tham khảo hay bắt buộc đối với cơ quan thực thi.

- Khoản 5
quy định: Trong trường hợp hành vi phạm đã bị lập biên bản vi phạm hành chính nhưng có tranh chấp, khiếu nại về chủ sở hữu đối tượng sỡ hữu công nghiệp, theo đề nghị bằng văn bản của Cục sở hữu trí tuệ, thì người có thẩm quyền xử phạt tạm dừng ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm kết luận về hành vi vi phạm.

Điều 10 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là 2 năm. Nếu các tranh chấp được đề cập kéo dài hơn thời gian này mà kết luận cuối cùng vẫn là có hành vi vi phạm thì xử lý như thế nào?

Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định "thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính; đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 ngày. Trong trường hợp xét cần thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo với thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày. Quá thời hạn nói trên người có thẩm quyền xử phạt không có quyền ra quyết định xử phạt".
Như vậy, các tranh chấp, khiếu nại chỉ cần kéo dài hơn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản về xử phạt hành chính là người có thẩm quyền xử phạt là người không thể ra được quyết định xử phạt.

Điều 23. Tố cáo, yêu cầu xử phạt vi phạm, xâm phạm về sở hữu công nghiệp
Khoản 1 quy định "Chủ sở hữu công nghiệp có quyền tố cáo, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền yêu cầu kiểm tra, thanh tra, giám định và xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp". Như vậy có thể hiểu chủ sở hữu công nghiệp và cá nhân chỉ có quyền tố cáo mà không có quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm. Quy định này mâu thuẫn với quy định tại Khoản 2 Điều 23 "Cá nhân, tổ chức yêu cầu xử lý hành vi vi phạm, xâm phạm về quyền sở hữu công nghiệp phải làm đơn yêu cầu..."

Việc Chủ Sở hữu công nghiệp không được yêu cầu giám định trong khi tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại có quyền này là không hợp lý.
Điều 16 "Giám định công nghiệp" quy định: Cục Sở hữu trí tuệ và Sở Khoa học và công nghệ thực hiện giám định về sở hữu công nghiệp phục vụ việc xử lý vi phạm hành chính khi các cơ quan có thẩm quyền xử phạt xử phạt hành chính về sở hữu công nghiệp yêu cầu". Như vây, theo quy định này thì tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng không có quyền yêu cầu giám định, tức là mâu thuẫn với Điều 23.

Trên đây là một số ý kiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp gửi tới quý Ban Soạn thảo để nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo.

Các văn bản liên quan