VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định hướng dẫn thực hiện quy định về khu (điểm) chợ biên giới tại Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy trình trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác
Kính gửi: Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 9739/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác (phiên bản 23.10.2024) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Tổng số chuyến xe tối đa đối với vận tải tuyến cố định
Khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải niêm yết các thông tin “tổng số chuyến xe tối đa được phép hoạt động vận chuyển trên từng tuyến trong một đơn vị thời gian và tổng số chuyển xe đã đăng ký hoạt động”. Theo quy định này tổng số chuyến xe tối đa được phép hoạt động vận chuyển trên từng tuyến trong một đơn vị thời gian sẽ bị khống chế.
Quy định đang không rõ xác định số lượng tối đa của số chuyến xe dựa vào căn cứ nào? Và tại sao lại phải khống chế về tổng số chuyển xe được phép hoạt động vận chuyển trong một đơn vị thời gian? Quy định này có tính chất như mệnh lệnh hành chính can thiệp vào hoạt động của thị trường – xác định tổng số lượng dịch vụ cung cấp trên thị trường. Mặt khác, quy định này cũng sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính khi đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định phải đăng ký số xe vận chuyển và phải đăng ký lại nếu thay đổi số lượng xe vận chuyển.
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại cơ chế quản lý đối với vận chuyển theo tuyến cố định theo hướng không khống chế tổng số lượng chuyến xe tối đa được phép hoạt động vận chuyển trên từng tuyến trong một đơn vị thời gian.
- Bổ sung, thay thế xe khai thác tuyến (Điều 11)
Khoản 2 Điều 11 Dự thảo quy định đơn vị kinh doanh vận tải được sử dụng phương tiện bất kỳ của đơn vị mình đã được cấp phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” để thay thế khi xe đang hoạt động trên tuyến gặp sự cố kỹ thuật hoặc tai nạn giao thông hoặc do nguyên nhân bất khả kháng khác. Trường hợp đơn vị không bố trí được phương tiện thay thế, Sở Giao thông vận tải quyết định việc điều động phương tiện của đơn vị khác trên tuyến để thay thế.
Quy định trên cần được xem xét ở các vấn đề sau:
– Phù hiệu của xe thay thế này có ghi tuyến thay thế hay không? Cơ chế nào để kiểm soát xe chạy thay thế này, trong khi Dự thảo đang thiết kế xe chạy tuyến cố định nào thì trên phù hiệu phải ghi tên tuyến đang khai thác.
– Trường hợp Sở Giao thông vận tải quyết định việc điều động phương tiện của đơn vị khác trên tuyến để thay thế thì quy trình như nào? Căn cứ nào để lựa chọn đơn vị thay thế? Việc thiếu rõ ràng trong quy định này có thể phát sinh cơ chế xin cho và lúng túng trong quá trình thực hiện.
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên.
- Quyền hạn, trách nhiệm của hành khách đi xe (Điều 16)
Khoản 1 Điều 16 Dự thảo quy định hành khách đi xe “được yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ đã đăng ký và niêm yết”. Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Dự thảo, đơn vị kinh doanh vận tải tự xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải, không phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định trên theo hướng “được yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ đã công bố và niêm yết”.
- Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải tại bến xe khách (khoản 3 Điều 37)
Khoản 3 Điều 37 Dự thảo quy định, đơn vị kinh doanh vận tải tại bến xe khách trước khi hoạt động tại bến xe khách phải tiến hành ký kết hợp đồng và thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết với bến xe khách.
Quy định này là không cần thiết, bởi vì việc ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng giữa đơn vị kinh doanh vận tải với bến xe khách được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận của hai bên và được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
- Quy định về trình tự, thủ tục đưa bến xe (bến xe khách, bến xe hàng) vào khai thác (Điều 39)
- Thời hạn của Quyết định công bố đưa bến xe vào khai thác
Điểm c khoản 3 Điều 39 Dự thảo quy định “quyết định công bố đưa bến xe vào khai thác có giá trị trong thời hạn 05 năm kể từ ngày ký”. Quyết định này có tính chất như giấy phép hoạt động của bến xe. Trong xu hướng cải cách thủ tục hành chính hiện nay, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không quy định thời hạn của quyết định công bố này và quản lý theo hướng “hậu kiểm”, nếu bến xe không đáp ứng yêu cầu trong quá trình kiểm tra, thanh tra thì có thể đình chỉ hoạt động. Trong trường hợp không bỏ quy định về thời hạn, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo kéo dài thời hạn của quyết định công bố này.
- Về công bố lại
Điểm b, c khoản 4 Điều 39 Dự thảo quy định “trước khi hết hạn được phép khai thác 60 ngày theo thời hạn quy định tại quyết định công bố đưa bến xe vào khai thác”, “thay đổi chủ sở hữu” phải thực hiện thủ tục công bố lại.
Thay đổi chủ sở hữu, giấy phép hết hạn không làm thay đổi công trình bến xe khách, bến xe hàng đã được công bố trước đó, do vậy yêu cầu phải thực hiện quy trình thủ tục công bố lại là chưa hợp lý. Bởi vì, theo quy trình xử lý hồ sơ đề nghị công bố lại tại khoản 6, Sở Giao thông vận tải sẽ tổ chức kiểm tra thực tế bến xe khách để xác định bến xe có đáp ứng các quy định kỹ thuật của loại bến xe khách mà đơn vị đang khai thác hay không, trong khi đó các tài liệu như “quyết định cho phép đầu tư xây dựng, cải tạo của cơ quan có thẩm quyền”, “Biên bản nghiệm thu các công trình xây dựng, cải tạo”, “Bản đối chiếu các quy định kỹ thuật của quy chuẩn này với các công trình của bến xe” không có thay đổi so với lần công bố trước.
Để đảm bảo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng:
– Đối với trường hợp “cải tạo cơ sở vật chất dẫn đến thay đổi các tiêu chí làm ảnh hưởng đến các điều kiện phân loại bến xe” thuộc trường hợp công bố lại;
– Đối với trường hợp hết hạn quyết định công bố đưa bến xe vào khai thác (trường hợp cơ sở vật chất không làm ảnh hưởng đến các điều kiện phân loại bến xe); thay đổi chủ sở hữu thuộc trường hợp cấp lại quyết định công bố đưa bến xe vào khai thác. Trình tự thủ tục cho trường hợp này cần thiết kế đơn giản, theo hướng thẩm định hồ sơ và cấp lại quyết định.
- Quy định về chế độ báo cáo (Điều 46)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Dự thảo, đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe phải gửi Báo cáo kết quả hoạt động vận tải, bến xe theo tần suất định kỳ hàng tháng. Đây là tần suất quá dày, có thể tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, bến xe.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định tần suất báo cáo 06 tháng, 01 năm.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.