Tăng thẩm quyền giải quyết vụ án kinh tế cho Toà án cấp quận
Thạc sỹ luật học
Thẩm phán Toà án Nhân dân quận Hai Bà Trưng
Có nhiều ý kiến khác nhau về việc quy định thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế cho Toà án nhân dân cấp Huyện. Bài viết này trên cơ sở phân tích thực trạng giải quyết các vụ án kinh tế hiện nay, ủng hộ quan điểm mở rộng thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế của Toà án cấp Huyện. Các lập luận chủ yếu có thể kể đến là xu thế đưa Toà cấp Huyện trở thành cấp Toà án xét xử sơ thẩm chủ yếu trong quá trình cải cách tư pháp. Hơn nữa, các vụ án kinh tế tập trung phần lớn tại các thành phố lớn là nơi đã có khá đủ các điều kiện về đội ngũ Thẩm phán và các điều kiện vật chất khác cho việc mở rộng thẩm quyền cho các Toà án quận huyện.
Theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (sau đây viết tắt là PLTTGQCVAKT) thì Toà án cấp Huyện có thẩm quyền giải quyết theo trình tự sơ các tranh chấp về hợp đồng kinh tế mà giá trị tranh chấp dưới 50 triệu đồng, trừ trường hợp có nhân tố nước ngoài (Điều 13 Khoản 1 PLTTGQCVAKT). Các vụ án kinh tế còn lại sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết theo trình tự sơ thẩm của Toà Kinh tế Toà án cấp Tỉnh.
Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sau đây gọi là Dự thảo) quy định thẩm quyền giải quyết của Toà cấp Huyện đối với các vụ án kinh tế bao gồm các tranh chấp phát sinh trong các hoạt động kinh doanh được quy định từ điểm a đến điểm i Khoản 1 Điều 30 của Dự thảo (Điều 30. Những vụ án kinh tế thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án:
Những vụ án kinh tế sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án:
1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm:
a. Mua bán hàng hoá;
b. Cung ứng dịch vụ;
c. Phân phối;
d. Đại diện, đại lý;
đ. Ký gửi;
e. Thuê, cho thuê, thuê mua;
g. Xây dựng;
h. Tư vấn, kỹ thuật;
i. Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ;
Các tranh chấp còn lại thuộc thẩm quyền của Toà án cấp Tỉnh (Phần tiếp theo của Điều 30:
k. Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển;
l. Mua bán cổ phiếu, trái phiếu;
m. Đầu tư, tài chính, ngân hàng;
n. Bảo hiểm;
o. Thăm dò, khai thác.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, quyền chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
3. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty.
4. Các tranh chấp kinh tế khác mà pháp luật có quy định.)
Như vậy, theo Dự thảo, thẩm quyền của Toà án cấp Huyện không bị hạn chế bởi giá trị của các tranh chấp mà chỉ bị hạn chế về loại việc hay tranh chấp. Đây là điểm hợp lý vì thực tế, Toà án cấp Huyện không bị hạn chế bởi giá trị tranh chấp khi giải quyết các vụ án dân sự theo quy định hiện hành (Xem Điều 10 và 11 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án Dân sự (sau đây viết tắt là PLGQCVADS). Theo quy định thì các tranh chấp dân sự có các đương sự là người nước ngoài hay người Việt nam ở nước ngoài và các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp vẫn luôn thuộc thẩm quyền của các Toà cấp Tỉnh( Xem khoản 2 Điều 11 PLTTGQCVADS). Bài viết này sẽ không đề cập đến nhân tố nước ngoài khi phân định thẩm quyền giữa Toà án cấp Huyện và cấp Tỉnh.
Có thể thấy rằng việc quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền cho Toà cấp Huyện là hợp lý. Bởi trong quá trình cải cách hệ thống Toà án hiện nay, mô hình hợp lý mà chúng ta có thể nhận thấy chính là đảm bảo cho Toà cấp Huyện sễ là câp xét xử sơ thẩm phần lớn các loại án, kể cả hình sự, dân sự hay kinh tế. Toà cấp Tỉnh sẽ hạn chế việc xét xử sơ thẩm mà tập trung hơn vào việc xét xử phúc thẩm hay giám đốc thẩm. Toà Tối cao cũng dần tiến đến không phải là một Toà phải xét xử nhiều án phúc thẩm như hiện nay mà sẽ tập trung hơn vào các vụ án mang tính chất hướng dẫn hay chỉ ra các đường lối quan trọng cho việc giải quyết các vụ án. Do đó, việc mở rộng thẩm quyền cho Toà án cấp Huyện với các vụ án kinh tế là hợp lý và nằm trong xu thế chung của quá trình chuyển phần lớn các việc xét xử sơ thẩm cho các Toà án cấp quận huyện. Việc mở rộng thẩm quyền cho Toà án cấp Huyện có thể làm từng bước và quy định như của Dự thảo là sự khởi đầu tốt hơn cho việc chuyển dần việc xét xử sơ thẩm chủ yếu cho Toà quận huyện.
Bảng 1: Số lượng các vụ án kinh tế được thụ lý giải quyết theo trình tự sơ thẩm tại Toà cấp Huyện và Toà cấp Tỉnh:
Bảng 1
: Số lượng các vụ án kinh tế được thụ lý giải quyết theo trình tự sơ thẩm tại Toà cấp Huyện và Toà cấp Tỉnh:[1]
Năm
|
Toà cấp Huyện
|
Toà cấp Tỉnh |
2003 |
50 |
643 |
2002 |
55 |
669 |
2001 |
53 |
637 |
2000 |
74 |
785 |
Theo bảng tổng hợp trên đây, cho thấy trong những năm qua, số lượng các vụ án kinh tế được thụ lý và giải quyết tại các Toà án quận huyện là rất nhỏ so với các Toà cấp Tỉnh. Có thực trạng này là do thẩm quyền của các Toà cấp Huyện bị giới hạn bởi các tranh chấp có liên quan đến hợp đồng kinh tế có giá trị đến 50 triệu đồng. Trong các Báo cáo Tổng kết của Toà án nhân dân Tối cao đã nhiều lần chỉ ra nguyên nhân này và phân tích một sự thật là với các tranh chấp dưới 50 triệu đồng thi hầu hết các doanh nghiệp sẽ tìm con đường hay cách thức khác để giải quyết hơn là đưa vụ kiện đến Toà án quận huyện đẻ giải quyết (Xem Báo cáo Tổng kết năm 2001, trang 38; Báo cáo năm 2000, trang 61).
Nếu cứ như hiện nay, các Toà cấp Tỉnh gần như là Toà sơ thẩm với các vụ án kinh tế. Các Báo cáo của Toà Tối cáo cho thấy, số lượng các vụ án mà Toà cấp Tỉnh xử phúc thẩm trong thời gian qua là rất ít, năm 2003: 1vụ/1 vụ có kháng cáo; năm 2002: 2 vụ/2 vụ có kháng cáo; 2001: 3 vụ/4 vụ có kháng cáo. Nói cách khác, Toà cấp Tỉnh dang là Toà xử so thẩm chủ yếu các vụ án kinh tế và điều này đi ngược lại với quá trình đưa Toà cấp Huyện trở thành cấp Toà xét xử sơ thẩm chủ yếu các vụ án.
Có một thực tế nữa là trong thời gian qua, các địa phương khác nhau có số lượng các vụ án kinh tế rất chênh lệch. Trong đó, phần lớn các vụ án được thụ lý vào là của các thành phố lớn hay các trung tâm kinh tế, đầu tư hay thương mại của nước ta. Thành phố Hồ Chí Minh luôn là đơn vị dẫn đầu về số lượng các vụ án kinh tế, bỏ xa các thành phố khác như Hà nội, Hải phòng, Đà nẵng là các thành phố có số vụ án thụ lý được kể đến hàng chục. Các Toà các Tỉnh khác có số thụ lý khoảng 1 đến 6 vụ/năm; trong khi đó, có nhiều Toà án chưa thụ lý giải quyết vụ án kinh tế nào cho đến năm 2001, như các Toà án Tỉnh: Quảng Trị, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Bắc Cạn, Hà Nam và Hà Tĩnh (Xem Báo cáo Tổng kết năm 2001, trang 38; Báo cáo năm 2000., trang 61).
Bảng 2: So sánh số lượng các vụ án thụ lý và giải quyết tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác:[2]
Năm
|
Thành phố HCM |
Hà nội
|
Hải phòng
|
2001 |
341
(bằng 49,4 % số vụ án của cả nước) |
78 |
33 |
2000 |
257
(bằng 29,9 % số vụ án của cả nước) |
73 |
36 |
1999 |
735
(bằng 57,4 % số vụ án của cả nước) |
Khoảng 70 |
Khoảng 60 |
Như vậy, có thể nhận thấy khi mở rộng thẩm quyền cho các Toà án quận huyện giải quyết các vụ án kinh tế, chúng ta sẽ đứng trước thực tế là sẽ có nhiều Toà án quận huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, Hà nội và một số thành phố lớn khác sẽ có một lượng khá lớn các vụ việc kinh tế để giải quyết trong khi các địa phương khác có thể vẫn sẽ trong tình trạng có rất ít việc để làm.
Hơn nữa, ở các thành phố lớn các số lượng các vụ án dân sự thường lớn hơn và có độ phức tạp hơn so với các địa phương khác mà kinh tế,thương mại chưa phát triển. Các vụ án kinh tế cũng không nằm ngoài quy luật này. Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn nhất trong cả nước và nhìn vào bảng so sánh trên, dễ dàng nhận thấy đây là nơi tập trung nhiều các tranh chấp hơn hẳn các địa phương khác và có thể hiểu các vụ việc ở đây cũng sẽ đa dạng và phức tạp hơn. Điều này phần nào có thể giải quyết được sự lo lắng về đội ngũ Thẩm phán của các Toà quận huyện liệu có đảm đương được việc giải quyết án kinh tế khi mở rộng thẩm quyền. Bởi ở các thành phố lớn, do sự va chạm nhiều với các vụ việc phức tạp, không thể phủ nhận năng lực, trình độ của các Thẩm phán cũng có điều kiện được nâng cao hơn. Do đó, khi mở rộng thẩm quyền cho các Toà cấp Huyện, các Thẩm phán sẽ có đủ khả năng để giải quyết các vụ việc được giao.
Tuy nhiên, có thể nói rằng Thẩm phán quận huyện hiện nay phận lớn không có được những kinh nghiệm trong việc giải quyết án kinh tế. Song điều này hoàn toàn có thể khắc phục được khi có các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các Thẩm phán về các vấn đề cơ bản sẽ gặp phải khi giải quyết các vụ án kinh tế. Phần khác, sự hỗ trợ về trao đổi nghiệp vụ của các Toà cấp Tỉnh cũng sẽ góp một phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ cho các Thẩm phán cấp Huyện. Hơn nữa, khi thấy các Toà cấp huyện chưa đủ sức giải quyết được các vụ án phức tạp, Toà cấp Tỉnh vẫn có thể lấy vụ án lên để giải quyết sơ thẩm như được quy định tại Điều 35 của Dự thảo. Song quan trọng hơn cả là chính các Thẩm phán quận huyện sẽ phải tự mình học hỏi để có thể đáp ứng tốt hơn cho công việc được giao.
Có một điểm thuận lợi hơn cho Thẩm phán quận huyện là nếu được thông qua, Luật Tố tụng Dân sự sẽ ghi nhận mạnh mẽ hơn nguyên tắc nghĩa vụ chứng minh là của các đương sự. Điều đó có nghĩa là đưong sự cung cấp chứng cứ và thực hiện nghĩa vụ chứng minh sẽ là cơ sở chủ yếu để Toà án có thể giải quyết vụ án chứ không phụ thuộc chủ yếu vào quá trình điều tra vụ án của Thẩm phán như hiện nay. Toà án dường như được đặt ở vị trí của người ra quyết định dựa trên sự cung cấp chứng cứ từ phía các đương sự, đặc biệt là nguyên đơn. Nói cách khác, Thẩm phán sẽ không chủ động điều tra mà ở vị trí hỗ trợ khi các bên đã tự mình thu thập chứng cứ nhưng không thể thu thập được và có yêu cầu cụ thể với Toà án (Xem các Điều: 79; 85 Dự Thảo; Xem Dương Quốc Thành, “Chứng cứ và Chứng minh trong Tố tụng Dân sự”, Tạp Chí Toà án Nhân dân Số 1 Tháng 1-2004, trang 25-28).
Điều này là rất quan trọng bởi lẽ các tranh chấp về kinh tế thường sẽ phức tạp hơn và đòi hỏi nhiều công sức hơn khi thu thập chứng cứ. Việc quy định nghiã vụ chứng minh thuộc về các đương sự có thể sẽ khó thực hiện hơn với các vụ án dân sự hay hôn nhân và gia đình do các đương sự trong các vụ án này hoặc không quen thuộc với việc có tư vấn pháp lý hay thuê luật sư hoặc ít có điều kiện để thuê luật sư. Song với các bên trong tranh chấp kinh tế, có thể thấy việc có tư vấn pháp lý hay thuê luật sư là điều thực hiện dễ hơn và phổ biến hơn. Do đó, Thẩm phán cũng sẽ được giảm bớt việc điều tra vụ án để có thể tập trung hơn vào việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật cho chính xác và khách quan.
Cơ sở vật chất của ngành Toà án cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình mở rộng thẩm quyền cho Toà cấp Huyện. So với những năm trước, đến nay ngành Toà án đã có những thay đổi tích cực trong việc tăng cường cơ sở vật chất, đặc biệt là việc nâng cấp và xây mới trụ sở của Toà án địa phương bao gồm cả Toà quận huyện (Theo Báo cáo của TATC thì riêng năm 2003 đã khởi công xây mới 59 trụ sở Toà cấp Huyện).
Cũng có thể sẽ là quá sớm khi khẳng định việc các Toà án cấp Huyện sẽ đáp ứng tốt việc giải quyết các vụ án kinh tế khi việc mở rộng thẩm quyền được trở thành hiện thực. Song bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cần có thời gian để tạo sự chuyển biến. Sự nỗ lực của các Thẩm phán cùng các quy định phù hợp của Luật và sự hợp tác ủng hộ của cộng đồng sẽ là những động lực thúc đẩy quá trình đổi mới và tạo thuận lợi cho Toà án cấp huyện có thể đảm đương được nhiều công việc hơn vì một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh./.