VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại Bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025-2030

Thứ Ba 11:20 15-10-2024

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Trả lời Công văn số 7082/VPCP-KSTT của Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025 – 2030 (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

Dự thảo đã đề ra các mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng về cắt giảm giấy phép kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh và các nhiệm vụ thúc đẩy cải cách hành chính về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục và đổi mới phương thức thực hiện thủ tục hành chính. Những nội dung tại Dự thảo đã thể hiện tinh thần quyết liệt trong hoạt động cải cách và thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao Nghị quyết và kì vọng những tác động tích cực của Nghị quyết vào môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.

Để hoàn thiện hơn Dự thảo, đề nghị Quý Cơ quan xem xét, cân nhắc một số vấn đề sau:

  1. Về mục tiêu chung.

Dự thảo mới chỉ đưa ra mục tiêu cắt giảm đối với giấy phép, thủ tục hành chính nội bộ; số hóa thủ tục hành chính về cấp phép trên môi trường điện tử, số lần cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu trong thủ tục cấp phép mà chưa đưa ra mục tiêu cắt giảm đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh. Trong khi, đây là một trong những nội dung quan trọng tại Mục III Dự thảo. Đề nghị bổ sung tại Mục tiêu chung về tỷ lệ % cắt giảm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh đến năm 2030.

  1. Nhiệm vụ, thực hiện cắt giảm giấy phép, đơn giản hóa thủ tục cấp phép dựa trên công nghệ số, dữ liệu số (Mục III.1):

– Về mục tiêu

Dự thảo đang đặt ra mục tiêu cắt giảm hoặc chuyển sang hình thức thông báo hoặc cấp phép tự động đối với tối thiểu 30% giấy phép trong trường hợp cấp mới, cấp lần đầu và 60% giấy phép trong trường hợp điều chỉnh, sửa đổi, cấp lại.

“Cắt giảm” giấy phép có thể hiểu là bãi bỏ giấy phép. Chuyển sang hình thức thông báo hoặc cấp phép tự động – với hình thức này, giấy phép vẫn tồn tại nhưng thủ tục để thực hiện đơn giản, thuận tiện hơn. So sánh hai hình thức này thì “cắt giảm” là hoạt động có tính chất cải cách mạnh hơn và tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp. Nếu gộp chung tỷ lệ cho cả hai hoạt động cắt giảm và chuyển đổi hình thức cấp phép (hình thức thông báo hoặc cấp phép tự động) có thể khiến cho các cơ quan rà soát có xu hướng lựa chọn chuyển đổi hình thức cấp phép thay vì “cắt giảm”.

Trên thực tế, khi đánh giá về hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), Tờ trình đã nêu thực trạng “việc cắt giảm đơn giản hóa TTHC thời gian qua vẫn tập trung chủ yếu ở đơn giản hóa bộ phận tạo thành TTHC … số lượng TTHC được cắt giảm còn khiêm tốn” (trang 2).

Vì vậy, để hoạt động cắt giảm giấy phép thực chất, đề nghị phân tách riêng tỷ lệ mục tiêu của hoạt động cắt giảm giấy phép và tỷ lệ mục tiêu chuyển đổi hình thức cấp giấy phép.

– Về nhiệm vụ

Dự thảo yêu cầu “rà soát, xây dựng phương án cắt giảm giấy phép, đơn giản hóa thủ tục cấp phép (bao gồm cả giảm thủ tục hành chính nội bộ) đối với trường hợp đã có đủ dữ liệu, điều kiện thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31 tháng 10 hàng năm. Riêng đối với giấy phép do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quy định theo thẩm quyền, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa”. Như vậy, việc cắt giảm giấy phép, đơn giản hóa thủ tục cấp phép chỉ thực hiện đối với trường hợp “đã có đủ dữ liệu, điều kiện thực hiện”. Điều này dường như chưa đủ, bởi vì sẽ có những trường hợp không cần thiết phải có giấy phép hoặc quản lý bằng hoạt động cấp phép mà cần phải bãi bỏ giấy phép đó hoặc chuyển đổi thành hình thức quản lý bằng điều kiện kinh doanh mà không cần cấp phép (chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”).

Vì vậy, để đảm bảo tính toàn diện và thực chất, hiệu quả, đề nghị bổ sung trường hợp cắt giảm giấy phép, đơn giản hóa thủ tục cấp phép đối với các giấy phép không hợp lý, có thể chuyển đổi được từ hình thức “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

  1. Rà soát, cắt giảm ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư, kinh doanh (Mục III.2)

Dự thảo đặt ra nhiệm vụ “rà soát, đề xuất bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết được áp dụng theo hình thức giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận hoặc thu gọn, lồng ghép các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận có trùng lắp, chồng chéo hoặc có khả năng tích hợp; cắt giảm đối tượng tuân thủ, tần suất thực hiện, kéo dài thời gian có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận …”.

Theo quy định hiện hành, điều kiện kinh doanh có thể ở hình thức giấy phép hoặc không giấy phép (chỉ cần đáp ứng điều kiện kinh doanh là được phép hoạt động, không cần xin văn bản chấp thuận từ cơ quan quản lý nhà nước). Nội dung trên đang chưa rõ “bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết được áp dụng theo hình thức giấy phép” tức là bỏ hoàn toàn các điều kiện đầu tư kinh doanh hay là chuyển từ việc phải cấp phép sang không cấp phép, nhưng vẫn phải đáp ứng điều kiện kinh doanh. Đây là nội dung cần phải làm rõ để đảm bảo căn cứ rõ ràng cho các Bộ thực hiện và các cơ quan, tổ chức có thể giám sát việc thực hiện.

Liên quan đến thời hạn giấy phép, việc kéo dài thời hạn có hiệu lực của giấy phép sẽ góp phần giảm tải việc thực hiện TTHC cho doanh nghiệp, tuy nhiên trên thực tế, qua rà soát văn bản, có nhiều loại giấy phép không cần thiết phải quy định thời hạn, cơ quan nhà nước có thể quản lý thông qua công cụ kiểm tra, thanh tra. Do vậy, đề nghị bổ sung thêm yêu cầu “kéo dài hoặc bãi bỏ thời hạn có hiệu lực của giấy phép”.

  1. Đẩy mạnh phân cấp trong thực hiện thủ tục hành chính (Mục III.3)

Dự thảo chủ trọng về việc phân cấp từ trung ương xuống địa phương, điều này là hợp lý, tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp khi thực hiện TTHC. Trong thời gian qua, hoạt động phân cấp không chỉ dừng ở việc từ trung ương xuống địa phương, mà các thủ tục ở trung ương cũng phân cấp từ Bộ xuống cho các đơn vị chuyên môn của Bộ thực hiện. Tuy nhiên, việc phân cấp các TTHC này, doanh nghiệp chưa nhận thấy thuận lợi đáng kể, bởi vì thời gian giải quyết TTHC vẫn như cũ. Điều này khiến cho việc phân cấp trong thực hiện TTHC chưa thực sự hiệu quả.

Đề nghị bổ sung nội dung, việc phân cấp thực hiện TTHC phải gắn với việc điều chỉnh rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, bởi vì phân cấp thẩm quyền sẽ giảm các tầng nấc trung gian giải quyết và khiến cho quy trình thủ tục TTHC đơn giản hơn, đồng nghĩa thời gian giải quyết TTHC sẽ phải rút ngắn hơn.

  1. Giải pháp thực hiện (Mục IV)

Trong thực tế thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình soạn thảo và ban hành các Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về kinh doanh còn rất hạn chế. Mặc dù đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật và phải tuân thủ quy trình xây dựng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng những nội dung trong các phương án rà soát của các Bộ, ngành tác động trực tiếp đến cộng đồng kinh doanh. Việc tham vấn đầy đủ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến vào các phương án rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa của các bộ, ngành sẽ khiến cho hoạt động này trở nên thực chất và có hiệu quả.

Vì vậy, bên cạnh các giải pháp rất thiết thực tại Mục IV, đề nghị bổ sung thêm nội dung về việc yêu cầu các cơ quan rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa phải lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và có trách nhiệm giải trình đối với các ý kiến góp ý.

Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025 – 2030. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.