Góp ý của TS.Quách Đức Pháp

Thứ Hai 16:45 22-05-2006
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

Phá sản doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là hiện tượng tất yếu của quá trình cạnh tranh, chọn lọc và đào thải tự nhiên để loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém, khẳng định sự tồn tại và phát triển đối với doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Đối với một doanh nghiệp cụ thể, có thể vì nhiều lý do như: xác định phương hướng đầu tư, lựa chọn ngành nghề đầu tư không đúng hoặc gặp phải sự cố, rủi ro trên thương trường... dẫn đến tình trạng kinh doanh gặp phải khó khăn, thua lỗ thì việc phá sản doanh nghiệp được coi là một cơ hội để doanh nghiệp rút ra khỏi thương trường một cách có trật tự để có điều kiện tìm kiếm một cơ hội kinh doanh khác. Với tinh thần đó thì phá sản doanh nghiệp là cần thiết cho sự phát triển, phá sản để phát triển chứ không phải phá sản là mất đi. Ra đời, hoạt động, phá sản doanh nghiệp là một quá trình gắn kết với nhau. Quá trình này không thể nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật. Việt Nam xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN có sự điều tiết của nhà nước cũng có nghĩa là phải chấp nhận các thuộc tính, quy luật vốn có của nó, trong đó có vấn đề phá sản doanh nghiệp. Trước yêu cầu đó, pháp luật về phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam với tư cách là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật kinh tế đã được hình thành là một tất yếu khách quan. Mốc quan trọng đánh dấu cho sự hình thành pháp luật phá sản Việt Nam là Luật phá sản doanh nghiệp (Luật PSDN) được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 30/12/1993, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/1994. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên và đồng thời cũng là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất hiện nay để điều chỉnh một cách toàn diện, đầy đủ trình tự, thủ tục phá sản doanh nghiệp.
Sự ra đời của Luật PSDN ở nước ta tuy muộn hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới nhưng đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành một cơ chế pháp lý đồng bộ cho hoạt động xử lý nợ của doanh nghiệp, từng bước đảm bảo trật tự kỷ cương trong lĩnh vực tài chính, lành mạnh hoá môi trường kinh doanh, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế thời kỳ đổi mới của nước ta.

Tuy nhiên, qua hơn 9 năm thực hiện Luật PSDN, số lượng các doanh nghiệp được giải quyết theo thủ tục phá sản doanh nghiệp là rất thấp, chưa phản ánh chính xác số lượng doanh nghiệp lâm và tình trạng phá sản trên thực tế. Theo Báo cáo tổng kết hàng năm của Toà án Nhân dân Tối cao, cho đến nay toàn ngành toà án chỉ thụ lý có 151 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, trong đó cũng mới chỉ tuyên bố phá sản được 46 doanh nghiệp.

Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ quan trọng nhất là do Luật PSDN còn có những nội dung chưa phù hợp với thực tế nên chưa đi vào cuộc sống. Thực tiễn thi hành trong những năm qua đã cho thấy quy định của Luật PSDN và các văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa đầy đủ, thiếu nhiều nội dung cần thiết, một số quy định lại quá cứng nhắc, không phù hợp với thực tế, thậm chí nhiều quy định còn mâu thuẫn với những quy định của các văn bản pháp luật có liên quan. Những hạn chế này đã gây không ít khó khăn vướng mắc cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, các quy định của pháp luật phá sản hiện là lĩnh vực bất cập lớn nhất của khung pháp luật kinh tế hiện hành. Tuy nhiên, việc soạn thảo Luật PSDN được tiến hành trong điều kiện nước ta mới chuyển sang cơ chế quản lý kinh tế mới, phá sản là vấn đề hoàn toàn mới lại chưa có thực tế nên những hạn chế của các quy định trong Luật Phá sản doanh nghiệp hiện hành là khó tránh khỏi và có thể biện minh được.

Xuất phát từ những lý do trên, dự án Luật Phá sản (sửa đổi) đã được đưa và chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XI. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được đóng góp một số ý kiến mang tính trao đổi về hướng hoàn thiện dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) lần này nhằm khắc phục được những hạn chế, tồn tại của Luật PSDN hiện hành như đã nêu trên.

1. Về phạm vi điều chỉnh của Dự án luật và thủ tục giải quyết phá sản:

Phá sản phải áp dụng cho mọi đối tượng kinh doanh, nghĩa là phải bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể và cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, do số lượng hộ kinh doanh cá thể và cá nhân kinh doanh là rất nhiều và điều kiện hiện nay chưa cho phép nên giai đoạn trước mắt chỉ nên áp dụng thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp và hợp tác xã. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Phá sản cho cả đối tượng là hợp tác xã sẽ góp phần bảo đảm sự bình đẳng về mặt pháp luật giữa các chủ thể kinh doanh. Tuy nhiên, với phạm vi điều chỉnh như vậy, việc giải quyết phá sản của một số đối tượng (doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...) phức tạp hơn rất nhiều so với giải quyết phá sản của một số đối tượng khác (doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, hợp tác xã...). Do vậy, nên chăng dự án Luật cần quy định hai trình tự giải quyết phá sản riêng biệt: trình tự giải quyết phá sản thông thường và trình tự giải quyết phá sản đơn giản. Tiêu chí để lựa chọn đối tượng áp dụng theo trình tự thông thường hay đơn giản có thể căn cứ vào doanh thu năm kết hợp với số lao động trung bình trong năm của doanh nghiệp hoặc căn cứ vào loại hình doanh nghiệp.

2. Về vấn đề nộp đơn yêu cầu toà án tuyên bố phá sản doanh nghiệp:

Dự thảo quy định về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp của chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, HTX khi doanh nghiệp, HTX mất khả năng thanh toán nợ. Theo chúng tôi, đây không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của doanh nghiệp, do đó nên có quy định về thời hạn chủ doanh nghiệp phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và biện pháp chế tài đối với chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp không thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp đơn. Trong trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm hoặc thương nhân cố tình trì hoãn để che dấu tình trạng khó khăn nhằm mục đích trục lợi cá nhân hoặc có hành vi lừa đảo thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, với mục đích phát hiện sớm tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp nhờ đó toà án có thể can thiệp sớm nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động, thì pháp luật nên quy định tối đa các đối tượng có quyền yêu cầu toà án giải quyết phá sản. So với Luật Phá sản doanh nghiệp hiện hành, dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) đã mở rộng thêm một số đối tượng như: cổ đông, thành viên công ty. Tuy nhiên, dự án Luật lại giữ nguyên nhược điểm của Luật Phá sản doanh nghiệp hiện hành khi quy định là Toà án, Viện Kiểm sát, Thanh tra NN, tổ chức kiểm toán trong khi thực hiện chức năng nhiệm vụ có liên quan đến doanh nghiệp, HTX mà nhận thấy doanh nghiệp, HTX đó đang lâm vào tình trạng phá sản thì không có quyền mở thủ tục hoặc yêu cầu toà án mở thủ tục phá sản đối với thương nhân mà sẽ thông báo cho người có quyền nộp đơn để họ làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp toà án có thông báo nhưng các bên đương sự không làm đơn yêu cầu (do chưa có biện pháp chế tài xử lý đối với doanh nghiệp không nộp đơn yêu cầu và chủ nợ thấy việc đòi nợ cá nhân có lợi hơn cho họ), do vậy toà án không thể mở thủ tục mặc dù biết rõ ràng rằng doanh nghiệp đã hoàn toàn mất khả năng thanh toán. Do đó, nên quy định cho cả chủ nợ có bảo đảm, Viện Kiểm sát ND cũng có quyền yêu cầu toà án mở thủ tục và toà án trong quá trình giải quyết các vụ án có liên quan, nếu phát hiện doanh nghiệp lầm vào tình trạng phá sản có quyền mở thủ tục giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp.

3. Về điều kiện mở thủ tục:

Khi xây dựng Luật Phá sản cần xác định mục tiêu ưu tiên của thủ tục là nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ nợ hay của con nợ. Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, xu thế chung của Luật phá sản trên thế giới hiện nay là hướng tới ưu tiên bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mắc nợ, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động. Thời điểm mở thủ tục phá sản doanh nghiệp là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của thủ tục phục hồi doanh nghiệp, do đó việc xác định thời điểm mở thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp hợp lý và kịp thời là hết sức quan trọng. Nếu mở thủ tục sớm quá, khi doanh nghiệp vẫn có thể tự mình khắc phục được khó khăn thì sẽ làm triệt tiêu sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và làm lãng phí công sức, tiền bạc và thời gian của bản thân doanh nghiệp mắc nợ, của các chủ nợ và của Nhà nước. Ngược lại, nếu mở thủ tục quá muộn, tình trạng của doanh nghiệp đã ở mức trầm trọng, tài sản của doanh nghiệp gần như không còn, thì ngoài việc không thể phục hồi được doanh nghiệp, quyền lợi của người lao động, của các chủ nợ và của xã hội nói chung cũng không được bảo đảm.
Từ đó, nảy sinh vấn đề phân biệt giữa khái niệm mất khả năng thanh toán tạm thời và mất khả năng thanh toán lâu dài, nghĩa là cần cụ thể hoá các tiêu chí liên quan đến việc một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản như: tiêu chí thua lỗ, khó khăn về tài chính, tiêu chí phục hồi hoạt động. Vấn đề đặt ra là để có thể biết được tình hình tài chính của doanh nghiệp phải căn cứ vào những thông tin gì, lấy ở đâu? Nên chăng trong dự thảo Luật có quy định để tạo khuôn khổ pháp lý về nghĩa vụ thông tin hai chiều giữa Nhà nước và doanh nghiệp theo hướng Nhà nước có trách nhiệm cung cấp những thông tin gì cho doanh nghiệp và bằng con đường nào? Doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp những thông tin gì cho nhà nước, thông qua kênh nào?

4. Về vấn đề không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản:

Theo thông lệ quốc tế, sau khi toà án ra quyết định kết thúc thủ tục phá sản và tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp thì toàn bộ nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp mắc nợ được chấm dứt bất kể số nợ chưa thanh toán là bao nhiêu. Quy định không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản đối với doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh như trong dự thảo là quá nặng nề và phi kinh tế. Để đảm bảo quyền lợi cho các chủ nợ đã có các quy định khác như giao dịch bảo đảm, trách nhiệm hữu hạn hay vô hạn của doanh nghiệp đối với khoản nợ. Đối với các thương nhân chịu trách nhiệm hữu hạn (công ty TNHH, công ty cổ phần, DNNN...) thì chỉ chịu trách nhiệm thanh toán nợ trong phạm vi phần vốn đưa vào kinh doanh của doanh nghiệp còn các doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn (doanh nghiệp tư nhân, thành viên công ty hợp danh...) sẽ chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ bằng toàn bộ khối tài sản của mình, kể cả tài sản kinh doanh và tài sản cá nhân.

5. Ngoài ra, cũng nên bổ sung trong dự thảo quy định về phá sản có điều kiện đối với các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực đặc thù như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và các dịch vụ tài chính.

Tiến sĩ Quách Đức Pháp
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế
Bộ Tài chính

Các văn bản liên quan