Góp ý của Hiệp hội Chè Việt Nam

Thứ Ba 09:56 23-05-2006
Nguyễn Viết Thanh
Ban Tài chính, Hiệp hội Chè Việt Nam


Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo nghị định, chúng tôi xin góp một số ý kiến vào dự thảo như sau:

1 - Về bố cục của bản dự thảo nghi định đã phản ánh đầy đủ, cụ thể những nội dung cơ bản về giao, bán khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước. Tuy nhiên một số điều khoản cần làm rõ hơn.

2 - Chương I "những quy định chung"

2.1 Điều 1, khoản 4: Dự thảo ghi "...Người lao động" không rõ ràng là người lao động nói chung hay là người lao động trong công ty nhà nước là đối tượng của nghị định này.
- Cũng trong khoản này Dự thảo ghi: "Giảm bớt chi phí và trách nhiệm điều hành của cơ quan Nhà nước". Đây là một trong những mục tiêu chủ yếu của Nghị định, thế những công ty nhà nước còn lại? Trách nhiệm Nhà nước cũng phải chi phí và điều hành hay sao? Như vậy là không phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bình đẳng các thành phần kinh tế, cơ quan Nhà nước không can thiệp, tham gia điều hành kinh doanh công ty nhà nước. Đề nghị xem xét lại mục tiêu này.
2.2 Điều 2 khoản 1: Về giao công ty nên căn cứ vào tính chất, đặc thù và hiệu quả hoạt động của mỗi loại hình công ty để mở rộng phạm vi điều chỉnh có số vốn Nhà nước ghi trên sổ sách kế toán từ 5 tỷ đến dưới 10 tỷ đồng. Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần và cổ phần hóa được.
- Khoản 4: Mục a và b có ý trái ngược nhau, cụ thể:
+ Mục a: Tất cả các đơn vị phụ thuộc khác và bộ phận còn lại của doanh nghiệp này đều được thực hiện theo hình thức bán đơn vị phụ thuộc của công ty. Mục này có thể hiểu: phải bán tất cả các đơn vị phụ thuộc công ty, nếu công ty muốn bán đơn vị phụ thuộc.
+ Mục b: Đơn vị phụ thuộc có thể tách ra thành đơn vị hạch toán độc lập.
Vì lẽ nêu trên nên việc bán đơn vị phụ thuộc của công ty chỉ được tiến hành khi: đơn vị phụ thuộc có đủ điều kiện tách ra thành đơn vị hạch toán độc lập (đề nghị bỏ mục a)

3- Điều 25, khoản 2, chương III:
Dự thảo ghi: "Khi bàn giao số lượng và thực trạng tài sản của công ty,...không đúng với số lượng và thực trạng tài sản đã ghi trong hợp đồng mua, bán thì người mua có quyền yêu cầu điều chỉnh hợp đồng đã ký"

Trường hợp này có thể xảy ra nhưng chưa đưa ra phương án xử lý, nếu yêu cầu của người mua không được chấp nhận thì sẽ xử lý ra sao? Đề nghị bổ sung cho rõ ý của Điều này.

4- Điều 33 chương IV: Hợp đồng bán, khoán, kinh doanh:
Đề nghị bổ sung phương án xử lý trong trường hợp một trong hai bên chấm dứt hợp đồng khoán trước hạn; hoặc trong thời gian khoán nhà nước có sự thay đổi làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của bên giao nhận khoán.

5- Mục II, chương IV: Thuê công ty- Đề nghị bổ sung phương án xử lý trong trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn; hoặc Nhà nước có chính sách thay đổi làm ảnh hưởng đến hợp đồng thuê.
- Điều 37: Cho thuê công ty theo phương thức đấu thầu;
Khoản 4: Người tham gi dự thầu có quyền đến công ty, nghiên cứu sổ sách kế toán, bảng kê tài sản và khảo sát thực trạng của công ty. Điều này không thể chấp nhận được vì đơn vị tham gia thầu chưa chắc đã trúng thầu, lại đi sâu vào thực trạng tài chính của công ty. Chỉ cần bên cho thuê lập bảng kê những chỉ tiêu chủ yếu về tài chính và tài sản cung cấp cho nhà dự thầu nghiên cứu, khảo sát.

Trên đây là một số ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước.

Các văn bản liên quan