Góp ý của các doanh nghiệp Khánh Hoà

Thứ Ba 09:32 23-05-2006
Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ THANH TOÁN BẰNG TIỀN MẶT

NHẬN XÉT CHUNG:

Nghị định này quy định về phạm vi thanh toán và việc quản lý, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm trong lãnh vực thanh toán bằng tiền mặt Việt Nam đồng tại Việt Nam đối với các tổ chức có mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại ngân hàng.

Đồng ý quan điểm hạn chế sử dụng tiền mặt trong lưu thông, khuyến khích các doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt là hợp lý nhưng ở thời điểm hiện tại nghị định có phù hợp hay không, với cơ chế điều hành như hiện nay liệu có đáp ứng được nhu cầu thanh toán trong quan hệ kinh tế thưong mại của xã hội hay không. Việc ban hành qui định về thanh toán bằng tiền mặt phải đi kèm với việc hoàn thiện các phương thức, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhưng trong điều kiện nước ta hiện nay chưa bắt buộc các doanh nghiệp, các hộ đăng ký kinh doanh phải mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại ngân hàng và phương thức thanh toán bằng tiền mặt trong quan hệ kinh tế thương mại là nhu cầu không thể thiếu của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh cũng như nhu cầu của người dân. Vì vậy nếu các phương thức thanh toán không đầy đủ, không đồng bộ và không hoàn thiện thì những qui định về thanh toán bằng tiền mặt trong dự thảo nghị định là không khả thi.

Để nghị định được chấp hành nghiêm chỉnh trước khi ban hành nghị định quy định về thanh toán bằng tiền mặt Nhà nước cần phổ cập, xã hội hóa các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn xã hội để chẳng những các tổ chức, các doanh nghiệp mà cá nhân cũng sử dụng phương thức thanh toán này hàng ngày như thẻ tín dụng, séc cầm tay (không cần bảo chứng)… Và các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng phải nhanh chóng kịp thời đáp ứng được yêu cầu giao dịch mua bán trong nên kinh tế thị trường.

Nếu các hình thức thanh toán khác chưa phổ biến trong xã hội, trong giao dịch mua bán thì việc thanh toán bằng tiền mặt rất khó hạn chế bằng các biện pháp hành chính và cũng không thúc đẩy được các doanh nghiệp, các hộ gia đình, các cá nhân mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại ngân hàng.
Theo Tổng Công ty Khánh Việt cho rằng: Nghị định này là biện pháp hành chính, can thiệp một cách thái quá vào nhu cầu thanh toán có sử dụng tiền mặt như hiện nay, mang nặng tính áp đặt hành chính hơn là giải pháp kinh tế. Giải pháp này sẽ không khả thi trong việc áp dụng điều hành cơ chế chung của nền kinh tế, vì vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và cho cả xã hội. Đây là dự thảo mang nặng tính chủ quan cục bộ, duy ý chí và chỉ nhằm giải quyết quyền lợi của ngành ngân hàng, tạo căng thẳng tiền mặt trong lưu thông, gây cản trở hoạt động SXKD bình thường của các doanh nghiệp. Trong khi đó địa vị pháp lý của ngân hàng không thể đứng trên quyền lợi của doanh nghiệp, đây là sự bbất bình đẳng nếu quy định này được thực hiện.

CÁC GÓP Ý CỤ THỂ:

Chương I:

Điều 2/ 3: “Nhà nước khuyến khích các cá nhân mở tài khoản tiền gửi thanh toán .. “ không đúng với nội dung là “ Đối tượng áp dụng” đề nghị sửa thành “Các cá nhân mở tài khoản tiền gửi thanh toán”

Điều 3: nên bỏ điều này vì các từ ngữ giải thích trong điều này hoặc trùng nội dung với các điều khác hoặc có thể giải thích kết hợp với điều khác như sau:
Điều 3/ 1: nên ghi phần giải thích trực tiếp trong khoản 1a của điều 2 chương I.
Điều 3/ 2: điều này giống như điều 8, chương II. Đề nghị nên bỏ “Phí sử dụng tiền mặt “ vì hiện nay các ngân hàng thương mại không thu phí này .
Điều 3/ 3: nội dung điều này giống như điều 5, chương II.

Chương II:

Điều 4: “Hạn mức thanh toán bằng tiền mặt”

Quy định không quá 5 triệu đồng hoặc không quá 10 triệu đồng đối với một khoản chi cho từng tổ chức sử dụng kinh phí là quá thấp và không hiện thực. Nếu tổ chức thực hiện thanh toán cho người bán là nông dân, cá nhân hoặc doanh nghiệp hoặc hộ đăng ký kinh doanh không mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng với số tiền nhiều hơn hạn mức quy định thì thực hiện như thế nào.

Hiện nay phương thức thanh toán qua ngân hàng không đáp ứng yêu cầu kịp thời của các doanh nghiệp và nếu hạn mức thanh toán bằng tiền mặt theo điều này sẽ làm cho các doanh nghiệp không chủ động được trong việc thanh toán, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh của DN trong nền kinh tế thị trường.

Thực tế các tổ chức có tài khoản thanh toán sử dụng rất nhiều phương thức thanh toán không bằng tiền mặt đối với các khoản chi thuận tiện cho hình thức thanh toán này kể cả giá trị thanh toán nhiều hoặc ít hơn quy định của hạn mức thanh toán bằng tiền mặt.

Điều 6 & 7:
Trong điều 6, quy định tồn quỹ tiền mặt định mức “Tại các tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, chủ tài khoản phải quy định mức tồn quỹ tiền mặt cho tổ chức mình …ï” trong điều này Dự thảo nghị định không quy định chủ tài khoản khi “quy định mức tồn quỹ tiền mặt cho tổ chức mình” bằng văn bản;

Nhưng trong điều 7, “ Khi có nhu cầu thay đổi định mức tồn quỹ tiền mặt thì : - Đối với tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước phải được chủ tài khoản đồng ý bằng văn bản “

Điều 8: Phí sử dụng tiền mặt
Hiện nay các ngân hàng thương mại chỉ thu phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Nếu quy định thu phí ” của các tổ chức có tài khoản khi gửi tiền mặt vào tài khoản hay rút tiền mặt ra, để bù đắp một phần chi phí...” sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp, các hộ đăng ký kinh doanh,các cá nhân mở tài khoản tại ngân hàng để thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt hưởng ứng và thực hiện tốt Nghị định. Việc rút tiền mặt thanh toán cho các khoản thu mua nông hải sản của nông dân, khoản chi lương, thưởng cho CBNV... mà phải chịu phí là vô lý. Vì vậy không nên thu phí sử dụng tiền mặt.

Mặt khác, việc quy định “Phí sử dụng tiền mặt được quy định cho từng loại giao dịch tiền mặt cần hạn chế” sẽ dẫn đến trường hợp các tổ chức, các doanh nghiệp sẽ tính toán và tăng tồn quỹ tiền mặt định mức để chi cho các loại giao dịch này (chủ tài khoản tự quy định mức tồn quỹ tiền mặt cho tổ chức mình).

Hiên nay các tổ chức, các cá nhân mở tài khoản tiền gửi và gửi tiền vào tài khoản tại ngân hàng ( đồng nghĩa với việc ngân hàng huy động được vốn), ngân hàng hàng tháng phải trả lãi tiền gửi cho số tiền của tổ chức đó tại ngân hàng và các ngân hàng đã đưa ra mức lãi suất ưu đãi tháng, quý, năm để thu hút được nhiều khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng mình hoặc phát hành tín phiếu với lãi suất cao; điều này minh chứng rằng việc thu phí sử dụng tiền mặt là không hợp lý.

Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Kho bạc Nhà nước nên tính toán mức chi phí kiểm đếm, đóng gói, vận chuyển tiền mặt … trong việc đưa ra lãi suất tiền gửi.

Chương III:

Điều 9: Kiểm tra giám sát
Cách phân bố dòng của điều này khiến cho “Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính và Thủ trưởng các tổ chức không sử dụng kinh phí Nhà nước” trở thành đối tượng của “Kiểm tra giám sát” – Nên ghi lại điều 9/1-2-3 không có dấu”:“ và không xuống dòng, cụ thể như sau:

1. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm tra …
2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm ...

Nên để các tổ chức có tài khoản tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tự kiểm tra việc thực hiện theo qui định của tổ chức mình. Các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc không được kiểm tra các tổ chức hoặc doanh nghiệp, việc kiểm tra của các cơ quan này sẽ gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp khi phải chịu nhiều sự kiểm tra khác của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc nhiều lãnh vực, doanh nghiệp mất nhiều thời gian đáng lý dành cho công việc sản xuất kinh doanh.

Chương IV:

Điều 11: Vi phạm

Điều 11/1: Trường hợp các doanh nghiệp mở tài khoản tại nhiều ngân hàng và chủ tài khoản tự quy định định mức tồn quỹ tiền mặt cho doanh nghiệp mình đối với từng ngân hàng có tài khoản tiền gửi thì vệc kiểm tra giám sát và phát hiện về vi phạm tồn quỹ tiền mặt định mức không tác dụng.

Điều 11/2: Việc kiểm tra giám sát và phát hiện về vi phạm hạn mức thanh toán bằng tiền mặt cũng khó thể thực hiện vì quy định ở điều 4 không hợp lý (góp ý ở điều 4) và mặt khác các doanh nghiệp có thể lách luật mà không vi phạn hạn mức thanh toán tiền mặt (doanh nghiệp có chia ra thành nhiều khoản chi cho một giao dịch mua bán để số tiền chi một lần không nhiều hơn hạn mức thanh toán tiền mặt quy định).

Điều 13: Giải quyết khiếu nại
Đề nghị 2 hướng giải quyết :

1. “Khi tổ chức bị xử lý vi phạm không đồng ý với quyết định xử phạt..., trước hết vẫn phải chấp hành theo quyết định xử phạt,” nên quy định rõ nếu tổ chức có trách nhiệm kiểm tra giám sát sai trong việc xử lý vi phạm màø tổ chức bị xử lý vi phạm vẫn phải chấp hành theo quyết định xử phạt thì tổ chức kiểm tra giám sát phải bồi thường thiệt hại cho tổ chức bị xử lý.

2. “Khi tổ chức bị xử lý vi phạm không đồng ý với quyết định xử phạt của tổ chức có trách nhiệm giám sát” có quyền khiếu nại với người ra quyết định xử phạt theo quy định của Pháp luật về khiếu nại tố cáo trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt. Quá thời hạn trên, tổ chức vi phạm hết quyền khiếu nại và phải chấp hành quyết định xử phạt.
Câu “sau đó có quyền khiếu nại với người ra quyết định xử phạt…”, nên giải thích từ “với” vì không thể khiếu nại với người ra quyết định xử phạt mà tổ chức bị xử lý không đồng ý; nên quy định rõ cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại.

Các văn bản liên quan