Góp ý của tiến sỹ Ng.Thị Thương Huyền

Thứ Ba 09:31 23-05-2006
GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THANH TOÁN BẰNG TIỀN MẶT

TS Nguyễn Thị Thương Huyền
Học viện Tài chính


1. Góp ý về nội dung của Nghị định

Để xây dựng được một cơ quản lý tiền mặt thích ứng với điều kiện kinh tế-xã hội cũng như nhằm hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch kinh tế, dân sự, thương mại ở nước ta hiện nay, theo chúng tôi Nghị định cần tập trung làm rõ ba nội dung cơ bản:

[i]Một là, Hạn mức thanh toán bằng tiền mặt

Hai là, Tồn quỹ tiền mặt định mức

Ba là, Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hạn mức thanh toán bằng tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt định mức.
[/i]

Ba nội dung này là những vấn đề hết sức nhạy cảm liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức có tài khoản tiền gửi thanh toán cũng như cơ chế tự chủ tài chính của các tổ chức và cơ chế quản lý ngân sách nhà nước đầu ra hiện nay.

Bám sát ba nội dung đó chúng tôi có một số nhận xét và góp ý sau:

- Về hạn mức thanh toán tiền mặt, Điều 4 của Nghị định qui định hạn mức thanh toán bằng tiền mặt, “không quá 5 triệu đồng đối với một khoản chi” cho các tổ chức sử dụng kinh phí NSNN; “không quá 10 triệu đồng đối với một khoản chi” cho các tổ chức không sử dụng kinh phí NSNN. Theo chúng tôi hạn mức này là quá thấp so với giá trị của các giao dịch kinh tế, dân sự, thương mại hiện nay, đặc biệt là đối với các tổ chức không sử dụng kinh phí NSNN mà những tổ chức này chủ yếu là các doanh nghiệp.

Thứ hai, “một khoản chi” được hiểu như thế nào? Là một lần viết phiếu chi tiền mặt; Hay là một lần giao dịch mua bán; Hay là một nội dung trong một hợp đồng giao dịch.

Với hạn mức đó, cùng với việc hiểu khoản chi khác nhau rất có thể dẫn đến tình trạng lách qui định này của Nghị định. Chẳng hạn, phiếu chi có thể được viết nhiều lần (mỗi lần dưới 5 triệu, 10 triệu); Hoặc mỗi giao dịch có giá trị dưới 5 triệu, 10 triệu nhưng tổng số giao dịch sẽ rất nhiều lần do đó giá trị sẽ rất lớn; Hoặc một hợp đồng (giao dịch) sẽ được thanh toán nhiều lần.

- Về tồn quĩ tiền mặt định mức, Nghị định cần qui định rõ các nguyên tắc xác định mức tồn quĩ tiền mặt để làm thước đo cho Kho bạc nhà nước và chủ tài khoản các tổ chức không sử dụng kinh phí NSNN xác định mức tồn quĩ tiền mặt.
Một thực tế cho thấy việc xác định mức tồn quỹ tiền mặt ở các đơn vị sự nghiệp có thu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các trường học và bệnh viện. Chẳng hạn đối với Học viện tài chính, nguồn lực tài chính ngoài nguồn tài chính do NSNN cấp thì nguồn thu sự nghiệp (cụ thể là học phí) là nguồn thu rất lớn của Học viện mà nguồn thu này chỉ có tiền mặt. Hơn nữa việc thu học phí của hàng ngàn sinh viên không thể nói là trong ngày một ngày hai sẽ xong được, do vậy rất có thể có những thời điểm số tồn quỹ tiền mặt sẽ rất lớn so với định mức tồn quỹ được quy định. Vấn đề này sẽ càng khó thực hiện ở các bệnh viện lớn vì nghiệp vụ thu viện phí phát sinh hàng ngày.

- Về kiểm tra, giám sát việc thực hiện hạn mức thanh toán bằng tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt định mức.

Theo qui định của Nghị định cụ thể tại Điều 9 thì phạm vi kiểm tra, giám sát của Ngân hàng nhà nước sẽ rất rộng bao hàm tất cả các tổ chức có tài khoản tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Điều này khó có thể thực thi trên thực tế, bởi các tổ chức không phải mở tài khoản ở một Ngân hàng mà thường mở tài khoản ở nhiều Ngân hàng khác nhau và đối với đơn vị sự nghiệp có thu (theo qui định của Nghị định 10) ngoài việc phải mở tài khoản ở cả Kho bạc nhà nước họ còn được phép mở tài khoản tại Ngân hàng đối với các nguồn thu thông qua hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ của đơn vị.

2. Về kỹ thuật lập qui của Nghị định

Chúng tôi cho rằng Nghị định dự thảo chưa đảm bảo tính kỹ thuật lập qui, một tiêu chí hết sức cơ bản để đánh giá tính chuẩn mực và khoa học của một văn bản qui phạm pháp luật. Chính điều này đã phần nào làm giảm bớt “uy lực” và “vị thế” của Nghị định dự thảo lần này. Để đảm bảo “đúng tầm” của một Nghị định theo chúng tôi Nghị định dự thảo cần khắc phục các điểm sau:

Thứ nhất, Bỏ các từ và các cụm từ không cần thiết trong Nghị định
Cụ thể, ở Khoản 2, Điều 6 không nên viết “Tại các tổ chức” mà chỉ cần qui định “Các tổ chức”.
Điều 8, nên bỏ cụm từ “Phí sử dụng tiền mặt”.
Điều 10, nên bỏ từ “Báo cáo:” và qui định luôn “Các tổ chức có tài khoản phải mở sổ theo dõi tiền mặt…”
Tương tự Điều 11 nên bỏ từ “Vi phạm”; Điều 12, bỏ từ “Mức phạt”; Điều 13 bỏ cụm từ “Giải quyết khiếu nại”; Điều 14 bỏ cụm từ “Hiệu lực thi hành”; Điều 15 bỏ cụm từ “Trách nhiệm hướng dẫn”; Điều 16 bỏ cụm từ “Sửa đổi bổ sung” Điều 17 bỏ cụm từ “Trách nhiệm thi hành”.

Thứ hai, cách trình bày: không nên cắt vụn qui phạm pháp luật bởi dấu : và xuống dòng. Chẳng hạn ở Điều 9, không nên trình bày “1. Ngân hàng nhà nước:
Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát…” mà nên qui định “1. Ngân hàng nhà nước chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát…”.
Tương tự nên qui định “2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm…” và 3. “Thủ trưởng các tổ chức không sử dụng kinh phí Ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm…”

Thứ ba, nên ghép một số điều trong Nghị định dự thảo với nhau, bởi thực chất nội dung của các điều này cùng qui định một vấn đề. Chẳng hạn, Điều 6 ghép với Điều 5 vì đều qui định về tồn quĩ tiền mặt định mức, hơn nữa bản thân Điều 6 không đưa ra được mức tồn qũi tiền mặt cho các tổ chức. Theo tôi sự tồn tại của Điều 6 trong Nghị định này sẽ là qui định các nguyên tắc xác định mức tồn quĩ tiền mặt định mức.

Nên ghép Điều 16 với Điều 14 bởi thực chất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định cũng là một nội dung của Hiệu lực văn bản qui phạm pháp luật.

Thứ tư, cần lưu ý cách dùng dấu phẩy, dấu chấm, dấu hai chấm, dấu gạch ngang và cách dùng thuật ngữ trong Nghị định để một mặt đảm bảo tính tôn nghiêm mặt khác đảm bảo tính mô phạm, khoa học của một văn bản qui phạm pháp luật. Chẳng hạn không nên dùng dấu : ở Khoản1, Điều 4 hoặc nếu dùng thì phải dùng thống nhất ở cả Khoản 2. Giữa các thuật ngữ “Kiểm tra giám sát”, “Sửa đổi bổ sung” phải có dấu phẩy. Nên dùng thuật ngữ Chế độ Tài chính-Kế toán và giữa hai thuật ngữ Tài chính-Kế toán phải có dấu gạch ngang, không nên dùng thuật ngữ “chế độ kế toán tài chính” mà lại ở giữa hai thuật ngữ “kế toán tài chính” lại không có dấu gạch ngang như ở Điều 10. Hơn nữa chế độ kế toán có chế độ kế toán doanh nghiệp áp dụng cho các doanh nghiệp và chế độ kế toán nhà nước áp dụng cho các đơn vị hành chính- sự nghiệp. Còn xét về các môn khoa học được đào tạo ở các trường kinh tế thì có Kế toán tài chính, Kế toán quản trị, Kế toán nhà nước…

Xem xét lại kỹ thuật lập qui cũng như nội dung của Điều 11. Điều 12 nên bỏ câu “Trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự” vì đây không phải là mức phạt, hơn nữa nội dung này đã đuợc qui định ở Điều 11./.

Các văn bản liên quan