Tổng hợp ý kiến tại Khánh Hoà, Phú Yên

Thứ Hai 18:03 22-05-2006
TỔNG HỢP GÓP Ý VÀO DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG ÔTÔ

Trưởng đại diện VCCI Khánh Hoà
TRẦN XỦN



Những người tham gia góp ý gồm đại diện các Sở : Kế hoạch Đầu tư, Du lịch Thương mại, Giao thông Vận tải, Cục thuế tỉnh, Liên minh các Hợp tác xã tỉnh, lãnh đạo các doanh nghiệp, các Hợp tác xã liên quan đến kinh doanh vận tải bằng ô tô ở Khánh Hoà và Phú Yên.

Nhận xét chung:

Do vận tải là ngành sản xuất mang tính đặc thù: sản phẩm vận tải vừa sản xuất vừa tiêu dùng (không có 2 quá trình riêng biệt là sản xuất và tiêu dùng) và quá trình sản xuất lại chủ yếu bên ngoài phạm vi của doanh nghiệp nên công tác quản lý hoạt động vận tải mang tính đặc thù riêng; Vì vậy hầu hết các ý kiến phát biểu đều thống nhất với nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, đồng thời tham gia góp ý thêm một số điều khoản như sau:

Ý kiến đóng góp cụ thể:

CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 2 : Đối tượng áp dụng

Khoản 1:
Đề nghị bổ sung thêm loại hình “Hợp tác xã” vì theo Luật Hợp tác xã thì HTX hoạt động như doanh nghiệp, nhưng trong Luật doanh nghiệp chung quy định loại hình doanh nghiệp: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; không có loại hình Hợp tác xã. Hiện nay kinh doanh vận tải bằng ô tô ngoài doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể còn có sự tham gia của các Hợp tác xã vận tải (các đầu xe thuộc HTX vận tải hiện nay rất đông).

Vì vậy để thể hiện đầy đủ tất cả các thành phần kinh tế là đối tượng áp dụng của Nghị định, khoản này được đề nghị sửa thành:
“Nghị định áp dụng đối với mọi Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh cá thể kinh doanh vận tải ...”

Điều 3 : Ngành nghề kinh doanh vận tải bằng ô tô có điều kiện
Đề nghị bổ sung và sửa đổi các khoản như sau:

[i]“5. Kinh doanh vận tải khách du lịch;
6. Kinh doanh vận tải hàng
7. Cho thuê phương tiện kinh doanh vận tải”[/i]

Bổ sung thêm khoản 5 vì vận chuyển khách du lịch khác với vận chuyển khách theo hợp đồng và chủ yếu do các công ty du lịch đảm nhận và có các qui định của ngành du lịch.

Bổ sung thêm khoản 7 vì trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải có lúc không đủ xe để phục vụ cho hoạt động kinh doanh tại một thời điểm, phải thuê thêm xe của doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Điều 4: Giải thích từ ngữ

Khoản 5: Đề nghị giải thích như sau:
5. “Kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng” là kinh doanh vận tải khách bằng ô tô không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải đã được ký kết giữa đại diện người thuê vận tải có cùng nhu cầu đi lại theo một chương trình hoặc một kế hoạch thống nhất

Đề nghị bỏ phần “kể cả hợp đồng vận chuyển khách du lịch” vì như đã đề nghị trong Điều 3 (vận chuyển khách du lịch có những quy định riêng của ngành du lịch khác với vận chuyển khách theo hợp đồng).

Và bổ sung thêm phần “có cùng nhu cầu đi lại theo một chương trình hoặc một kế hoạch thống nhất” vì thực tế hiện nay tồn tại rất nhiều chủ phương tiện không đăng ký kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định nhưng vẫn tổ chức bán vé lẻ sau đó hợp thức hoá hoạt động của mình dưới danh nghĩa “vận tải khách theo hợp đồng”. Đây là nguyên nhân gây rối loạn trật tự trong vận tải khách bằng ô tô hiện nay.

CHƯƠNG II. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG Ô TÔ

Điều 5 : Điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng ô tô

Hiện tại trong lãnh vực vận tải tồn tại rất nhiều xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải nhưng không thuộc sơ hữu của doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải nên hiệu lực quản lý điều hành rất thấp (thường khoán trắng cho lái xe), vì vậy đề nghị bổ sung thêm điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng ô tô là:

“Ô tô tham gia kinh doanh vận tải phải thuộc sở hữu chính chủ của doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh vận tải”

Khoản 4: đề nghị điều chỉnh lại như sau:

4. “Đối với doanh nghiệp: người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp phải có trình độ chuyên môn chuyên ngành vận tải hoặc kinh tế hoặc quản trị từ trung cấp trở lên; “

Đề nghị bổ sung thêm phần “hoặc kinh tế hoặc quản trị” vì người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp có thể là người đứng đầu doanh nghiệp và nhất thiết không phải bắt buộc phải có chuyên ngành vận tải.

Đề nghị bỏ phần “hoặc có thời gian làm việc trong ngành vận tải ít nhất 03 năm” vì khoảng thời gian này ai chứng nhận và đã làm về nghiệp vụ nào trong ngành vận tải để có thể là “người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp”.

Khoản 5: đề nghị bổ sung thành:

5. “Có diện tích đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp trừ các hợp tác xã vận tải, bảo đảm yêu cầu phòng cháy và vệ sinh môi trường.”

Bổ sung thêm phần trên vì hiện nay các hợp tác xã vận tải hoạt động như doanh nghiệp nhưng chỉ làm dịch vụ hỗ trợ xã viên, xe của xã viên do xã viên quản lý, bãi đỗ xe của xã viên thường là ở nhà.

Điều 6: Điều kiện kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định

Khoản 4: Ô tô có niên hạn sử dụng không quá quy định sau:
Vì chất lượng xe phụ thuộc rất nhiều vào tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất do vậy việc qui định tuổi xe như trong dự thảo là chưa đủ, cần phải bổ sung thêm qui định đối với các cự ly vận chuyển theo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm (ô tô) của nhà sản xuất. Cụ thể, xe sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng khác nhau (tiêu chuẩn Việt Nam, tiểu chuẩn ISO, tiêu chuẩn thị trường Châu Aâu, …) thì có tuổi đời khai thác khác nhau. Vì vậy cần phải kết hợp thêm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm vào qui định niên hạn sử dụng xe ô tô.

Điều 8: Điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng taxi

Khoản 4: đề nghị bổ sung thêm như sau:
4. “ Có đăng ký màu sơn của xe, biểu trưng của doanh nghiệp, biển số xe phải đăng ký tại địa phương xe đang hoạt động và số điện thoại giao dịch với khách.”

Khoản 5: có 2 đề nghị như sau:
1. Ý kiến đề nghị bỏ khoản này, vì trong thực tế cạnh tranh các doanh nghiệp kinh doanh taxi đã phải đào tạo, tập huấn cho đội ngũ lái xe về nghiệp vụ giao tiếp và phục vụ khách. Lái xe thực hiện tốt các nghiệp vụ trên thì doanh nghiệp mới phát triển, mới cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác.

2. Nhiều ý kiến đề nghị việc tập huấn nghiệp vụ giao tiếp và phục vụ vận tải khách do Hiệp hội Vận tải ô tô địa phương hoặc Sở Giao thông Vận tải tổ chức và cấp giấy chứng nhận. Vì từng địa phương có đặc thù riêng về giao tiếp và phục vụ khách Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam không thể tổ chức tập huấn phù hợp cho từng địa phương và không thể cấp giấy chứng nhận cho lái xe kịp thời để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp và vì việc này nên tổ chức thường xuyên và theo định kỳ.

Điều 9: Điều kiện kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng

Khoản 4: đề nghị bỏ khoản này vì:

Các ý kiến đều đề nghị bỏ phần “phải có phù hiệu xe hợp đồng” và thực hiện theo quy định khoản 2, điều 5.

Và phần “Đối với vận chuyển khách du lịch phải có phù hiệu vận chuyển khách du lịch” đề nghị chuyển sang khoản “Điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch”như đã đề nghị trong điều 3.

Điều 10 : Điều kiện kinh doanh vận tải hàng

Điều này dự thảo nghị định quy định quá đơn giản, đề nghị nên bổ sung cụ thể hơn như các điều kiện kinh doanh vận tải các ngành nghề trên như sau:
- Niên hạn sử dụng xe ô tô ?
- Điều kiện vận tải các loại hàng hoá đặc biệt ?

Đề nghị bổ sung thêm 02 điều phù hợp với 02 khoản ngành nghề đã đề nghị bổ sung trong điều 3 như sau:

“Điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch” với các quy định về điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng ô tô và các quy định về vận chuyển khách du lịch, áp dụng các quy chế của ngành du lịch.
“Điều kiện cho thuê phương tiện kinh doanh vận tải” với các quy định phù hợp với ngành nghề kinh doanh.

CHƯƠNG III. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC.

Điều 11: Trách nhiệm của Bộ giao thông Vận tải

Khoản 1: đề nghị bỏ phần “và Khoản 4 Điều 9” như đã đề nghị ở Khoản 4 Điều 9.

Khoản 2:“Quy định việc đăng kiểm đối với xe buýt để phù hợp với quy định tại Khoản 7 Điều 7 Nghị định này” nhưng Điều 7 không có Khoản 7.

Khoản 5: đề nghị sửa đổi phần “thực hiện quy định tại Điều 9” thành “thực hiện quy định tại Điều ... (Điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch)”

Điều 14: Trách nhiệm của Tổng Cục Du lịch
Đề nghị sửa đổi phần “thực hiện quy định tại Điều 9” thành “thực hiện quy định tại Điều ... (Điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch)”

CHƯƠNG IV. TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP, HỘ KINH DOANH ...

Điều 16: Trách nhiệm của DN, hộ KD cá thể kinh doanh vận tải khách bằng ôtô

Mục c, Khoản 3: đề nghị nghiên cứu lại quy định “... đón, trả khách tại các bến xe khách và các điểm dọc đường đã được công bố vì mục này áp dụng cho kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt thì được, nếu quy định cho kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định thì làm sao công bố hết các điểm đón và trả khách trên tuyến quốc lộ? Khách có thể đón hoặc xuống xe những nơi thuận tiện cho khách.

CHƯƠNG V. KIỂM TRA, THANH TRA, KHIẾU NẠI, ... VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19 : Khiếu nại, tố cáo
Đề nghị nghiên cứu lại điều này vì trách nhiệm của các Bộ, các cơ quan nhà nước là hướng dẫn, phối hợp hướng dẫn và kiểm tra vì vậy ở đây nếu “Doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể ... có quyền khiếu nại, tố cáo lên cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật”; quy định này gây nên sự hiểu lầm và khó hiểu vì doanh nghiệp ngay từ đầu chỉ cần khiếu nại, tố cáo để được giải quyết, không thể khởi kiện ra toà án.

Điều 20: Xử lý vi phạm
Điều này chỉ quy định về xử lý vi phạm một chiều là “Doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vi phạm” không quy định xử lý vi phạm đối với “Cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước”.

Vì vậy điều này đề nghị bổ sung và điều chỉnh như sau :
Cán bộ, công chức nhà nước, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể vi phạm các quy định của Nghị định này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, ...”

Nếu không bổ sung thêm phần “Cán bộ, công chức nhà nước” trong điều này thì quy định “xử lý kỷ luật” là không đúng vì “doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể không thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật mà chỉ áp dụng cho cá nhân”.

Các văn bản liên quan