Góp ý Dự án Luật thuế XK, thuế NK (sửa đổi)

Thứ Hai 15:02 22-05-2006
Tham gia ý kiến dự án Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu (sửa đổi)

Sau khi tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp một số ý kiến như sau:

Nhận xét chung:

Nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành (Luật năm 1991, 1993 và 1998). Những đánh giá của Ban soạn thảo về quá trình thực thi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành về cơ bản đã nêu bật được những thành tựu của Luật này và làm rõ những hạn chế của Luật, là nguyên nhân dẫn tới việc cần sửa đổi một số nội dung của Luật này.

Báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật đã được chuẩn bị tương đối công phu, có phân tích chi tiết những tồn tại và đưa ra những lập luận cụ thể cho định hướng sửa đổi các nội dung của Luật hiện hành. Việc soạn thảo và ban hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) là một động thái tích cực trong việc hệ thống hoá những quy định của pháp luật liên quan đến thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, nâng cao tính minh bạch của pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc thực thi và tuân thủ pháp luật.

Một số góp ý cụ thể vào nội dung dự án Luật:

1. Về đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế (Điều 1 và 2 Dự thảo Luật)
Nhất trí với nội dung của Điều 1 "Đối tượng chịu thuế" và Điều 2 "Đối tượng không chịu thuế", 2 điều này đã quy định tương đối toàn diện và đầy đủ. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị cân nhắc thêm:

Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quy chế Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (Khu TM Lao Bảo), tỉnh Quảng Trị kèm theo Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg ngày 12/01/2005, theo đó khoản 3 Điều 23 Quy chế quy định trường hợp hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại Khu TM Lao Bảo không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài, khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam thì không phải nộp thuế nhập khẩu. Vậy với nội dung của Điều 1 và Điều 2 dự thảo Luật thì có ảnh hưởng đến việc thi hành quy định này của Quy chế Khu TM Lao Bảo hay không vì Khu TM Lao Bảo cũng được coi như một khu vực hải quan riêng và theo dự thảo Luật (khoản 2 Điều 1) thì hàng hoá từ khu vực hải quan riêng đưa ra thị trường trong nước thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu.

Thứ hai, quy định tại khoản 4 Điều 2 Dự thảo chưa hoàn toàn chính xác bởi đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu không phải là "thuế tài nguyên được thu bằng dầu thô". Do đó, đề nghị sửa thành "Phần dầu khí đã nộp thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật".

2. Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới (Điều 5 Dự thảo Luật)

Điều 5 Dự thảo Luật quy định: "Căn cứ tình hình phát triển kinh tế và đặc điểm từng khu vực biên giới, Chính phủ quy định thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới". Ở đây có 2 điểm băn khoăn, đó là:

Thứ nhất, theo Dự thảo Luật thì thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới sẽ được quy định căn cứ vào đặc điểm từng khu vực biên giới. Như vậy, rất có thể xảy ra 2 trường hợp: (1) Một là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới với các nước khác nhau (Trung Quốc, Lào, Campuchia) sẽ phải chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu khác nhau, hoặc (2) Hai là đối với cùng cư dân biên giới một nước (ví dụ như Trung Quốc) thì thuế xuất khẩu, nhập khẩu có thể khác nhau ở những khu vực khác nhau. Quan điểm xử lý như Dự thảo là không cần thiết, làm phức tạp cho việc thực hiện và cũng có thể sẽ gây ra phản ứng không hay. Vì vậy nên có quy định chung áp dụng cho cư dân biên giới nói chung chứ không nên phân biệt tuỳ theo từng khu vực biên giới. Còn những nước có đường biên giới nào mà chúng ta có điều ước quốc tế được ký kết với những thoả thuận đặc biệt hơn, ưu đãi hơn thì sẽ áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Thứ hai, theo Dự thảo Luật thì thẩm quyền quy định thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới là thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, nếu thẩm quyền này thuộc Chính phủ thì sẽ kém linh hoạt do việc quy định thuế xuất khẩu, nhập khẩu này phải tuỳ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế và đặc điểm của từng khu vực, đây là vấn đề tương đối cụ thể và dễ thay đổi. Hơn nữa, hiện nay hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu, các khu vực kinh tế thương mại đặc biệt nằm liền kề đường biên giới như Khu TM Lao Bảo cũng thường được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Do đó, nên quy định thẩm quyền về vấn đề này thuộc Thủ tướng Chính phủ thì sẽ hợp lý và cụ thể hơn.

Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới gồm 2 loại: (1) Một là hàng hóa được cư dân biên giới xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán và (2) Hai là hàng hoá được xuất nhập khẩu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của cư dân biên giới. Theo tinh thần của Quyết định số 252/2003/QĐ-TTg ngày 24/11/2003 (cụ thể là Điều 5 Quyết định 252) thì hàng hóa buôn bán qua biên giới phải nộp thuế và các lệ phí khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, tức là không có sự phân biệt về chính sách thuế đối với hàng hóa được xuất nhập khẩu nói chúng và hàng hóa xuất nhập khẩu của cư dân biên giới nói riêng. Riêng đối với hàng hóa được nhập khẩu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu với định mức nhất định (theo Quyết định 252 là 500.000 đồng/người/ngày).

Do đó, đề nghị nên quy định ngay trong Luật về vấn đề thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới theo tinh thần của Quyết định số 252/2003/QĐ-TTg nêu trên. Trường hợp vẫn giữ quan điểm như Dự thảo thì không nên quy định trong Luật về khả năng áp dụng chính sách thuế xuất nhập khẩu khác nhau đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của cư dân biên giới ở những khu vực biên giới khác nhau và thẩm quyền quy định về vấn đề này nên thuộc Thủ tướng Chính phủ.

3. Về phương pháp tính thuế (Khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật)

Đề nghị bổ sung vào cuối điểm a và b khoản 2 này cụm từ "tại thời điểm tính thuế" để khẳng định rõ hơn phương pháp tính thuế được căn cứ trên các yếu tố là số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, giá tính thuế, thuế suất, mức thuế tuyệt đối đối với từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế.

Đề nghị bỏ câu cuối của khoản 1 Điều 11 ("Số thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải nộp được tính theo thuế suất, giá tính thuế và tỷ giá tính thuế tại thời điểm tính thuế.") để tránh chồng chéo với bổ sung nêu trên. Hơn nữa, câu này của khoản 1 Điều 11 quy định về phương pháp tính thuế chứ không phải là thời điểm tính thuế như nội dung của Điều 11 này.

4. Về quy định việc hàng hóa nhập khẩu phải chịu thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp (Khoản 3 Điều 8 dự thảo Luật)

Điểm a và b khoản 3 Điều 8 quy định như sau:
"a) Hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam với giá bán của hàng hóa đó quá thấp so với giá thông thường do bán phá giá, gây khó khăn cho sự phát triển ngành sản xuất hàng hóa tương tự của Việt Nam thì phải chịu thuế chống bán phá giá;

b) Hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam với giá bán của hàng hóa đó quá thấp so với giá thông thường do có sự trợ cấp của nước xuất khẩu, gây khó khăn cho sự phát triển ngành sản xuất hàng hóa tương tự của Việt Nam thì phải chịu thuế chống trợ cấp;"

Quy định ở 2 điểm a và b của Khoản 3 trên đây có một số nội dung chưa rõ, đó là:
+ Giá bán của hàng hóa đó quá thấp so với giá thông thường được hiểu như thế nào? Thế nào là quá thấp?
+ Khái niệm "giá thông thường" ở đây được hiểu thế nào, cách xác định ra sao?
+ Tiêu chí "gây khó khăn" cho sự phát triển ngành sản xuất tương tự của Việt Nam là chưa rõ ràng và cũng chưa phù hợp với quy định của quốc tế về điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp. Pháp luật quốc tế (quy định của WTO và các nước) đều sử dụng tiêu chí "gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước", tiêu chí này cũng được thể hiện trong pháp luật của Việt Nam về chống bán phá giá và chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Thực tiễn thương mại quốc tế cũng cho thấy việc áp dụng thuế chống bán phá giá cũng như thuế chống trợ cấp có một quá trình thực hiện tương đối phức tạp và phải đáp ứng nhiều điều kiện, tiêu chuẩn cao liên quan đến quá trình điều tra, áp dụng các loại thuế này cũng như đòi hỏi phải có những quy định pháp luật rất cụ thể. Năm 2004, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về chống bán phá giá và Pháp lệnh về chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam với những quy định rất cụ thể về những vấn đề này. Do vậy, trong Dự thảo Luật chỉ nên đưa ra những quy định rất chung về việc áp dụng hai loại thuế này. Đề nghị sửa lại điểm a và b Khoản 3 Điều 8 như sau:

"a) Hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam nếu được bán phá giá thì phải chịu thuế chống bán phá giá theo quy định của pháp luật;
b) Hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam nếu có sự trợ cấp của nước xuất khẩu thì phải chịu thuế chống trợ cấp theo quy định của pháp luật".


5. Về thẩm quyền quy định việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp (Khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật)

Theo quy định của Khoản 1 Điều này, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp. Tuy nhiên, đề nghị không quy định như vậy bởi:

Thứ nhất, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp được áp dụng đối với một mặt hàng cụ thể của một thương nhân cụ thể. Trong một vụ việc, những mức thuế chống bán phá giá khác nhau có thể được áp dụng đối với những thương nhân khác nhau tuỳ theo mức độ bán phá giá của họ. Do đó, đối với những vụ việc hết sức cụ thể như vậy thì không nên quy định "Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định" như dự thảo.

Thứ hai, theo pháp luật hiện hành thì thẩm quyền áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đã được quy định, cụ thể là:
+ Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định áp dụng hay không áp dụng thuế chống bán phá giá (Khoản 1 Điều 22 Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam);
+ Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định áp dụng hay không áp dụng thuế chống trợ cấp (Khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam).

Ngoài ra, đề nghị lưu ý nội dung Điều 9 trong Tờ trình (tại điểm 2 Mục III) và nội dung Điều 9 trong Dự thảo Luật là khác nhau.

6. Về thời điểm tính thuế (Điều 11 dự thảo Luật)

Đề nghị bỏ câu cuối của Khoản 1 Điều 11 như đã nêu tại mục 3 đã nêu trên.

Trong thực tế, có nhiều trường hợp cần phải tiến hành giám định hàng hóa thì mới có thể xác định được mức thuế phải nộp của hàng hóa (ví dụ như phải giám định số lượng hàng hóa; giám định loại hàng hóa để áp mã số HS và thuế suất). Do đó, chúng tôi đề nghị cân nhắc thêm những trường hợp này và có thể quy định một khoảng thời gian phù hợp hơn cho cơ quan hải quan để thông báo bằng văn bản cho đối tượng nộp thuế về nội dung khai báo trong tờ khai hải quan chưa đúng với quy định của Luật Hải quan và của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu này (Khoản 2 Điều 11).

7. Về thời hạn nộp thuế và điều kiện áp dụng thời hạn nộp thuế (Điều 12 dự thảo Luật)

Về cơ bản, nhất trí với quan điểm được nêu trong dự thảo Tờ trình là cần có biện pháp nhằm ngăn chặn có hiệu quả hơn việc chây ỳ, chậm nộp thuế của doanh nghiệp. Với quan điểm đó, Khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật đưa ra điều kiện để được áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định (tức là thời hạn 30 ngày đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và 9 tháng đối với hàng hóa là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để trực tiếp sản xuất hàng hóa xuất khẩu kể từ ngày đối tượng nộp thuế nộp tờ khai hải quan) là những doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trong thời hạn một năm mà không có vi phạm về nợ thuế, chậm nộp thuế.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng quy định như vậy là hơi cứng nhắc và không tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mới được thành lập, đặc biệt là mới được thành lập dưới 1 năm và không phù hợp với chủ trương khuyến khích đầu tư thành lập các doanh nghiệp mới. Chúng tôi đề xuất sửa lại là điều kiện này như sau: "những doanh nghiệp trước đây không có hành vi vi phạm về nợ thuế, chậm nộp thuế hoặc đã vi phạm nhưng những vi phạm đó đã được khắc phục".

Ngoài ra, đề nghị bổ sung quy định về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập như quy định của Luật Thuế XNK hiện hành.

8. Về miễn thuế (Điều 13 dự thảo Luật)

Đề nghị viết lại khoản 1 Điều này thành: "Hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại; trưng bày, giới thiệu hàng hóa; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định" cho phù hợp với quy định của Luật Thương mại.

Đề nghị bổ sung khoản 4 như sau: "… hoặc hàng hóa xuất khẩu cho bên nước ngoài gia công và nhập khẩu lại Việt Nam theo hợp đồng gia công đã ký kết" để là rõ trường hợp sản phẩm gia công do bên nước ngoài gia công cho bên Việt Nam khi nhập khẩu lại vào Việt Nam cũng được miễn thuế nhập khẩu.

9. Về giảm thuế (Điều 15 dự thảo Luật)

Hiện nay, để khuyến khích sự phát triển của hoạt động kinh doanh dịch vụ giám định, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định đủ điều kiện theo quy định đã được cơ quan Nhà nước trưng dụng để thực hiện giám định theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước. Điều 16 Nghị định số 20/1999/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa đã quy định cụ thể về việc này. Do đó, chúng tôi đề nghị sửa lại Điều 15 này như sau:
" Điều 15. Giảm thuế
Được xét giảm thuế trong các trường hợp hàng hóa trong quá trình vận chuyển, bốc xếp bị hư hỏng hoặc bị mất mát có lý do xác đáng được cơ quan giám định Nhà nước hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật chứng nhận.
Mức giảm thuế được xét tương ứng với tỷ lệ tổn thất của hàng hóa".


10. Về xử lý vi phạm về thuế đối với đối tượng nộp thuế (Điều 20 dự thảo Luật)
Đề nghị làm rõ trong Luật thế nào là trường hợp "không nộp thuế, nộp phạt" quy định tại Khoản 4 Điều 20 Dự thảo Luật để phân biệt với trường hợp "chậm nộp thuế, nộp phạt" và cũng để từ đó có cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp chế tài khác nhau đối với những vi phạm khác nhau như việc trích tiền gửi ngân hàng của đối tượng nộp thuế (điểm a khoản 4) hoặc giữ hàng hóa, tang vật, bán đấu giá hàng hóa, tang vật (điểm b khoản 4), nhằm bảo đảm cho quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, tránh sự áp dụng tuỳ tiện của cơ quan Nhà nước.

Theo quy định của Dự thảo Luật, cơ quan hải quan có trách nhiệm hoàn trả tiền thuế cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp nộp thừa thuế so với số thuế phải nộp. Chúng tôi cho rằng hành vi nộp thừa thuế này của doanh nghiệp không phải là hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Do đó, chúng tôi kiến nghị bỏ quy định này trong khoản 5 Điều 20 dự thảo Luật.

Các văn bản liên quan