Tạo môi trường du lịch hấp dẫn

Thứ Hai 15:01 22-05-2006
Ngày 26/5/2005, trong buổi thảo luận về Dự án Luật Du lịch, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến đối với các quy định tạo môi trường một du lịch hấp dẫn, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển, tham gia thị trường du lịch của các thành phần kinh tế, chất lượng du lịch, các quy định cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch...
Về nguyên tắc phát triển ngành, nhiều đại biểu cho rằng dự luật cần phải khẳng định rõ chính sách “du lịch quốc tế là hướng phát triển chiến lược” là đưa khách du lịch vào Việt Nam là chính hay đưa khách du lịch ra nước ngoài là chính (nhiều đại biểu nghiêng về ý kiến thứ nhất). Hầu hết các ý kiến đều đề nghị quy định cụ thể hơn các chính sách khuyến khích, ưu đãi hợp lý về đất đai, đầu tư, giá cả đầu vào, tín dụng, thuế xuất – nhập khẩu... nhằm tăng cường đầu tư phát triển một cách bền vững, có hiệu quả và sớm đưa du lịch thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Về quản lý Nhà nước về du lịch, có 2 luồng ý kiến của các đại biểu về vấn đề mô hình tổ chức hiện nay. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị duy trì Tổng cục Du lịch với tư cách cơ quan chuyên môn ở Trung ương trực thuộc Chính phủ, không phải là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, chỉ được Chính phủ giao thực hiện một số lĩnh vực liên quan đến quản lý nhà nước về du lịch. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, do Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, hoạt động du lịch là hoạt động đa ngành nên mô hình tổ chức như hiện nay đang gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo các yêu cầu về hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý. Vì vậy, nên xây dựng một cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương một cách rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ là cần thiết và là cách tiếp cận phù hợp trong tương lai về địa vị pháp lý của cơ quan này.
Tương tự ở cấp địa phương, hiện cũng còn hai luồng ý kiến khác nhau về trách nhiệm quản lý các khu du lịch. Có đại biểu cho rằng nếu khu du lịch thuộc ranh giới hành chính của hai tỉnh trở lên, thì mỗi tỉnh phải thành lập một Ban quản lý liên tỉnh với sự tham gia của các địa phương có liên quan, hoạt động theo cơ chế phù hợp với Quy chế quản lý khu du lịch do cấp có thẩm quyền quy định. Phương án này sẽ không làm khu du lịch bị manh mún, cát cứ bởi cơ chế thiếu đồng bộ, không thống nhất hoặc trông chờ ỷ lại, thiếu trách nhiệm trong phối hợp quản lý. Đồng thời, phương án này còn tránh được khó khăn khi xử lý tình huống có thể xảy ra trong thực tế là diện tích khu du lịch thuộc phạm vi địa giới hành chính của một tỉnh nào đó quá nhỏ, không đáng kể để thành lập BQL riêng.
Liên quan đến vấn đề phát triển du lịch một cách bền vững, chất lượng, an ninh, an toàn, nhiều đại biểu cho rằng thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch pháy triển du lịch của cả nước, của từng địa phương cần điều chỉnh tương tự như các lĩnh vực khác hiện hành.
Một số ý kiến còn cho rằng Quốc hội nên sớm thông qua dự án Luật Du lịch ngay trong kỳ hợp này để theo kịp tiến trình hội nhập vì du lịch là một trong những ngành phải “mở cửa” sớm nhất.
Kim Thái
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam, số ra ngày 27/5/2005

Các văn bản liên quan