Hoạt động đấu giá

Thứ Hai 12:03 22-05-2006
Hoạt động đấu giá

Tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến Dự án Luật Thương mại (dự thảo 8) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh – tháng 12/2004

Các đại biểu đánh giá việc Luật Thương mại 1997 chỉ quy định 2 điều liên quan đến đấu giá hàng hoá và dẫn chiếu đến quy định của Chính phủ. Dự thảo Luật thương mại (sửa đổi) đã bổ sung 28 điều (từ Điều 127 đến Điều 155) quy định khá toàn diện các vấn đề liên quan đến đấu giá đồng thời coi đấu giá hàng hoá là hoạt động thương mại của thương nhân và đảm bảo quyền tự chủ của thương nhân trong hoạt động này cũng như đảm bảo được tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi của các bên trong hoạt động đấu giá mà Dự thảo đã thể hiện là một bước tiến lớn của Ban soạn thảo.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thoả Dự án Luật cũng cần tính đến các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về mối quan hệ giữa các quy định về đấu giá hàng hoá trong Dự thảo Luật với các quy định về đấu giá tài sản trong các văn bản pháp luật khác.

Hiện nay hoạt động đấu giá được điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 452 - Điều 455) và Quy chế bán đấu giá tài sản kèm theo Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ. Điều 16 của Dự thảo Luật thương mại có quy định: “Các hoạt động thương mại theo quy định của Luật này phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Bộ luật dân sự”. Nhưng không có Điều nào trong Dự thảo quy định về việc bải bỏ hiệu lực của Quy chế bán đấu giá tài sản kèm theo Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ hoặc quy định về việc xử lý trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật thương mại và Quy chế Bán đấu giá tài sản. Do đó, cần phải có quy định cụ thể về vấn đề này trong Luật thương mại (sửa đổi).

Thứ hai, liên quan đến nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu hàng hoá là đối tượng của hợp đồng mua bán theo phương thức đấu giá.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 147 Dư thảo Luật thì “Người tổ chức bán đấu giá có nghĩa vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua”. Trong thực tế, việc đấu giá tài sản thường do các trung tâm dịch vụ đấu giá thực hiện (với tư cách là một thương nhân làm dịch vụ đấu giá chuyên nghiệp). Tuy nhiên, người có hàng hoá đem bán đấu giá mới là người có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hàng hoá đấu giá (đặc biệt là trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất). Theo quy định trong Dự thảo thì người có tài sản đem bán đấu giá không có nghĩa vụ cung cấp các giấy tờ sở hữu tài sản đem đấu giá (mà chỉ cung cấp các thông tin liên quan đến hàng hoá đem đấu giá). Do đó, quy định cứng là Người tổ chức bán đấu giá có nghĩa vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua có thể gây khó khăn trong thực tế áp dụng vì Người tổ chức bán đấu giá không có đầy đủ các tài liệu để thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua.

Thứ ba, đấu giá hàng hoá liên quan đến khái niệm hàng hoá được quy định tại Điều 8 của Dự thảo Luật.

Dự thảo Luật quy định hàng hoá không bao gồm tiền nhưng các loại tiền cổ vẫn thường xuyên được bán đấu giá; bên cạnh đó hiện nay các máy bay, tàu biển được coi là bất động sản và là hàng hoá nhưngt Dự thảo Luật lại không coi đây là một loại hàng hoá, cho nên cần thiết phải bổ sung vào khái niệm hàng hóa cho đầy đủ.

Thứ tư, liên quan đến việc hiểu thế nào là "thành viên trong gia đình của người làm việc trong tổ chức bán đấu giá hàng hoá"
Theo quy định Khoản 2, 3 Điều 139 của Dự thảo thì những người là “thành viên trong gia đình của người làm việc trong tổ chức bán đấu giá hàng hoá” và người là “thành viên trong gia đình của người đã trực tiếp thực hiện việc giám định hàng hoá bán đầu giá” thì không được tham gia đấu giá hàng hoá. Tuy nhiên việc dự thảo quy định lơ lửng khái niệm “thành viên trong gia đình” sẽ gây khó khăn trong quá trình áp dụng và khó khăn cho cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn Luật thương mại bởi vì “thành viên trong gia đình” là một khái niệm rộng, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau.

Các văn bản liên quan