Những nguyên tắc giải quyết TNBTTH ngoài hợp đồng

Thứ Hai 11:40 22-05-2006
Những nguyên tắc giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng(TNBTTHNHĐ)

Xuất phát từ quan hệ tài sản mà Luật dân sự điều chỉnh, cũng như xuất phát từ địa vị pháp lý của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ dân sự, những điều kiện khách quan và chủ quan của người bị thiệt hại và người gây thiệt hại,…, BLDS đã quy định những nguyên tắc để giải quyết vấn đề TNBTTHNHĐ.

Trước hết, việc giải quyết TNBTTHNHĐ gây ra phải xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản của BLDS, được quy định từ điều 2 đến điều 11, tại chương I “Những nguyên tắc cơ bản”. Các nguyên tắc trên là một hệ thống chỉnh thể. Vì vậy, phải xem xét chúng như một thể thống nhất, khi áp dụng giải quyết vấn đề TNBTTHNHĐ.

Bên cạnh đó, điều 610 BLDS đã quy định nguyên tắc BTTH khi giải quyết các tranh chấp về TNBTTHNHĐ nói chung và các trường hợp TNBTTHNHĐ cụ thể.

Tại khoản 1 điều 610 BLDS quy định “thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Đây chính là nền tảng để giải quyết, xác định trách nhiệm và mức bồi thường.

Bồi thường toàn bộ thiệt hại là nguyên tắc công bằng, hợp lý, phù hợp với mục đích, chức năng của chế định TNBTTHNHĐ. Bồi thường kịp thời cho người bị thiệt hại nhằm nhanh chóng khôi phục tình trạng tài sản, tạo điều kiện cho người bị thiệt hại khắc phục tình trạng tài sản khi bị thiệt hại. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ trong việc cứu chữa, hạn chế thiệt hại bởi các chi phí cứu chữa trong trường hợp này nhiều khi vượt quá khả năng của nạn nhân và gia đình họ.

“Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, về phương thức bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. ở đây, pháp luật tôn trọng sự tự do ý chí, thoả thuận của các đương sự trong quan hệ BTTH.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của bản án, quyết định của Toà án, tính phù hợp với các điều kiện thực tế của các đương sự, khoản 2 điều 610 BLDS còn quy định: “người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thươờng thiệt hại, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình”. Còn nếu, người gây thiệt hại với lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý mà không gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình thì phải “bồi thơường toàn bộ” và không được “giảm mức bồi thường”. Quy định của điều luật chỉ định hình, định tính, mà không định lượng việc giảm mức bồi thường. Việc giảm mức bồi thường phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, mức độ lỗi của người gây thiệt hại mà Toà án ra quyết định trong từng trường hợp cụ thể, việc giảm mức bồi thường là bao nhiêu.

Ngoài yếu tố lỗi, quy định nguyên tắc giảm mức bồi thường còn căn cứ vào khả năng kinh tế của người gây thiệt hại phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội là phù hợp với truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. đây là nét đặc trưng của pháp luật Việt Nam nói chung và của chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự nói riêng. (Pháp luật dân sự các nước chỉ đặt ra vấn đề giảm mức bồi thường thiệt hại khi có sự phân chia trách nhiệm dựa trên cơ sở lỗi của bên gây thiệt hại.)

Nguyên tắc giảm mức bồi thường ở đây liệu có mâu thuẫn với nguyên tắc bồi thường toàn bộ không? Mục đích của việc bồi thường là nhằm phục hồi những lợi ích đã mất, đã bị thiệt hại cho người bị thiệt hại, vậy làm sao để những lợi ích đó được khôi phục về mặt thực tế? Do đó, việc quy định nguyên tắc giảm mức bồi thường hoàn toàn phù hợp với mục đích củaTNBTTH. Bởi vì, trong TNBTTH phải căn cứ vào cơ sở thực tế, vào thiệt hại đã xảy ra và người gây thiệt hại có khả năng BTTH hay không. Điều đó nhằm bảo đảm cho người gây thiệt hại thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, tính hiện thực của việc bồi thường được đảm bảo.

Mức bồi thường có thể tăng hoặc giảm. “Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây ra thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay đổi mức bồi thường” (khoản 3 điều 610 BLDS). Nguyên tắc thay đổi mức bồi thường chỉ được thực hiện trong trường hợp bồi thường theo định kỳ mà không được đặt ra trong trường hợp bồi thường toàn bộ một lần. Trên thực tế, người bị thiệt hại thường yêu cầu tăng mức bồi thường và thời hạn bồi thường. Ngược lại, người gây thiệt hại thường yêu cầu giảm mức bồi thường và thời hạn bồi thường,…. Việc xem xét các điều kiện thực tế và xác định sự phù hợp cũng như quyết định thay đổi mức bồi thường thuộc về Toà án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nguyên tắc này thực sự khách quan và công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên trong quan hệ bồi thường thiệt hại.

Với điều 610 BLDS, các nguyên tắc nêu trên- về cơ bản- thể hiện sự công bằng hợp lý của pháp luật dân sự Việt Nam, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi quyền và lợi ích hợp pháp đó bị xâm phạm. Đồng thời, cũng thể hiện sự công bằng từ phía người gây thiệt hại, đó là họ chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường tương ứng với mức độ lỗi.
*Một vài suy nghĩ của chúng tôi:

Điều 610 BLDS quy định: “ 1- Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thương bằng tiền, hiện vật, hoặc một công việc; về phương thức bồi thường…”

Chúng tôi cho rằng, quy định như thế sẽ rất nguy hiểm nếu ta cho phép các chủ thể thoả thuận trước với nhau về việc BTTH nhất là trong những trường hợp các bên không có vị thế ngang bằng nhau. Nên chăng chỉ nên cho phép sự thoả thuận đó sau khi thiệt hại đã xảy ra.

“Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình…”. Theo chúng tôi, tuy quy định thể hiện tính nhân đạo rất cao nhưng rất ít tính thực thi( Thực tế hầu như không có trường hợp nào, người gây thiệt hại được giảm mức bồi thường theo quyết định của Toà án, nếu không có sự đồng ý của người bị thiệt hại. Có thể nói, trên thực tế, quy định tại khoả 2 điều 610 chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước) và quy định như vậy là thiếu công bằng nhìn từ phía người bị thiệt hại, họ bị giới hạn mức bồi thường do bên gây thiệt hại không có khả năng bồi thường.

Khuynh hướng của BLDS Việt Nam là bảo vệ tối đa quyền lợi của người bị thiệt hại. Nhưng rất khó thực hiện được hoàn hảo bởi đặt trên vai người gây thiệt hại một gánh nặng quá mức trong khi chế độ bảo hiểm ở Việt Nam hiện hành chỉ đáp ứng một phần nhỏ các thiệt hại phải bồi thường.
Chúng tôi cho rằng cần thiết lập một cơ chế theo đó Nhà nước sẽ can thiệp để bồi thường trong trường hợp người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường hơn là giảm mức bồi thường.


Nguyễn xuân Đang
Học viên cao học luật(DEA)-ĐH Toulouse1-CH Pháp

Các văn bản liên quan