Ngành công nghiệp ô tô cần chấp nhận cuộc chơi

Thứ Hai 11:28 22-05-2006
Đóng góp dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô

Ngành công nghiệp ô tô cần chấp nhận cuộc chơi !

Nguyên Hằng - Người lao động ngày 08/09/2005

DN sản xuất ô tô kiến nghị giảm thuế suất so với mức thuế dự thảo đưa ra và ít nhất đến năm 2008 mới áp dụng chung một mức thuế giữa xe nhập khẩu với xe lắp ráp trong nước.

Theo tờ trình Quốc hội về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)và Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Bộ Tài chính, để phù hợp với nguyên tắc đối xử quốc gia, đối với mặt hàng ô tô sẽ áp dụng chung mức thuế suất thuế TTĐB cho cả ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu là 50%, 30%, 15% tương ứng với 3 loại xe 3- 5 chỗ ngồi; 6- 15 chỗ ngồi và 16- 24 chỗ ngồi. Mức thuế dự kiến trên đã làm nóng hội thảo về 2 luật thuế này do Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức ngày 7-9.

Doanh nghiệp đề nghị “có lộ trình”

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vinastar, phân tích việc tăng thuế TTĐB và thuế GTGT lần đầu đã khiến thị trường tiêu thụ ô tô bị thu hẹp lại, doanh số năm 2004 giảm 5,7% so với năm 2003. Nếu bây giờ áp dụng chung thuế suất thuế TTĐB cho cả 2 loại xe lắp ráp và nhập khẩu đồng thời với giảm thuế cho xe nhập khẩu (từ 100% xuống 50%) sẽ làm cho ngành công nghiệp ô tô trong nước bị thu hẹp lại và đánh mất cơ hội phát triển. “Vẫn biết hội nhập đòi hỏi phải đối xử công bằng trong thương mại. Nhưng để phát triển ngành công nghiệp ô tô, Thái Lan dù là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vẫn có chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu với xe sản xuất trong nước, Malaysia cũng bảo hộ ngành công nghiệp ô tô của họ tới năm 2006”- ông Thịnh nói. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty VIDAMCO, nhận xét lượng xe lắp ráp, sản xuất trong nước hiện nay khoảng 60.000 xe/năm (nước láng giềng Thái Lan khoảng 600.000 - 700.000 xe/năm); với số lượng quá ít ỏi này, để thực hiện chính sách nội địa hóa theo chiến lược của Chính phủ là “vô cùng khó khăn”. Nếu thuế tăng 50%, giá ô tô lắp ráp trong nước sẽ tăng khoảng 11%, lượng xe tiêu thụ sẽ giảm và tất nhiên, chi phí sản xuất sẽ cao hơn. Cộng thêm việc giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc thì ngành công nghiệp ô tô trong nước chắc chắn sẽ bị “loại” ngay, ông Quý nói.

Đại diện các DN lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước đều kiến nghị nên áp dụng mức thuế 40%, 25%, 12,5% tương ứng với 3 loại xe kể trên. Với xe nhập khẩu nguyên chiếc, cần phải có lộ trình và “ít nhất cũng đến năm 2008 mới có thể áp dụng chung một mức thuế với xe lắp ráp trong nước”.

Cứ bảo hộ sẽ không ra biển được

Không đồng tình với lời “kêu” của các “đại gia” trong ngành ô tô, tiến sĩ Ung Thị Minh Lệ, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, khẳng định : “Nếu VN không muốn trì hoãn việc gia nhập WTO thì phải thống nhất thuế giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu nguyên chiếc với mức thuế dưới 50% như Bộ Tài chính đã tính toán”. Theo bà Lệ, lộ trình thống nhất thuế TTĐB rút ngắn 1 năm nhưng thuế suất đã giảm so với dự kiến nên các DN sản xuất, lắp ráp trong nước hoàn toàn có thể chấp nhận mức thuế cao hơn. Bên cạnh đó, việc giảm thuế TTĐB có thể gây áp lực cạnh tranh đối với các DN sản xuất, lắp ráp trong nước song có tác động thúc đẩy cải tiến, hạ giá thành... Ông Nguyễn Hồng Thắng (ĐH Kinh tế TPHCM) cho rằng, thuế không phải là nguyên nhân “chậm phát triển” của ngành công nghiệp ô tô trong nước. “Thuế ô tô tính trên giá bao gồm giá thành và lợi nhuận. Nếu giá hạ, thuế cũng sẽ hạ” - ông Thắng đặt vấn đề. Nếu các DN sản xuất, lắp ráp xe trong nước hoạt động hết công suất, tăng lượng sản xuất thì sẽ giảm được chi phí khấu hao, giá thành sẽ giảm, thuế sẽ giảm. Và “lỗi” của việc giá cao, thuế cao theo ông Thắng chính là do cơ sở hạ tầng còn quá yếu kém, đường sá chật chội nên lượng người mua xe quá thấp. “Để bảo hộ sản xuất trong nước, cách tốt nhất là chấp nhận luật chơi chứ không phải nâng hàng rào thuế lên, cứ làm như vậy, chúng ta sẽ không ra biển được”- ông Thắng nói.

Các văn bản liên quan