Không phân biệt đối xử về thuế

Thứ Hai 11:25 22-05-2006
Không phân biệt đối xử về thuế giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Chính phủ trình với đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 18-8-2005 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăng đã nhấn mạnh: Để sớm gia nhập WTO, trong quá trình đàm phán với các đối tác, yêu cầu thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia được đặt ra gay gắt. Theo đó, việc áp dụng thuế thống nhất giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu phải được cam kết và thực hiện ngay tại thời điểm Việt Nam gia nhập WTO; vì vậy phải sửa ngay những quy định còn phân biệt về thuế này.

Hiện nay, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăng còn có một số quy định về thuế khác nhau giữa ô tô nhập khẩu và ô tô lắp ráp trong nước; giữa bia hơi và bia tươi; giữa thuốc lá điếu sản xuất bằng nguyên liệu trong nước và nguyên liệu nhập khẩu; giữa bông trồng trong nước và bông nhập khẩu... Đối với ô tô, đa số ý kiến đồng ý với dự án Luật áp dụng chung mức thuế suất là 50%, 30%, 15% tương đương với 3 loại xe ô tô: dưới 5 chỗ ngồi, từ 6 đến 15 chỗ ngồi, từ 16 đến 24 chỗ ngồi cho cả ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu. Bởi vì mức thuế này có ưu điểm góp phần hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước và góp phần làm ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị lấy mức thuế suất 40%, 25%, 12,5% áp dụng chung cho 3 loại ô tô tương ứng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Như vậy, ô tô nhập khẩu sẽ được giảm 50% mức thuế suất so với hiện hành, nên sẽ làm tăng sức cạnh tranh đối với ô tô sản xuất trong nước và ngân sách nhà nước cũng sẽ bị giảm thu.

Đại biểu Nguyễn Thị Anh Nhân (Hà Nội), Nguyễn Văn Thuận (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội) cho rằng, dự án Luật quy định thuế suất chung 40% đối với bia hơi và bia tươi là không hợp lý; bởi vì Luật hiện hành quy định bia hơi thuế suất 30% mà nay người tiêu dùng lại phải chịu thêm 10% thuế suất nữa, như vậy việc sửa đổi Luật này đã làm cho người tiêu dùng bị thiệt, không bảo vệ được quyền lợi của đông đảo nhân dân có mức thu nhập thấp khi hưởng thụ bia hơi. Mặt khác, đại biểu Nguyễn Thị Anh Nhân khẳng định nếu thuế suất bia hơi lên quá 30% thì chỉ có 30% cơ sở sản xuất lớn chịu được, còn 70% sẽ gặp khó khăn và dẫn tới phá sản, đồng thời kéo theo tình trạng mất việc làm của hàng loạt người lao động.

Đại biểu Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên), Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) đặt vấn đề về mặt hàng rượu, bia có khấu trừ bao bì (vỏ chai) vào giá tính thuế hay không và đề nghị vấn đề này cần được quy định cụ thể trong Luật mà không nên giao cho Chính phủ, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong luật.Các đại biểu này đã nêu ra một loạt những dẫn chứng để khẳng định một số nghị định hướng dẫn của Chính phủ không khớp với luật, không được minh bạch, gây khó cho nhà sản xuất.

Nguồn: CPVnews

Các văn bản liên quan