Việt Nam rất nỗ lực chống tham nhũng

Thứ Sáu 15:20 26-05-2006
Chuyên gia Quốc tế bình luận về Dự thảo Luật Phòng, Chống tham nhũng

“Việt Nam rất nỗ lực chống tham nhũng”

Dự thảo 4 Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Quốc hội đưa ra để trưng cầu dân ý cũng đã nhận được sự bình luận rộng rãi của các chuyên gia quốc tế, đáng chú ý là ý kiến của các chuyên gia thuộc Chương trình phát triển LHQ (UNDP), Văn phòng LHQ về tội phạm và ma túy (UNODC) và cá nhân của mọt số luật sư Hoa Kỳ.

Nhiều quy định có ích

Giáo sư Luật học Kathieen Clark – Trường Đại học Tổng hợp Washington nhấn mạnh, Dự luật PCTN của Việt nam có nhiều quy định có ích cho việc phòng, chống và phát hiện tham nhũng. Các điều khoản quy định những hành vi cụ thể bị cấm (như khoản 1 Điều 35) là một phần quan trọng trong PCTN vì nó cần thiết để thông báo hành vi nào dẫn đến tội phạm và chế tài. Tuy nhiên, ông Clark cho rằng, trong dự luật PCTN của nước ta còn thiếu một số quy định để tăng tính hiệu quả khi luật được thực thi, như quy định về thủ tục khiếu nại việc cung cấp thông tin khi người có thẩm quyền cản trở vì lý do nào đó; quy định chung về tính minh bạch với một số ngoại lệ nhỏ như để bảo vệ quyền bí mật cá nhân hoặc bí mật thông tin cho một cuộc điều tra; quy định các biện pháp bảo vệ người báo cáo hành vi tham nhũng…Và cuối cùng, ông khuyến nghị dự thảo nên quy định về tập huấn cán bộ, công chức và các đối tượng khác về luật này (khi có hiệu lực) vì thành công của Luật PCTN phụ thuộc phần lớn vào công tác này.

Đạo luật quốc gia toàn diện, đa lĩnh vực

Luật sư Timothy L.Dickinson (Hiệp hội Luật Hoa kỳ-ABA) đánh giá: “Dự thảo Luật có nhiều điểm của một đạo Luật quốc gia toàn diện, đa lĩnh vực theo mô hình Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC)”. Nhưng, theo ông Dickinson, dự luật PCTN này còn mang tính trung dung giữa hai hình thức đạo luật độc lập, hoàn chỉnh và đạo luật chỉ quy định những vấn đề chung, tổng hợp của nhiều luật. Và vì cố gắng nêu lên tất cả các vấn đề được quy định trong UNCAC nên còn thiếu tính cụ thể. Trong dự thảo chưa đề cập đến ai sẽ là người giám sát và có quyền điều tra TN ở cấp cao nhất của Nhà nước và ai là người được giao giám sát chương trình PCTN của Chính phủ. Bố cục dự thảo chưa rõ ràng khi không quy định các mục về tội phạm và chế tài trong cùng một chương hoặc trong chương tiếp theo. Hình phạt tiền và hình phạt đối với cá nhân được nhắc tới nhưng chưa được quy định rõ.

Bà Sandra Valle – đại diện cho UNODC bày tỏ sự hoan nghênh đối với Chính phủ Việt Nam trong PCTN thông qua việc soạn thảo dự luật này, đồng thời đánh giá cao chủ ý xây dựng dự thảo này như một văn bản toàn diện về xử lý TN. Đặc biệt, việc quy định một chương độc lập và chi tiết về các biện pháp phòng ngừa và phát hiện TN, cũng như vấn đề truy tố và điều tra có một ý nghĩa quan trọng. UNODC tán thành việc dự thảo đã giải quyết hình sự hóa tại Điều 4, 6 và 75, cũng như những tiến triển của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chống rửa tiền, đặc biệt là việc soạn thảo một nghị định về lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo đề xuất của UNODC, Việt Nam cần tính đến việc soạn thảo những quy định về các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả đối với hành vi rửa tiền trong dự luật PCTN này, đảm bảo có một khuôn khổ thích hợp các chế tài đi kèm theo những quy định về hình sự hóa trong dự luật này vì hình phạt phải có hiệu quả, tương xứng và có tính răn đe, đủ nghiêm khắc để đạt được mục đích phòng ngừa chung cũng như tạo tiền đề cho việc áp dụng pháp luật quốc gia điều chỉnh các vấn đề tương trợ tư pháp và dẫn độ.

Một giải pháp toàn diện: Tiến sỹ Thaveeporn Vasavakul- chuyên gia UNDP bình luận rất chi tiết về Dự thảo 4 luật PCTN của Việt Nam. Bà Vasavakul đã đánh giá đây là một dự luật khá toàn diện, làm rõ, mô tả cũng như bổ sung các quy định đã có trước đây (trong Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2000 của Việt Nam). Bà nhận thấy dự luật PCTN này đã học hỏi nhiều từ khuôn khổ và các biện pháp chống TN của UNCAC, nhưng có sự lựa chọn để phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể của Việt Nam. Do đó, bản dự thảo này là “một giải pháp cho vấn đề TN của Việt Nam”, có thể được coi là một khung pháp lý toàn diện nhằm nỗ lực giải quyết vấn đề TN trong khu vực công, hệ thống hành chính và các cán bộ, công chức, cũng như giải quyết những vấn đề được coi nguyên nhân văn hóa của TN (quan hệ gia đình, thân tín va sự bảo trợ, đỡ đầu).

Theo bà Vasavakul, điểm nhấn mạnh của bản dự thảo thể hiện ở việc phản ánh nhiều thực tiễn, phù hợp với các thực tiễn quốc tế về chống TN bằng các quy định, tán thành một cơ sở rộng rãi trong việc phòng ngừa TN; kết nối giữa chống TN với cải cách hệ thống hành chính công; kết hợp giữa các biện pháp phòng ngừa và chế tài trừng phạt.

Bà Vasavakul cũng nhấn mạnh, trong thời điểm hiện tại, việc thực thi thành công luật PCTN ở Việt Nam còn phải phụ thuộc vào việc ban hành các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, sự phối hợp giữa Luật PCTN với các quy định về quản lý nhân sự, biện pháp kỷ luật và chiến lược chống TN, sự ưu tiên các nhân tố chiến lược khác nhau hoặc sự kết hợp giữa chúng trong các giai đoạn.

Những ý kiến trên nhìn chung đều bày tỏ sự hoan nghênh và tán thành đối với nỗ lực PCTN của Việt Nam, thông qua quy định trong dự thảo Luật PCTN của Việt Nam. Song, dưới góc độ của các chuyên gia về khuyến nghị sửa đổi rất đáng lưu ý cho nội dung nhằm khắc phục những nhược điểm còn hạn chế của dự thảo này.

Duy Huy
Báo Pháp Luật Việt Nam ngày 19/08/2005


Các văn bản liên quan