Suy nghĩ về nội dung Luật phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu 15:06 26-05-2006
Suy nghĩ về nội dung Luật phòng, chống tham nhũng
và luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí


KTS Trần Công Thanh
Phó trưởng ban Thông tin tuyên truyền - Tổng Hội xây dựng Việt Nam


Quán triệt quyết tâm của Đảng và Nhà nước, ý nguyện của Nhân dân, Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội đã tổ chức đưa 2 dự thảo "Luật phòng, chống tham nhũng" và "Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" do Chính phủ đệ trình trước kỳ họp thứ 10, Quốc Hội khoá X để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Việc đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo Luật lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ do yêu cầu đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế của đất nước; mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển của các Ngành kinh tế nước ta trong Thế kỷ 21. Do đó, việc đóng góp ý kiến xây dựng vào 2 dự thảo Luật không đơn thuần chỉ chú trọng về phương diện kỹ thuật xây dựng pháp luật; mà phải chú trọng cả về quan điểm xây dựng pháp luật, nhằm bảo đảm cho "Luật phòng, chống tham nhũng" và "Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" sau khi được ban hành sẽ vận hành thông suốt, có biên độ điều chỉnh cụ thể, có hiệu lực pháp luật thật sự, khách quan trong xử lý tội phạm; tạo điều kiện cho các Cơ quan tư pháp thực hiện quyền hành xử độc lập theo nguyên tắc pháp luật.

Căn cứ vào cách đặt vấn đề nêu trên và sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung 2 văn bản dự thảo Luật, xin có một số ý kiến đóng góp. Cụ thể, như sau:

1- Các nhà làm luật của Chính Phủ và Quốc Hội đã tập trung nghiên cứu thiết chế nội dung 2 dự Luật thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang diễn ra phổ biến trong Bộ máy nhà nước tại các ngành, các cấp từ trung ương xuống địa phương. Các cơ quan Tư pháp đã tập hợp được trí tuệ các nhà khoa học; vận dụng các kiến thức pháp luật hiện đại; kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống tham nhũng, lãng phí rút ra từ các vụ án điển hình ở trong nước và ngoài nước, làm sáng tỏ nội dung 2 dự thảo Luật.

2- Nhưng, khi đi sâu vào 2 dự Luật cho thấy, phạm vi nội dung thiết chế quá rộng, làm loãng mục tiêu chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí mà nhân dân cả nước đang kỳ vọng đặt vào. Do mục tiêu đặt ra vừa hàm chứa nội dung "Phòng", vừa hàm chứa nội dung "Chống", nên ý tưởng thiết chế của 2 dự Luật, vừa phải đặt mục tiêu xây dựng chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm công vụ; lại vừa đặt mục tiêu xử lý hành vi phạm tội bằng các chế tài pháp luật tương thích hành vi phạm tội các loại đối tượng bị xử lý. Vì vậy, phần lớn nội dung 2 dự Luật "Phòng, chống tham nhũng" và "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" có sự trùng lặp với các Luật khác, như: Luật tổ chức Chính Phủ; Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp; Luật hình sự; Luật dân sự; Luật lao động; Luật đất đai; Luật tài chính; Luật đầu tư; Luật xây dựng; Luật đấu thầu v.v... (nội dung trùng lặp chủ yếu thuộc phạm trù chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm công vụ). Còn đối với bản thân 2 dự Luật cho thấy, dự thảo "Luật phòng, chống tham nhũng" có tổng cộng 8 Chương, 88 Điều; nhưng phần nội dung thiết chế các chế tài pháp luật xử lý hành vi phạm tội tham nhũng, tiêu cực chỉ có 1 Chương (Chương IV) với 6 Điều (65; 66; 67; 68; 69; 70), sắp xếp vào 2 mục (Mục 1: Xử lý kỷ luật và xử lý hình sự, gồm có 3 Điều 65; 66; 67 và Mục 2: Xử lý tài sản tham nhũng và xử lý trách nhiệm của pháp nhân, gồm có 3 Điều 68; 69; 70). Phần lớn nội dung dự thảo Luật là thiết chế chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm công vụ, có nội dung trùng lặp với các Luật khác chiếm tới 7 Chương, 82 Điều. Còn đối với dự thảo "Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" có tổng cộng 11 Chương, 82 Điều; nhưng phần nội dung thiết chế các chế tài pháp luật xử lý hành vi phạm tội, chỉ có 1 Chương (Chương X), với 3 Điều (78; 79; 80); phần lớn nội dung có sự trùng lặp với các Luật khác, chiếm tới 10 Chương, với 79 Điều.

Thông qua nội dung 2 dự thảo "Luật phòng, chống tham nhũng" và "Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" cho thấy, quan điểm các nhà làm luật Chính Phủ và Quốc Hội vẫn coi nặng nội dung thiết chế chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm công vụ quản lý nhà nước, tức là "Phòng" (tuy các nội dụng này đã được thiết chế đầy đủ trong các Luật ngành và Luật cơ bản); và có phần coi nhẹ nội dung thiết chế các chế tài xử lý hành vi phạm tội tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tức là "Chống".
Nếu nói về thiết chế pháp luật quản lý nhà nước, thì có thể khẳng định rằng, cho đến nay tại các ngành, các cấp đều có đầy đủ pháp luật thực thi công vụ. Nếu pháp luật nhà nước hiện hành được các ngành, các cấp tôn trọng và thực thi nghiêm chỉnh thì cũng đủ sức cai trị đất nước, quản lý ngành, quản lý địa phương. Như vậy, không thể cho rằng các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí phát sinh tại các ngành, các cấp là xuất phát từ sự thiếu các luật lệ quản lý nhà nước; mà trái lại, là do thiếu các chế tài cần thiết, có uy lực, minh bạch, công bằng xử lý bọn phạm tội tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, có đủ sức loại bỏ chúng ra khỏi bộ máy nhà nước, cộng đồng xã hội mà chúng đang sống ký sinh béo bở trên thân thể các ngành, các cấp nhà nước và các tổ chức xã hội. Các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực do chúng gây ra đang gây tại hoạ cho các ngành, các cấp, các địa phương, trở thành ung nhọt của đất nước, làm mất uy tín chính trị của Đảng và Nhà nước. Vì vây, dự Luật mà Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta thật sự trông chờ là một bộ Luật chống tham nhũng có đủ sức răn đe, với đầy đủ chế tài trừng phạt nghiêm minh, tạo áp lực lâu dài đối với bọn tội phạm tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và bọn thoái hoá biến chất trong bộ máy nhà nước và trong các tổ chức xã hội. Điều đó cũng phù hợp với yêu cầu đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Đảng ta.

3- Với nhận thức nêu rõ trên đây cho thấy rằng, cả hai vấn đề lớn là chống tham nhũng và chống lãng phí mà Chính Phủ và Quốc Hội thống nhất đưa vào 2 dự thảo Luật "Phòng, chống tham nhũng" và "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", vẫn cần được tôn trọng. Song, về nội dung thiết chế của 2 dự thảo Luật nên có sự điều chỉnh thích hợp, không nên giữ y nguyên như hiện nay với quá nhiều nội dung trùng lặp; mà nên đặt mục tiêu trọng tâm vào thiết chế các chế tài xử lý hành vi phạm tội tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuẩn mực, chi tiết, đầy đủ, chặt chẽ, có đủ sức trừ khử bọn tội phạm tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước, lành mạnh đạo đức xã hội, kỷ cương phép nước, hướng tới xây dựng một nhà nước Việt Nam XHCN pháp quyền vững mạnh ./.

Hà Nội, ngày 8 tháng 8 năm 2005

Các văn bản liên quan