Lấy ý kiến về luật chống tham nhũng, lãng phí

Thứ Sáu 15:01 26-05-2006
LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ CÁC LUẬT CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ

Ngày 20/07, Ủy ban Thường vụ QH đã công bố trưng cầu ý kiến nhân dân về 2 Dự luật Phòng, chống tham nhũng và Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đợt trưng cầu này kéo dài gần 2 tháng, từ ngày 20/7 đến ngày 10/09/2005. Hai luật này được xây dựng dựa trên cơ cở Pháp lệnh Chống tham nhũng và Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có bổ sung một cách cơ bản, toàn diện nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp QH diễn ra cuối năm nay.

Theo Ủy ban Thường vụ QH, đây là hai đạo luật có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Việc ban hành và thực hiện các luật này có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội và từng người dân. Vì vậy, để phát huy quyền làm chủ và trí tuệ của toàn dân, bảo đảm tính khả thi và hiệu lực thực tế của luật khi được ban hành thì việc tổ chức để nhân dân, các ngành, các cấp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo luật là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Đây cũng là dịp để nhân nhân nắm được những quan điểm và chính sách cơ bản của Đảng và Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân.

Những vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến

Tình trạng chung, người dân được góp ý về toàn bộ nội dung các dự luật, thậm chí có thể đóng góp bổ sung hoàn thiện dự luật. Tuy vậy. Ủy ban Thường vụ QH nhấn mạnh một số vấn đề cần được tập trung góp ý.

Luật Phòng, chống tham nhũng

1.Về phạm vi điều chỉnh

-Phương án 1: Chỉ điều chỉnh hành vi tham nhũng của những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước như quy định trong Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng hiện hành;
- Phương án 2: Mở rộng điều chỉnh cả hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi của những người có chức vụ, quyền hạn như trong cơ quan, tổ chức, đơn vị ngoài khu vực nhà nước.

2. Về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng quy định tại Chương II của Dự thảo Luật, nhất là việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đã đầy đủ chưa?

3. Về vấn đề kê khai tài sản, thu nhập

- Phương án 1: Quy định ngoài việc kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình, người có chức vụ, quyền hạn còn phải kê khai cả tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con;
- Phương án 2: Quy định người có chức vụ, quyền hạn chỉ phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình;
- Phương án 3: Quy định ngoài việc kê khai tài sản của minh, người có chức vụ, quyền hạn còn phải kê khai cả tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con trong cùng sổ hộ khẩu.

4. Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình

Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong trường hợp để người mà mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ thực hiện hành vi tham nhũng liên quan tới công vụ, nhiệm vụ được giao như trong Dự thảo Luật hay là quy định trách nhiệm của nguời đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, bao gồm trách nhiệm chung, trách nhiệm trực tiếp và trách nhiệm liên đới khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

5. Về việc trực tiếp và xử lý tố cáo hành vi tham nhũng

Quy định về vấn đề tố cáo và giải quyết tố cáo tham nhũng trong Dự thảo Luật về cơ bản giống như quy định trong Luật Khiếu nại, Tố cáo hiện hành hay quy định tiếp nhận và xử lý cả những tin báo tham nhũng mà người tố cáo không ghi rõ tên và địa chỉ của mình (nặc danh) nhưng lại có nội dung sự việc cụ thể, rõ ràng?

6. Về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng


- Phương án 1: Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ;
- Phương án 2: Thành lập Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng ở hai cấp. Ở trung ương, thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu và Tổng Thanh tra là Thường trực Ban chỉ đạo. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

7. Về vai trò của cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng

Có cần quy định rõ hơn nữa về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng như: quyền thẩm tra, xác minh các vụ việc tham nhũng; quyền công bố, đưa tin và kết quả điều tra xác minh; trách nhiệm trước pháp luật đối với việc đưa tin và công bố kết quả điều tra vụ việc tham nhũng hay không?

8. Về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và của công dân quy định trong Dự thảo Luật đã hợp lý và đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng chưa?

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

1. Về tên gọi của Luật

Lấy tên gọi của Luật là “Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” hay “Luật Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm”?

2. Về phạm vi điều chỉnh của Luật

Dự thảo Luật điều chỉnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên thiên nhiên đã đầy đủ chưa, cần bổ sung lĩnh vực nào không?
Có nên quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong Dự thảo Luật không? Quy định của Dự thảo Luật về vấn đề này đã hợp lý chưa, cần bổ sung những vấn đề gì?

4. Về chế tài xử lý vi phạm

Các chế tài xử lý vi phạm quy định trong Dự thảo Luật đã đủ để phòng ngừa, ngăn chăn và chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên thiên nhiên chưa? Cần bổ sung chế tài xử lý nào để nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

5. Vấn đề giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Cơ chế giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định trong Dự thảo Luật đã phù hợp chưa? Làm thế nào để phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

Các văn bản liên quan