Góp ý của CONCETTI

Thứ Sáu 14:37 26-05-2006
MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ

Từ Lê - Phó Giám đốc
Công ty nghiên cứu và tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư (concetti)


1. Cần xem lại một số khái niệm (Điều 3). Ví dụ:

a. K1 “đầu tư” là việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để hình thành tài sản tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan của Việt Nam.
• Đầu tư không phải tất cả là kinh doanh bỏ từ kinh doanh
• “Đầu tư” và “bỏ vốn” có nghĩa như nhau
• Tài sản…..đương nhiên sẽ là tài sản …(lủng củng)
• Chưa đầu tư thì chưa phải là nhà đầu tư
Vì vậy, nên sửa “Đầu tư” là việc đem một khoản tiền của sử dụng vào một việc nào đó với mong muốn là sau một thời gian nhất định thu được những hiệu quả nhất định.

b. K4 “Nhà đầu tư” là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư – kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm:
• Bỏ từ kinh doanh vì đầu tư không nhất thiết phải là kinh doanh (ví dụ Nhà nước đầu tư)

c. K6 “Dự án đầu tư” là tập hợp các đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để…
• Tại sao lại chỉ là “đề xuất bỏ vốn …” Phải là hoạt đầu tư chứ! Vì đề xuất sẽ có trường hợp không /chưa thực hiện!
Nên sửa là: “Dự án đầu tư” là tập hợp các hoạt động có liên quan đến nhau nhằm đạt được mục tiêu nhất định trên địa bàn cụ thể, trong thời hạn nhất định, dựa trên những nguồn lực xác định.

2. Về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư

Trong Dự thảo đã đưa ra các Quyền và Nghĩa vụ của Nhà đầu tư. Các quyền và nghĩa vụ này, đối với từng Nhà đầu tư cụ thể trên thực tế sẽ khác nhau. Không phải ai cũng có đủ các quyền và nghĩa vụ đó!

Vì vậy, nên chăng cần có điều nói rõ việc này. Nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp đã khác nhau đã đành. Ngay các nhà đầu tư trực tiếp cũng sẽ có quyền và nghĩa vụ khác nhau. Các hình thức đầu tư khác nhau sẽ có chế định đối với Nhà đầu tư khác nhau

3. Điều 30. Lĩnh vực cấm đầu tư. Hay: Dự án cấm đầu tư?
Phải chăng là chỉ có các Dự án bị cấm? Hay tất cả các lĩnh vực ấy bị cấm. Ở đây có thể là nhầm chăng?

4. Điều 50: Về giấy chứng nhận
Không nên để chung một giấy. Nên cấp 2 giấy. Giấy đăng ký kinh doanh thường có thay đổi. Vì như vậy nếu để chung thì khi thay đổi phải ghi lại cả hai nội dung.

5. Điều 67: Yêu cầu quản lý đầu tư – Kinh doanh vốn Nhà nước.
Đoạn 2 của khoản 5 có quy định “Chính phủ quy định việc tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư và quản lý kinh doanh vốn nhà nước”.

Có lẽ đây là điểm khó cụ thể. Nhưng đây cũng là nguyên nhân của các hiện tượng lãng phí và từ đó kéo theo cả tham nhũng mà lâu nay qua các vụ việc đã nói rõ. Vì thế nên có cách giải quyết cụ thể hơn.

Tốt nhất là có thể đưa ngay vào Luật một số vấn đề mà đến nay đã có thể đưa được, để Quốc hội quyết định.

Nếu không thì Chính phủ cũng phải báo cáo Quốc hội (Dự thảo Nghị định – theo Luật ban hành văn bản) các dự kiến về vấn đề này trong Nghị định. Vì nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì vẫn tiềm ẩn hiện tượng lãng phí trong đầu tư như hiện nay thường thấy.

Các văn bản liên quan