VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/20216/NĐ-CP về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh

Thứ Sáu 01:08 13-10-2023

Kính gửi:  Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 502/GM-BTP ngày 28/9/2023 của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/20216/NĐ-CP về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến như sau:

  1. Giấy chứng nhận lưu hành tự do

Điều 22.8 Nghị định 91/2016/NĐ-CP quy định một trong các thành phần hồ sơ đăng ký lưu hành mới với hàng hoá nhập khẩu là Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS). Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc phải nộp kèm CFS trong thành phần hồ sơ gây nhiều khó khăn, tốn thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp. Thời gian để xin CFS tại nước xuất khẩu, sau đó làm thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự mất nhiều thời gian, có thể lên tới 2-3 tháng, làm chậm quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Xét về mặt ý nghĩa, CFS thể hiện rằng quốc gia xuất khẩu đã kiểm soát chất lượng sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, do nhiều quốc gia có chính sách khuyến khích xuất khẩu nên việc cấp CFS được tiến hành khá đơn giản mà không đi kèm với việc kiểm tra chất lượng hàng hoá. Do đó, về mặt giá trị tham khảo, CFS không có quá nhiều giá trị trong việc xác định hay đảm bảo chất lượng của sản phẩm đó.

Mục tiêu quản lý của Nhà nước là bảo đảm sự an toàn của các hoá chất diệt khuẩn, diệt côn trùng khi được cung cấp cho người tiêu dùng. Việc chứng minh tính an toàn đã được xem xét thông qua (i) tài liệu kỹ thuật, (ii) kết quả kiểm nghiệm, (iii) kết quả khảo nghiệm, (iv) tài liệu nghiên cứu khoa học liên quan đến hoạt chất. Như vậy, có thể thấy rằng các hoá chất, chế phẩm này đã được đánh giá rất kỹ lưỡng bằng các bằng chứng khoa học trước khi được cấp phép lưu hành.

Ngoài ra, một số lĩnh vực khác đã cân nhắc bỏ yêu cầu về CFS, chẳng hạn lĩnh vực mỹ phẩm đã bỏ yêu cầu về CFS với hàng hoá nhập khẩu từ các nước CPTPP và ASEAN.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định sửa đổi quy định này theo hướng CFS không phải là thành phần hồ sơ bắt buộc mà chỉ mang tính tự nguyện. Nếu doanh nghiệp nộp CFS trong thành phần hồ sơ thì cơ quan nhà nước sẽ áp dụng cơ chế ưu đãi phù hợp, chẳng hạn: thời gian xét duyệt hồ sơ ngắn hơn; mức phí thẩm định thấp hơn; giảm tần suất thực hiện biện pháp thanh, kiểm tra chất lượng hàng hoá. Một cơ chế quản lý như vậy sẽ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm việc kiểm soát về an toàn, chất lượng từ phía Nhà nước.

  1. Cấp đăng ký gia hạn lưu hành

Điều 24 Nghị định 91/2016/NĐ-CP quy định về việc cấp đăng ký gia hạn lưu hành. Dự thảo đã đưa ra một số sửa đổi về việc gia hạn thời gian thực hiện thủ tục trong trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Tuy nhiên, các cải cách này là tương đối nhỏ. Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, các hoạt động gia hạn cấp phép, gia hạn đăng ký đều khó thực hiện, thậm chí là với các sản phẩm liên quan đến tính mạng con người như thuốc, trang thiết bị y tế, và khi đó, các sản phẩm này đều được gia hạn tự động thêm 1 năm. Thực tế cho thấy, việc gia hạn tự động này không tạo ra nguy cơ mất an toàn cũng như không thấy có tác động tiêu cực nào. Do vậy, để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về cấp đăng ký gia hạn lưu hành, theo hướng tự động hoá việc gia hạn. Doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ là tự động được gia hạn và cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm sau.

  1. Cập nhật thông tin thay đổi

Điều 8.3 Dự thảo quy định doanh nghiệp phải thực hiện cập nhật thông tin nếu có thay đổi về trang thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất và ứng cứu sự cố hoá chất, chế phẩm. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa rõ ràng và chưa phù hợp vì phạm vi phải kê khai thay đổi là quá rộng, chẳng hạn các thay đổi nhỏ như đổi trang thiết bị hoặc mua sắm thêm cũng phải kê khai. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng chỉ thực hiện kê khai thay đổi trong trường hợp việc thay đổi có ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn hoá chất, chẳng hạn giảm số lượng thiết bị, hoặc thay đổi nhà xưởng dẫn đến phải bố trí, mua sắm lại trang thiết bị…

Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/20216/NĐ-CP về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

Các văn bản liên quan