VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý hoá chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học (phiên bản thẩm định)
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Thông tư 09/2017/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương
Kính gửi: Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 1789/BCT-ATMT của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Thông tư 09/2017/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu đối với Dự thảo như sau:
- Sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng (khoản 6 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 12 Thông tư 09/2017/TT-BCT)
- Về quy định tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng tại Điều 12 Thông tư 09/2017/TT-BCT
Khoản 1 Điều 12 Thông tư 09/2017/TT-BCT quy định về các yêu cầu của tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định như: cơ sở vật chất; tài liệu; nhân sự. Các quy định tại khoản 1 Điều 12 có tính chất là các điều kiện kinh doanh (những điều kiện mà tổ chức phải đáp ứng mới được phép hoạt động). Điều này là chưa phù hợp về mặt thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020 (thông tư không được phép ban hành về điều kiện kinh doanh).
Để đảm bảo về tính pháp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ khoản 1 Điều 12 Thông tư 09/2017/TT-BCT.
- Về quy định bổ sung
Dự thảo đã bổ sung 2 khoản vào Điều 12 Thông tư 09/2017/TT-BCT theo đó “Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng phải có hoạt động huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động ít nhất một lần trong thời gian 36 tháng. Trong trường hợp không đáp ứng quy định này, Bộ Công Thương sẽ đưa tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng ra khỏi danh sách đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Thông tư này”.
Quy định này cần được xem xét ở điểm sau:
Quy định tại Dự thảo và Thông tư 09/2017/TT-BCT đang không rõ điều kiện để một tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định được phép hoạt động có phải là được đăng tải thông tin lên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương hay không? Nếu được hiểu theo cách này thì việc Bộ Công Thương đưa tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng ra khỏi danh sách đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử đồng nghĩa với việc tổ chức này không được phép hoạt động nữa. Tuy nhiên, quy định này cần được xem xét lại về căn cứ pháp lý. Đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ về căn cứ pháp lý của quy định này.
- Về cơ chế quản lý đối với tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng
Theo quy định tại Thông tư 09/2017/TT-BCT thì tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định phải đáp ứng một số yêu cầu hoạt động. Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương sẽ đăng tải thông tin của tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định theo đề nghị của tổ chức này.
Như vậy, quy định tại Dự thảo cũng như Thông tư 09/2017/TT-BCT đang chưa rõ về cơ chế quản lý đối với tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định: các tổ chức này chỉ cần đáp ứng điều kiện là được phép hoạt động? Hay là khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền đăng tải thông tin lên Trang thông tin, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ/hoặc thực tế, nếu đáp ứng yêu cầu sẽ đăng tải thông tin?
Để đảm bảo tính minh bạch của quy định đề nghị Dự thảo bổ sung quy định để làm rõ về cơ chế quản lý đối với tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định.
- Về gửi kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật an toàn lao động
Dự thảo bổ sung khoản 4 Điều 12 Thông tư 09/2017/TT-BCT theo đó Tổ chức huấn luyện phải “lập kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động gửi Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trước ngày 15 tháng 1 hàng năm”. Như vậy, so với quy định hiện hành, các tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng phải thực hiện thêm thủ tục hành chính là gửi kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng hàng năm.
Việc yêu cầu gửi kế hoạch trên cần xem xét lại, bởi vì “kế hoạch” chí lả những hoạt động dự kiến thực hiện, và khác với thực tế triển khai, do những phát sinh không lường trước được. Vì vậy, việc yêu cầu phải gửi kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm là ít ý nghĩa, trong khi đây lại là quy định gia tăng chi phí tuân thủ cho các tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.
- Trách nhiệm Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Điều 15 Thông tư 09/2017/TT-BCT)
Khoản 6 Điều 15 Thông tư 09/2017/TT-BCT quy định Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm “lựa chọn tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư này trên cơ sở đề nghị của tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kèm theo nội dung chi tiết, kế hoạch tổ chức khóa huấn luyện, bồi dưỡng”.
Quy định này đang chưa rõ ở các điểm sau:
- Không rõ cơ quan nhà nước “lựa chọn” tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định để cho hoạt động gì?
- Thông tư 09/2017/TT-BCT không quy định về trình tự, thủ tục lựa chọn này, như vậy không rõ để được “lựa chọn” các tổ chức này sẽ phải thực hiện thủ tục gì? Tiêu chí để lựa chọn là gì? Kết quả của hoạt động lựa chọn là gì?
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các vấn đề trên.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Thông tư 09/2017/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.