Một bước tiến, vài bước lùi

Thứ Sáu 13:37 26-05-2006
Dự thảo Luật DN và Luật Đầu tư: Một bước tiến, vài bước lùi

Trung tâm Thông tin-Thư viện và Nghiên cứu (Văn phòng Quốc hội) vừa tổ chức buổi giới thiệu về một số dự án luật sẽ được trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm. Ông Nguyễn Đình Cung - Trưởng Ban quản lý chính sách vĩ mô Viện nghiên cứu kinh tế TƯ, trả lời vềnhững điểm quan trọng của dự án Luật Doanh nghiệp (thống nhất) và dự án Luật Đầu tư.

Mở hơn cho khu vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN)

- Thưa ông, dự thảo Luật DN có những thay đổi căn bản nào?

Nếu như Luật DN năm 1999 "mở" cho đối tượng DN trong nước thì Luật DN (thống nhất) tập trung mở cho khu vực ĐTNN. Những thay đổi căn bản là: Luật áp dụng thống nhất cho 4 loại hình DN (đại bộ phận DN hiện nay) không phân biệt sở hữu; Tiếp tục đơn giản hoá thủ tục, giảm rào cản gia nhập thị trường, đặc biệt đối với ĐTNN; Những khống chế về mức sở hữu (30%) đối với ĐTNN về cơ bản xoá bỏ (trừ các ngành, nghề hạn chế kinh doanh); Các nhà ĐTNN có quyền tự chủ lựa chọn loại hình DN để kinh doanh. DN ĐTNN có quyền tự chủ cao hơn trong thực hiện kinh doanh, cơ cấu lại, mở rộng và đa dạng hoá ngành, nghề kinh doanh; DN đa dự án sẽ thay thế cho DN đơn dự án như hiện nay. Khung quản trị sẽ thống nhất và áp dụng như nhau đối với DN trong nước và DN ĐTNN. Tăng quyền mạnh hơn và đảm bảo quyền lợi của bên góp vốn; bảo vệ mạnh hơn quyền và lợi ích củacổ đông thiểu số. Tăng thêm quy định yêu cầu công khai và minh bạch hoá, nhất là đối với người quản lý....

- Thưa ông, đến nay vẫn có ý kiến cho rằng, gọi là Luật DN thống nhất nhưng thiếu tính thống nhất vì không có một chương riêng quy định cho đối tượng DNNN?

Đây là cách suy nghĩ cơ học và chính nó làm nảy sinh sự không thống nhất. Nếu quy định như thế không thực hiện được mục tiêu thay đổi quản trị DNNN, đưa DNNN về loại DN chuẩn tắc theo KTTT. Nó còn có khả năng tạo ra mâu thuẫn chồng chéo trong quy định pháp luật và làm giảm áp lực thay đổi của DNNN, ảnh hưởng tiến trình cải cách DNNN. Giải quyết vấn đề này chỉ có cách Cty NN phải chuyển đổi thành Cty TNHH đúng theo nghĩa chuẩn tắc của nó trong nền kinh tế thị trường và cải cách phương thứcquản trị của nó. Lúc đó, Cty NN sẽ biến thành Cty TNHH một thành viên - đối tượng của Luật DN chung.

Không có cơ chế cá nhân chịu trách nhiệm

- Điều này dẫn đến hậu quả gì, thưa ông?

Không có ai chịu trách nhiệm trực tiếp về hiệu quả hoạt động kinh doanh của từng DNNN nói riêng và khu vực DNNN nói chung. Nhưng nếu như ở nơinào đó thành công le lói thì nhiều người giơ tay có công nhưng khi thất bại thì lại không tìm người chịu trách nhiệm cá nhân. Đó là một trong điểm yếu căn bản của quản trị DNNN hiện nay.

- Luật DN mới đặt mục tiêu cải tiến quản trị DNNN, phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

Chỉ có thể thực hiện được khi có cơ chế hành chính chủ quản mới. Muốn vậy phải làm 3 việc: Tách chức năng chủ quản ra khỏi bộ máy thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước; Thay đổi cơ chếchủ quản thành cơ chế của người đầu tư kinh doanh; Tất cả quyền của người chủ sở hữu phải được thực hiện tập trung và thống nhất. Để thực hiện điều đó có rất nhiều thách thức. Muốn thành công phải có thảo luận hết sức sâu rộng trong các cơ quan hoạch định chính sách và trong xã hội để đi đến những nhận thức chung, thống nhất về các vấn đề căn bản, khi đó mới có thể hành động được. Hiện nay, theo quan sát của tôi, chúng ta chưa có được điều đó. Tiến đến một Luật DN thống nhất là cả một quá trình thay đổi về chất chứ không phải là sự gộp vào cơ học theo cách dành ra một chương trong dự án Luật DN thống nhất.

Cải tiến nhưng kéo trở về điểm hiện tại?

- Về đăng ký kinh doanh đối với DN có vốn ĐTNN hiện vẫn có quy định "hạn chế". Như vậy có đảm bảo độ mở với đối tượng này không, thưa ông?

Theo dự thảo, đối với DN ĐTNN khi đăng ký kinh doanh (ĐKKD) 2 điểm khác biệt so với DN trong nước: bị cấm kinh doanh và bị hạn chế kinh doanh một số lĩnh vực ngành nghề. Còn cóý kiến đòi hỏi nhà ĐTNN phải có một số vốn tối thiểu khi đầu tư vào VN. Khi thảo luận có nhiều ý kiến phản đối điều này. Nhưng khi trình lên Chính phủ và đưa ra thẩm tra sơ bộtại UBKTNS QH tôi nhận thấy xu hướng đồng thuận với quy định như dự thảo. Điều này theo tôi, sẽ tạo nên bước thụt lùi của luật.

- Tại sao vậy, thưa ông?

Vì như vậy, khi đầu tư vào VN, nhà ĐTNN phải có dự án, dự án này phải được chấp thuận đầu tư rồi sau đó phải xin ĐKKD. Như vậy, quy định về cơ bản sẽ không khác gì so với hiện nay mà còn thêm giấy chứng nhận ĐKKD nữa. Đây là bước lùi về thông thoáng của chính sáchvì cứ mỗi lần thay đổi bất cứ điều gì của dự án cũng đều phải xin phép. Tuy nhiên còn một vấn đề đáng suy nghĩ mà đến nay chưa thảo luận được. Đó là quy định cấm một số ngành nghề và cái gì sẽ bị cấm? Cái gì sẽ thuộc danh mục lĩnh vực bị hạn chế? Những điều này phải xem xét kỹ vì còn liên quan đến việc cam kết mở cửa thị trường với quốc tế.

Luật DN mở, Luật Đầu tư đóng?

- Thưa ông, tại sao ông cho rằng, nếu đặt Luật DN và Luật Đầu tư cùng một vị trí để so sánh thì sẽ thấy có được một bước tiến và vài bước lùi?

Có người ví, Luật DN và Luật Đầu tư là anh em sinh đôi; cần phải được soạn thảo và thông qua một thời điểm. Theo tôi 2 luật này thực ra là một, như một dòng sông có hai bờ. Theo hiểu biết của cá nhân tôi, chỉ có VN xây dựng Luật Đầutư riêng mà thôi. Có thể vì chúng ta có Bộ KH-ĐT? Nếu đặt 2 luật cạnh nhau sẽ thấy, Luật DN có được bước tiến trong khi Luật Đầu tư lại có vài bước lùi. Ở các nước, DN đã có Giấy phép kinh doanh rồi thì được tự do kinh doanh, đầu tư không cần xin phép. ở VN, theo dự thảo, luậtquy định về ĐKKD thành lập DN. Xong rồi, họ phải thực hiện đầu tư. Nhưng theo dự thảo, chia ra 4 loại dự án và ngay cả với dự án đơn giản nhất cũng phải được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... Như vậy, các nhà ĐTNN lại bị bó lùi về đầu tư.

- Ông có cảnh báo về việc nảy sinh các giấy phép không tên?

Dự luật Đầu tưcó nguy cơ tạo ra những giấy phép con. Ví dụ như: quy định với những dự án đầu tư phải thuê tư vấn độc lập để quyết định đầu tưsẽ làm nảy sinh loại giấy chứng nhận của cơ quan tư vấn này. Giấy chứng nhận đầu tư là giấy bất hợp lý thứ hai. Thứ ba, khi NK thiết bị, máy móc đòi hỏi giấy chứng nhận về chất lượng của máy móc, thiết bịNK, sẽ lại thêm thủ tục DN phải trình với hải quan. Hoặc là chứng nhận của kiểm toán độc lập khi kết thúc công trình xây dựng để công trình được hoạt động.

Luật DN có mở bao nhiêu đi nữa mà Luật Đầu tư với những cách tiếp cận như vậy nó sẽ gò bó, hạn chế thêm Luật DN.

Cách nghĩ cũ áp vào luật mới

- Tại sao một luật cần phải cởi mở hơn lại trở nên thụt lùi vậy, thưa ông?

Vì những người soạn thảo Luật Đầu tư vẫn chịu tác động hay còn giữ tư duy của cách quản lý cũ về đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước đem áp vào cho xã hội nói chung màkhông nhìn đến cải cách. Họ cứ tưởng đã có bước tiến lớn lắm rồi nhưng thực ra nó là bước lùi nếu so với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

- Dường như dự thảo luật vẫn nặng về tiền kiểm chứ không phải hậu kiểm, thưa ông?

Tôi vẫn giữ ý kiến, không nên sửa Luật Đầu tư như dự thảo. Tiếc là những người có thẩm quyền trong việc soạn thảo dường như chưa theo sát, tiếp thu những ý kiến đóng góp của xã hội mà thường nói lên ý kiến chủ quan, bột phát của mình. 30 năm trở lại đây thế giới đã chuyển mạnh cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Hiện nay, Trung Quốc còn giữ tiền kiểm nhưng cũng không lâu nữa sẽ chuyển đổi. VN cũng không nên giữ những bước quản lý như hiện nay mà nên khuyến khích ưu đãi đầu tư. Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư chứ không nên dựng những rào cản trong thu hút đầu tư như cách đang thể hiện trong dự thảo.

- Xin cảm ơn ông!

Lưu Hương thực hiện
--------------------------------------------------------------------------------
Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử

Các văn bản liên quan