Tiến hay lùi?

Thứ Sáu 13:36 26-05-2006
Tiến hay lùi?
Tuổi trẻ Online 18/07/2005

Đầu tư, kinh doanh là việc của nhà đầu tư và nhà đầu tư phải có quyền tự quyết để dự án có thể mang lại lợi ích cho bản thân và cho cả xã hội.

Thế nhưng với những gì mà dự thảo Luật đầu tư (chung) dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tới, các nhà đầu tư khi triển khai dự án dù lớn hay nhỏ sẽ thấy “bóng dáng” Nhà nước mọi lúc mọi nơi, từ giai đoạn quyết định đầu tư cho đến hoàn tất thủ tục, triển khai dự án.

Và cái quyền tự quyết của nhà đầu tư chỉ được tồn tại sau khi cơ quan nhà nước đã “gật đầu”: từ giải pháp công nghệ, kỹ thuật nguồn lực, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự án khi quyết định đầu tư cho đến mọi thay đổi lớn đối với dự án (về mục tiêu, qui mô, công suất, thời hạn...) đều phải trải qua thủ tục xin phép.

Không chỉ có vậy, những yêu cầu bắt buộc đặt ra với các dự án theo kiểu này còn trở thành môi trường thuận lợi để “tái sản sinh” các loại giấy phép con. Đặt ra các yêu cầu tất sẽ phải có cơ quan kiểm tra, phải có giấy chứng nhận đạt hay không đạt các yêu cầu đó. Liệu có cần thiết vậy không khi mà tất cả những yếu tố này đều liên quan mật thiết đến hiệu quả của dự án - vấn đề sống còn đối với mỗi nhà đầu tư?

Để đảm bảo lợi ích cộng đồng, rõ ràng Nhà nước cần phải có biện pháp quản lý nhằm hạn chế thiệt hại mà hoạt động đầu tư gặp rủi ro có thể gây ra. Nhưng không bộ máy nào có thể quản mọi lúc, mọi khâu, khi mà số lượng hàng trăm ngàn dự án đã, đang triển khai và trong thời gian tới sẽ còn tăng mạnh.

Thay vì bao trùm sự quản lý lên toàn bộ các dự án, toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, quản lý nhà nước nên chăng tập trung vào một phạm vi hẹp những dự án đầu tư có liên quan đến an ninh quốc phòng, an ninh môi trường, an ninh năng lượng, trật tự xã hội...? Muốn như vậy, ngay từ cách tiếp cận của dự thảo Luật đầu tư (chung) về cấp độ quan trọng của dự án cũng phải thay đổi chứ không thể đánh giá trên cơ sở các tiêu chí về qui mô vốn, có sự tham gia của Nhà nước hay không...

Một đạo luật đánh dấu một giai đoạn mới cho phát triển kinh tế như Luật đầu tư (chung) phải thật sự thể hiện được sự đổi mới chức năng của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh từ quản lý sang khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Nếu tiếp tục tư duy “quản lý được đến đâu, mở ra đến đó”, tiếp tục tạo môi trường cho các loại giấy phép con mới hình thành, Luật đầu tư (chung) sẽ khép lại nhiều cơ hội huy động nguồn lực trong nước.

NHẬT LINH

Các văn bản liên quan