Tóm lược BC Ưu đãi TC đối với ĐT trong nước

Thứ Sáu 13:35 26-05-2006
Tóm lược Báo cáo nghiên cứu chính sách:
Ưu đãi tài chính đối với đầu tư trong nước ở Việt Nam


Mục đích của báo cáo này là dự đoán và hiểu rõ hơn tác động của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện nay đối với các công ty tư nhân Việt Nam. Báo cáo này được thực hiện dựa trên khảo sát thực tế 140 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân tại 3 tỉnh phía Nam Việt Nam là Tiền Giang, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Trong số các công ty được khảo sát có một nửa đã nhận ưu đãi thuế TNDN, nửa còn lại không hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Thực tiễn quốc tế cho thấy các chính sách về ưu đãi đầu tư cần phải: i) được lựa chọn ở mức độ vừa phải và được xây dựng một cách thận trọng; ii) dựa trên cơ sở hiệu quả; iii) được thiết kế càng đơn giản và càng rõ ràng càng tốt; iv) việc thi hành được dự trên các quy tắc chứ không dựa trên các quyết định mang tính tùy nghi; và v) phải được thực thi một cách công bằng và minh bạch. Chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam cần phải hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng được được những tiêu chí này.

Từ tháng 1 năm 2004, chế độ ưu đãi thuế TNDN đã được thay đổi và hiện nay được điều chỉnh bởi Nghị định 164 về thuế TNDN. Nghị định này ban hành Danh mục A về các ngành nghề được ưu đãi thuế TNDN, Danh mục B và C cho các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc rất khó khăn được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Trong mẫu điều tra của chúng tôi có 45% số doanh nghiệp nằm trong Danh mục A và 5% doanh nghiệp nằm trong danh mục B. Số 50% doanh nghiệp còn lại không nhận được bất cứ ưu đãi thuế TNDN nào.

Kết quả của chúng tôi đã chỉ ra rằng, khi ra quyết định về đầu tư, các doanh nghiệp đánh giá các yếu tố liên quan đến hạ tầng, nguồn nhân lực tốt là những yếu tố quan trọng nhất, xếp xa yếu tố ưu đãi thuế TNDN. Những yếu tố khác vượt xa yếu tố ưu đãi thuế TNDN là những yếu tố gắn liền với: khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu, tiếp cận thị trường, luật pháp tại địa phương và cách ứng xử của các chức sắc địa phương. Nói chung, yếu tố ưu đãi thuế TNDN được xếp thứ 7 trong 14 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư được liệt kê.

Chỉ có 14% số lượng doanh nghiệp trong mẫu điều tra cho biết họ đã chủ ý thay đổi các điều kiện của dự án đầu tư của mình để có thể hưởng ưu đãi thuế TNDN, chủ yếu là việc tăng số lượng nhân công, tăng quy mô sản xuất hay di dời cơ sở tới các khu công nghiệp.

Có gần 85% số doanh nghiệp nhận ưu đãi thuế TNDN cho rằng họ chắc chắn hoặc chắc sẽ tiếp tục đầu tư như cũ cho dù không nhận được ưu đãi thuế TNDN. Khoảng 78% số doanh nghiệp trong toàn mẫu điều tra đồng ý với ý kiến rằng ưu đãi thuế TNDN là “khá hấp dẫn, nhưng không thay đổi được các kế hoạch đầu tư của tôi” và khoảng 11% không đồng ý. Gần 6% số doanh nghiệp nhận ưu đãi đầu tư cho rằng họ chắc chắn hoặc có thể sẽ không đầu tư nếu không nhận được những ưu đãi thuế TNDN.

Tỷ lệ ưu đãi thừa về thuế TNDN theo ước tính của chúng tôi dựa trên toàn bộ mẫu điều tra là vào khoảng 83%. Tỷ lệ trợ thuế cho đầu tư (tức là khoản thu từ thuế TNDN bị mất đi để tạo ra được một đồng đầu tư thêm từ chính sách ưu đãi thuế TNDN) tính theo toàn mẫu nếu sử dụng thuế suất thuế TNDN mới 28% là vào khoảng từ 62% đến 75% (phụ thuộc vào việc có tính đến yếu tố thời gian của tiền hay không). Tỷ lệ trợ thuế cho đầu tư thấp nhất là ở Tiền Giang và cao nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chỉ có 16% số lượng công ty không hưởng ưu đãi thuế TNDN cho rằng họ đã có đủ điều kiện để hưởng ưu đãi thuế TNDN nhưng vẫn chưa nhận ưu đãi thuế TNDN. Khoảng 54% số lượng công ty không hưởng ưu đãi thuế TNDN cảm thấy rằng họ hoàn toàn không đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế TNDN, như vậy còn một số lượng khá lớn (khoảng 30%) không chắc chắn về khả năng được nhận ưu đãi thuế TNDN. Điều này có thể giải thích một phần là do nhận thức chung là chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện nay là quá phức tạp và khó hiểu đối với rất nhiều doanh nghiệp.

Có khoảng 59% số lượng công ty trong tổng mẫu điều tra cho rằng chính sách thuế hiện nay là phức tạp và khó hiếu, trong khi có 25% không đồng ý với nhận định trên. Trên 87% số lượng công ty cho rằng một chính sách thuế đơn giản và được áp dụng chung cho tất cả các nhà đầu tư không phân biệt trong nước hay nước ngoài là tốt hơn, trong khi chỉ có 5% không đồng ý với nhận định này.

Khoảng hơn một nửa số doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhận được các ưu đãi thuế hấp dẫn hơn so với các công ty trong nước, 14% số công ty không đồng ý với nhận định trên. Khoảng 58% số doanh nghiệp trong mẫu điều tra cho rằng chính sách thuế được thi hành một cách chủ quan và thiếu nhất quán, trong khi chỉ có 16% không đồng tình.

Dựa vào bình luận của một số công ty, có vẻ rằng một tỷ lệ tương đối số công ty cho rằng vì thời gian và các chi phí liên quan đến việc nhận ưu đãi thuế TNDN vượt quá số lượng chi phí thuế có thể tiết kiệm được, nhất là đối với các doanh nghiệp mới được thành lập nên họ không quan tâm đến việc xin các ưu đãi thuế TNDN mặc dù họ có thể đủ điều kiện để nhận. (Các chi phí chính thức và không chính thức có vẻ như cao nhất ở thành phố Hồ Chí Minh). Tương tự như vậy, ưu đãi thuế TNDN cho các công ty thuộc Danh mục B có vẻ như là không đủ bù đắp cho các chi phí di chuyển đầu tư tới các vùng này và vì vậy kém hấp dẫn.

Các văn bản liên quan