Bước tiến lớn về thủ tục đầu tư

Thứ Sáu 13:34 26-05-2006
Bước tiến lớn về thủ tục đầu tư

Bảo Duy
Nguồn: Báo Đầu tư, số ra ngày 27/5/2005


Khác với những phản ứng mạnh mẽ, thậm chí có cả những phản ứng khá bất hợp tác từ phía doanh nghiệp (DN) đối với các quy định về thủ tục đầu tư trong Dự thảo lần thứ 8 của Luật Đầu tư, các quy định xung quanh nội dung này của Dự thảo lần thứ 9, phiên bản 4 Luật Đầu tư vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ đã có một bước tiến lớn về thủ tục mà có thể sẽ được rất nhiều DN chào đón.

Mục tiêu mở rộng phân cấp và đơn giản hoá thủ tục, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận tiện cho nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả và thống nhất trong quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư đã phần nào được thể hiện trong các điều khoản của Dự thảo, chứ không phải chỉ trong lời giải thích của các chuyên gia Ban soạn thảo.

Thậm chí, theo ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trưởng ban soạn thảo, thì thủ tục đầu tư sẽ đơn giản hơn hiện nay vì phần lớn các dự án đầu tư sẽ thuộc loại dự án phổ thông, theo đó nhà đầu tư chỉ cần đăng ký đầu tư theo mẫu để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chứ không phải lập dự án; số không nhiều là các dự án phổ thông có điều kiện, các dự án quan trọng và có rất ít dự án quan trọng quốc gia đòi hỏi phải được thẩm tra cấp giấy phép đầu tư. Đặc biệt, các dự án phổ thông do nhà đầu tư trong nước thực hiện không thuộc diện ưu đãi đầu tư có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chỉ cần đăng ký đầu tư, mà không cần phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Như vậy, theo các quy định được Dự thảo, sẽ có hàng loạt dự án của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần thực hiện đăng ký và nhận giấy chứng nhận đầu tư trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ, thay vì phải chờ đợi thực hiện các thủ tục xin giấy phép đầu tư với cả chồng hồ sơ như hiện tại. Tuy nhiên, ngược lại, sẽ có hàng loạt các dự án của các nhà đầu tư trong nước “bị” rơi vào diện phải đăng ký để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thay cho sự “tự do tuyệt đối” như hiện nay. “Sẽ có nhiều phản ứng khác nhau về thủ tục đầu tư vì nó khác với hiện nay. Song tôi cho rằng, điều quan trọng là thủ tục đăng ký đầu tư cũng được đề nghị rõ ràng là cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư kiểm tra nội dung đăng ký đầu tư theo mẫu, mà không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp thêm hồ sơ, giấy tờ nào khác, không cần xin ý kiến của bất kỳ cơ quan nào khác. Các dự án đầu tư đều được quản lý theo các mức độ khác nhau, chứ không buông lỏng các dự án của nhà đầu tư trong nước như hiện nay”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự liệu.

Cụ thể, quan điểm mà Ban soạn thảo thể hiện trong các quy định về phân loại dự án cũng như phân cấp và thủ tục đầu tư tương ứng là quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư có nguồn gốc nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nguồn vốn của các nhà đầu tư tư nhân (cả trong và ngoài nước). Dự thảo đề nghị các dự án sử dụng vốn nhà nước đều phải được thẩm định và quyết định đầu tư.
Thực ra, trong các lần thảo luận với DN về thủ tục đầu tư, điều quan trọng nhất mà DN quan tâm chính là họ phải làm những gì để có thể thực hiện dự án của mình, thực hiện quyền đầu tư của mình trong bối cảnh không ít cơ quan nhà nước chưa theo kịp tiến trình cải cách hành chính. Đây là một trong những lý do mà nhiều DN e ngại mọi quy định liên quan đến “cấp”, dù dưới hình thức đăng ký hay xét duyệt...

Nhiều DN bình luận rằng, thủ tục có thể sẽ rất đơn giản và dễ dàng nếu như mọi cơ quan thực thi đều làm tốt phần trách nhiệm được giao của mình. Có đại diện DN cho biết, họ không ngại nhiều về quy định thủ tục. Vấn đề chính lại là các cơ quan thực thi. Có lẽ, các nhà hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật cũng cần phải đặt thêm vấn đề này khi xác lập các thủ tục liên quan đến DN, vì đây là những quy định liên quan trực tiếp đến các quyết định có hay không bỏ tiền của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Dự thảo lần 9, phiên bản 4 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cũng đã giải quyết được câu hỏi để lửng lâu này trong các hội thảo, nghiên cứu về việc cấp hay không cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. Theo đề nghị trong Dự thảo, các ưu đãi mà DN được hưởng khi thực hiện dự án sẽ được quy định luôn trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư.

Các văn bản liên quan