Sẽ xóa bỏ cơ chế xét, cấp ưu đãi đtư đvới DN

Thứ Sáu 13:30 26-05-2006
Luật Đầu tư chung sẽ xoá bỏ cơ chế xét - cấp ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp

Khánh An – Báo Đầu tư ngày 17/08/2005


Không còn quy định về việc cơ quan nhà nước xem xét và cấp ưu đãi đầu tư trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay giấy phép đầu tư nữa, trong dự thảo mới nhất của dự án Luật Đầu tư chung, đây là quyền của nhà đầu tư. Có nghĩa là, nhà đầu tư căn cứ vào đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi để tự xác định mức ưu đãi đầu tư và làm thủ tục cấp ưu đãi đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là thông tin mới nhất mà ông Phạm Mạnh Dũng, Trưởng ban soạn thảo Luật Đầu tư chung đưa ra trong buổi toạ đàm về Dự luật này do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức.

Như vậy, sau rất nhiều tranh luận dai dẳng, việc bãi bỏ cơ chế xét - cấp ưu đãi đầu tư, cơ chế bị không ít ý kiến cho là nặng về xin - cho, đã được thể chế hoá trong dự thảo. Có thể thấy, về thủ tục đầu tư, dự án Luật Đầu tư tiếp tục thêm một bước tiến được đồng thuận.

Tất nhiên, kèm theo quy định này, dự án Luật Đầu tư chung cũng có điều khoản khẳng định nhà đầu tư sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi đã được quy định trong giấy phép đầu tư (đối với nhà đầu tư nước ngoài) hoặc giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư (đối với nhà đầu tư trong nước) được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực trong thời gian nhất định do Chính phủ quy định. Đây là giải pháp nhằm tránh những xáo trộn lớn đối với các dự án hiện hành và cũng là một động thái khẳng định quan điểm rõ ràng của Việt Nam đối với việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trong trường hợp có sự thay đổi về chính sách.

Nhiều ý kiến cho rằng, chắc chắn quy định này sẽ được đón nhận. Vì thực tế thời gian vừa qua, cho dù những quy định về cấp chứng nhận ưu đãi đầu tư có đơn giản thì việc thực hiện trên thực tế thường không được nhà đầu tư ủng hộ do thời gian và chi phí lớn. Đó là chưa kể tới tính pháp lý của giấy chứng nhận ưu đãi đối với các dự án của nhà đầu tư trong nước thực sự không cao. Trong nhiều cuộc khảo sát cho thấy, phần lớn cơ quan thuế đều tự thực hiện ưu đãi về thuế theo cách của mình, chứ không căn cứ vào những quy định được ghi trong giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư mà DN có trong tay.

Bỏ cơ chế xét cấp ưu đãi đầu tư như đề nghị của Ban soạn thảo Luật Đầu tư chung, chắc chắn sẽ chấm dứt tình trạng trên. Song, có thể thấy, trách nhiệm của các bên liên quan được đặt ra nặng nề hơn. Tính chủ động của DN được đòi hỏi cao khi tự mình tìm kiếm ưu đãi cụ thể để quyết định có đầu tư hay không. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ chế hậu kiểm về ưu đãi đầu tư thay vì một hệ thống ưu đãi được xét cấp như hiện nay cần phải được thiết lập sớm với những thay đổi rất lớn cả về năng lực và cách thức làm việc của cán bộ, công chức. Không ít ý kiến cho rằng, đây chỉ là việc bãi bỏ một giấy phép, nhưng là cơ hội để xoá bỏ nhiều tư duy theo kiểu xin - cho cũ.

Bên cạnh đó, liên quan đến thủ tục, ông Dũng cũng cho biết, việc giám định thiết bị máy móc nhập khẩu tạo tài sản cố định chỉ bắt buộc đối với dự án đầu tư mà Nhà nước có góp vốn hoặc cổ phần chi phối. Đối với dự án đầu tư khác, nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng máy móc nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong buổi toạ đàm này, vấn đề phân loại dự án và thủ tục đầu tư vẫn tiếp tục được tranh luận và có vẻ như chưa tìm được sự đồng thuận chung. Tham vấn và nghiên cứu sửa đổi sẽ là công việc mà Ban soạn thảo tiếp tục thực hiện trước khi dự án Luật được trình Quốc hội xem xét dự kiến vào kỳ họp tháng 10 tới.

Các văn bản liên quan