Phát biểu của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tại QH

Thứ Bảy 17:16 20-05-2006
Phát biểu của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tại phiên họp cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư chung ngày 5 tháng 11 năm 2005.


"... Bất lợi cho nhà đầu tư trong nước chứ không phải nước ngoài. Bước lùi của Luật đầu tư chính là ở điểm này chứ không phải ở ưu đãi hay bảo hộ, khuyến khích đầu tư. Nhưng điểm lùi này là đối với các nhà đầu tư, kinh doanh trong nước chứ không phải với nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tục đối với nhà đầu tư nước ngoài được thiết kế trong dự thảo này, về căn bản đã kế thừa và thuận lợi hơn so với những điều kiện về thủ tục trong Luật đầu tư nước ngoài hiện nay. Đối với nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư thì họ phải đăng ký. Nước nào cũng làm như vậy và Luật đầu tư cũ của chúng ta cũng như vậy.

Tôi nghĩ trong dự thảo lần này chúng ta đề cập đến thủ tục đối với nhà đầu tư nước ngoài thì không còn vấn đề nhiều để bàn. Nhưng với nhà đầu tư, kinh doanh trong nước có sự khác biệt tương đối lớn. Vì theo Luật doanh nghiệp hiện hành và theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước thì các nhà đầu tư kinh doanh trong nước không phải đăng ký đầu tư, họ chỉ thực hiện đăng ký kinh doanh.

Trong phạm vi đăng ký kinh doanh họ được tiến hành các hoạt động đầu tư mà không phải đăng ký ở cơ quan đầu tư. Thế nhưng theo yêu cầu của luật này, ngoài đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư với 3 mức độ khác nhau: đăng ký đầu tư, đăng ký đầu tư có chứng nhận và mức độ đăng ký đầu tư có thẩm định.

Về đăng ký đầu tư có thẩm định, ý kiến chung là nhất trí. Bởi vì đối với những dự án quan trọng, có quy mô lớn, dự án có điều kiện đầu tư cần đảm bảo thì không có vấn đề gì cả.

Tuy nhiên, đối với dự án thuộc nhóm 1, nhóm 2 (có nghĩa là đăng ký đầu tư, đăng ký đầu tư có chứng nhận) thì còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng trên cơ sở những ý kiến mà chúng tôi tiếp nhận được, nói chung, kiến nghị với Quốc hội cho phép thực hiện quy định hiện hành đối với đầu tư trong nước đối với dự án đầu tư thuộc nhóm 1, 2. Có nghĩa là không phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư mà chỉ thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh và tiến hành các hoạt động kinh doanh, đầu tư.

Tất nhiên, Ban soạn thảo có nêu ra lý do muốn làm cho quá trình đầu tư được thực hiện minh bạch hơn, rõ ràng hơn và tạo ra cơ sở quản lý tốt hơn, tạo ra thông tin cho nhà đầu tư và khách hàng… Nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi, không nên đặt cho Luật đầu tư và cơ quan quản lý đầu tư chức năng quá phạm vi của họ.

Việc đảm bảo cho hoạt động kinh doanh ở Việt Nam được tiến hành một cách minh bạch, đúng pháp luật, được bảo đảm bởi cả hệ thống pháp luật liên quan kinh tế và tất cả các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp, chứ không phải chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tất cả những hoạt động diễn ra trong lĩnh vực đầu tư, nếu nói rằng trách nhiệm của cơ quan đầu tư, thuộc trách nhiệm của Luật đầu tư thì tôi cho rằng điều đó không chính xác. Cho nên Luật đầu tư, như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, mục tiêu chủ yếu là tạo ra những điều kiện để khuyến khích, bảo hộ, ưu đãi đầu tư. Cũng có đại biểu đề nghị, nên đặt tên là Luật đầu tư hay là Luật khuyến khích, bảo hộ, ưu đãi đầu tư.

Như trên tôi đã nói, riêng với nhà đầu tư nước ngoài cần có quy định riêng về thủ tục đầu tư. Điều này trong quá trình hội nhập quốc tế chúng ta cũng không phải lo lắng vì cái nguyên tắc về đối xử quốc gia không yêu cầu các nhà đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước phải bình đẳng về thủ tục đầu tư mà chỉ bình đẳng về ưu đãi, biện pháp bảo đảm đầu tư về thuế, giá…

Cho nên, tôi nghĩ cần phải thực hiện hệ thống thủ tục đầu tư khác biệt giữa nhà đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước. Nếu theo tinh thần như vậy, các quy định đặt ra đối với dự án đầu tư trong nước, căn bản giữ theo các quy định hiện hành. Nếu chúng ta thực hiện hình thức đăng ký đầu tư, một cách tự động hay có chứng nhận, đó là biện pháp, theo tôi, mang tính hình thức, không đạt được hiệu quả quản lý.

Bởi vì các dự án đầu tư chỉ là ý định của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có thể đăng ký rất nhiều dự án nhưng có thể thực hiện được rất ít do những thay đổi môi trường kinh doanh, do ý định của họ thay đổi… Nếu như thông tin đó giúp cho công tác quy hoạch, định hướng cho nhà đầu tư thì điều đó theo tôi cũng không mang lại tác dụng.

Bởi lẽ, thông tin này cũng không đáng tin cậy nếu chỉ là thông tin đăng ký đầu tư mà có xác nhận, thẩm tra. Việc đăng ký đầu tư với nhóm 1, với 98% các dự án đầu tư hiện nay sẽ gây tốn kém rất nhiều về chi phí, mất thời gian, thậm chí cả tiền của của doanh nghiệp. Nhà nước phải bỏ ra ngân sách khá lớn để vận hành bộ máy phục vụ cho việc tiếp nhận, xử lý, lưu trữ các mẫu đăng ký đầu tư với hàng triệu dự án đầu tư. Mà cái đó không có tác dụng thiết thực bao nhiêu!

Thứ ba là nó rất dễ phát sinh những tiêu cực, nhũng nhiễu. Mặc dù nhiều quy định pháp luật của chúng ta rất rõ ràng, đương nhiên, nhưng trong quá trình doanh nghiệp và công dân tiếp cận với cơ quan chính quyền không phải bao giờ cũng được đối xử như vậy. Và sự nhũng nhiễu có thể xảy ra ngay cả những chỗ pháp luật minh bạch nhất.

Do đó, bất cứ thủ tục gì sinh ra dù là đơn giản cũng có nguy cơ gây ra sự sách nhiễu, tiêu cực trong hoạt động hàng ngày của cơ quan công quyền liên quan đến doanh nghiệp.

Còn kiến nghị của cộng đồng kinh doanh ngoài nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc có thông báo là không có vấn đề gì lớn. Chúng tôi đề nghị nếu thực sự không có vấn đề gì lớn trong ý kiến của cộng đồng kinh doanh ngoài nước với ý kiến của Ban soạn thảo thì chúng ta nên chấp nhận tiếp thu.

Bởi vì đối với chúng ta trong thời gian tới, việc tăng cường thu hút đầu tư từ các thị trường công nghệ nguồn như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ có tính chất quyết định đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tiếng nói của các Phòng thương mại Mỹ, Australia, EU chính là tiếng nói đại diện cho các cộng đồng kinh doanh đó.

Nếu tiếp thu mà không ảnh hưởng đến quan điểm, đến vấn đề lớn trong chiến lược của chúng ta thì nên tiếp thu và thông báo cho họ. Còn họ hiểu nhầm thì ta cũng cần gặp gỡ, trao đổi cho rõ. Mỗi tín hiệu phát ra từ các cộng đồng kinh doanh này đều có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Chúng ta đã vất vả rất nhiều trong việc thuyết phục, động viên, vận động họ đầu tư vào Việt Nam. Những tín hiệu phát đi từ Việt Nam sẽ là tín hiệu quan trọng nhất đối với việc nhà đầu tư nước ngoài có vào Việt Nam hay không trong thời gian tới..."

(Nguồn: www.vietnamnet.vn)

Các văn bản liên quan