Chủ đề tranh luận

Thứ Sáu 13:24 26-05-2006
Thực hiện Nghị quyết 26 Quốc hội Khoá XI về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2004, Dự án Luật Giao dịch điện tử đang được các cơ quan liên quan tích cực soạn thảo.
Mục tiêu chủ yếu của Luật này là thừa nhận giá trị pháp lý của các giao dịch có sử dụng dữ liệu điện tử (giá trị như văn bản viết, giá trị về lưu trữ, giá trị như bản gốc, có thể sử dụng làm chứng cứ trong tố tụng...). Những qui định của Luật GDĐT sẽ áp dụng chung cho các giao dịch điện tử do các tổ chức, cá nhân và cơ quan Nhà nước tiến hành trong các lĩnh vực dân sự, thương mại, hành chính... Do đó, đây sẽ là văn bản luật thiết lập hành lang pháp lý an toàn cho các giao dịch điện tử nói chung, đặc biệt có ý nghĩa trong việc thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, cải cách hành chính.
Quý vị có thể trao đổi, đóng góp ý kiến về những vấn đề sau của Luật này:
1. Những giá trị pháp lý nào của giao dịch điện tử cần được thừa nhận (ví dụ giá trị như văn bản, giá trị làm bản gốc, giá trị để lưu trữ, giá trị làm chứng cứ...)? Với những điều kiện gì? Sự phát triển của khoa học công nghệ có làm ảnh hưởng đến các điều kiện này không?
2. Những [u][b]giao dịch nào cần được xem là ngoại lệ
không thuộc phạm vi áp dụng của Luật này (không được thừa nhận các giá trị pháp lý theo Luật này) (Ví dụ kết hôn/ly hôn, di chúc, hợp đồng mua bán bất động sản,...)?
3. Có cần thiết phải có những qui định đặc biệt cho các giao dịch điện tử thuộc các lĩnh vực riêng (thương mại, hành chính, ngân hàng...) trong từng Chương riêng của Luật không?
4. Luật này có nên qui định về việc triển khai các giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau không hay chỉ dừng lại ở các quan hệ giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân và giữa các tổ chức, cá nhân với nhau?
5. Có nên đưa những vấn đề dưới đây vào Luật này không? Vì sao?
(i) Bảo vệ người tiêu dùng
(ii) Bí mật riêng tư
(iii) Những hành vi bị cấm
(iv) Quyền sở hữu trí tuệ trong giao dịch điện tử

6. Mô hình cơ quan chứng thực chữ ký điện tử tại Việt Nam
Để chữ ký điện tử (trong đó có chữ ký số) được áp dụng một cách an toàn trong các giao dịch điện tử, cần thiết phải thiết lập một hoặc một số cơ quan chứng thực chữ ký điện tử (với chức năng chức thực tính an toàn của các chữ ký này và kiểm soát quá trình sử dụng chữ ký điện tử).
- Cơ quan chứng thực chữ ký điện tử nên là cơ quan Nhà nước (công) hay là một tổ chức, cá nhân (tư)?
- Nên lựa chọn mô hình nào trong số các mô hình dưới đây?
(i) Cơ quan chứng thực chung đối với chữ ký điện tử trong các giao dịch thuộc tất cả các lĩnh vực
(ii) Cơ quan chứng thực riêng đối với chữ ký điện tử trong các giao dịch thuộc từng lĩnh vực cụ thể (ví dụ ngành ngân hàng sẽ có cơ quan chứng thực riêng)
7. Về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao dịch điện tử
Giao dịch điện tử và những nội dung liên quan là một vấn đề mới, khá phức tạp, có tác động không nhỏ đến sự phát triển của thương mại điện tử, đến quá trình cải cách hành chính, áp dụng khoa học công nghệ vào đời sống...ở nước ta. Vì vậy lĩnh vực này cần được Nhà nước quản lý một cách thống nhất nhằm đảm bảo sự phát triển hài hoà, hợp lý và an toàn các giao dịch điện tử trong những lĩnh vực cụ thể.
- Có nên thành lập một cơ quan riêng biệt để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các giao dịch điện tử hay để một Bộ quản lý vấn đề này?
- Mô hình một Uỷ ban về giao dịch điện tử trực thuộc Chính phủ với thành viên là các chuyên gia từ các Bộ ngành liên quan (số lượng gọn nhẹ) có đáp ứng yêu cầu này không?
8. Những vấn đề khác Quý vị quan tâm có liên quan đến các giao dịch điện tử

Các văn bản liên quan