Ý kiến của Ths. Đỗ Thị Tuyết – ĐH Cần Thơ

Thứ Sáu 11:14 26-05-2006
MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ LUẬT DOANH NGHIỆP THỐNG NHẤT

ThS Đỗ Thị Tuyết
Đại học Cần Thơ


Với mục đích xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế, tất cả các loại hình pháp lý, việc ban hành Luật Doanh nghiệp thống nhất là hết sức cấp thiết nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện cam kết quốc tế, và quan trọng hơn cả là phát triển kinh tế đất nước. Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất, trong phạm vi hội thảo này tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:

1. Về Giấy phép kinh doanh

1.1 Định nghĩa như dự thảo là hợp lý và khả thi, tuy nhiên thay cho từ hoặc để cho bằng ... bởi khi cá nhân hoặc tổ chức nhận giấy phép kinh doanh, về mặt luật pháp đã xác định cho họ một địa vị pháp lý hoặc tình trạng nhân thân tương ứng với loại hình họ lựa chọn.

1.2 Vấn đề thực chất của “giấy phép kinh doanh” hiện nay ở nước ta là thể hiện sự cho phép các cá nhân hoặc tổ chức thực hiện kinh doanh trong những điều kiện hạn chế kinh doanh trong một số ngành, đối với một số đối tượng DN.

1.3 Luật Doanh nghiệp thống nhất nên có quy định về một thủ tục /quy trình bắt buộc mà các Bộ, ngành khi ban hành các điều kiện hay giấy phép kinh doanh phải tuân thủ. Trên cơ sở đó để một khi trong thực tế có những vướng mắc trong hoạt động của DN do giấy phép kinh doanh mới dễ giải quyết.

2. Về một số ngành, nghề đòi hỏi phải kinh doanh dưới hình thức hợp danh

2.1 Không cần thiết các loại dịch vụ nói trên phải thực hiện dưới hình thức hợp danh bởi lẽ khi quy định như vậy là đã hạn chế sự tham gia của các hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp tư nhân trong quyền kinh doanh các ngành nghề nói trên, và điều này mâu thuẫn với mục tiêu của Luật DN thống nhất.

3. Về hạn chế hay khống chế mức góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác. (không có ý kiến)

4. Về quy định “người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự” (không có ý kiến)

5. Về thực hiện cơ chế đăng ký thành lập DN có vốn đầu tư nước ngoài thay vì xin phép đầu tư như hiện nay.

5.1 Không nên đặt thêm những điều kiện đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đã là trong Luật Doanh nghiệp thống nhất cho tất cả các thành phần kinh tế thì phải thể hiện tính nhất quán để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng.

6. Nên cho phép một cá nhân thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn

6.1 Điểm lợi của việc cho phép một cá nhân kinh doanh dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn: khác với loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH là chủ công ty chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn điều lệ đã đăng ký và Thuật ngữ “TNHH” đã là một sự nhắc nhở với các đối tác khi làm ăn với loại hình doanh nghiệp này. Trong thực tế đã tồn tại khá nhiều các công ty TNHH một thành viên là cá nhân, vốn là của một người trong gia đình, những người khác chỉ là đứng tên cho phù hợp theo quy định của pháp luật. Như vậy rõ ràng việc quy định số thành viên tối thiểu trong công ty sẽ buộc các nhà đầu tư phải đối phó, vì họ phải nhờ người khác đứng tên đăng ký hộ. Người đứng tên này hoàn toàn vô trách nhiệm với công ty, thậm chí còn lợi dụng công ty để thu lợi riêng, làm phương hại đến lợi ích của ông chủ thật. Việc quy định công ty TNHH một thành viên là cá nhân sẽ tạo nên bức tranh minh bạch về sở hữu trong công ty hiện nay, tránh được tình trạng đứng tên hộ, số phần vốn góp mà ông chủ ghi cho người đứng tên sẽ thuộc sở hữu của người đứng tên, khi người đứng tên lật lọng thì ông chủ thực hoàn toàn chịu rủi ro trước pháp luật.

Một lợi điểm rất lớn về mặt thực tế và tâm lý, người Việt Nam chưa có kinh nghiệm quản lý chung với nhiều người, trong khi vốn ít, thích kinh doanh một mình nhưng ngại chịu trách nhiệm vô hạn. Nếu có mô hình công ty TNHH một chủ là cá nhân thì sẽ rất phù hợp với nhà đầu tư, đáp ứng được nhu cầu phân tán rủi ro trong đầu tư của người Việt Nam.

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được thành lập theo hình thức công ty TNHH có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, nhưng không quy định số thành viên tối thiểu, nên 1 cá nhân nước ngoài, 1 Việt kiều đều có quyền thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài do mình làm chủ. Luật Đầu tư nước ngoài không quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị công ty, nên đương nhiên doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có quyền áp dụng mô hình công ty TNHH theo Luật Doanh nghiệp. Như vậy, để bình đẳng, trong Luật Doanh nghiệp thống nhất nên cho phép một cá nhân thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

6.2 Nếu cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân thì vấn đề cần lưu ý và xử lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên là phải phân biệt minh bạch tài sản riêng của cá nhân và tài sản kinh doanh mang tên công ty.

7. Về tiêu chuẩn người đại diện theo uỷ quyền

7.1 Có nên quy định tiêu chuẩn của người đại diện theo uỷ quyền
7.2 Tiêu chuẩn quy định như Dự thảo là hợp lý

15. Về công ty nhà nước và Luật doanh nghiệp thống nhất

15.1 Cần định ra một thời hạn để chuyển công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn để “đưa” công ty nhà nước vào Luật Doanh nghiệp chung. Về mặt thời hạn cần xem xét kết hợp với các văn bản khác để có quy định phù hợp và thực thi.

16. Cơ chế chuyển đổi những doanh nghiệp FDI hiện tại sang Luật Doanh nghiệp thống nhất.

Mục đích của Luật Doanh nghiệp thống nhất là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, do vậy cần chuyển đổi những doanh nghiệp FDI hiện tại sang hoạt động theo Luật này. Để thực hiện cần phải có quy định trong Luật.

17. Về hộ kinh doanh cá thể

17.1 Không nên quy định các hộ kinh doanh cá thể với quy mô nhất định nào đó phải chuyển thành doanh nghiệp, lý do: ngay trong dự thảo Luật đã đưa ra khái niệm về giấy phép: “cấp phép nói trong Luật này là hành vi hành chính do pháp luật quy định được thực hiện theo yêu cầu của cá nhân... để cho họ có một địa vị pháp lý hoặc tình trạng nhân thân”. Như vậy việc lựa chọn loại hình nào nên để họ tự quyết định.
Trên đây là một số ý kiến nhỏ của cá nhân. Mong rằng hội thảo thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp để góp phần Luật Doanh nghiệp thống nhất thực hiện được mục đích tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các thành phần kinh tế, các nhà kinh doanh và đầu tư.

Các văn bản liên quan