Đóng góp của Luật gia Phạm Thế Vinh_Công ty TVL&KT Hoàng Gia

Thứ Sáu 11:13 26-05-2006
KHÔNG CẦN THIẾT QUY ĐỊNH MỘT SỐ NGÀNH, NGHỀ PHẢI KINH DOANH DƯỚI HÌNH THỨC CÔNG TY HỢP DANH

Luật gia-Kiểm Toán Viên PHẠM THẾ VINH
Cty Tư vấn Luật & Kiểm toán Hoàng Gia-SCCT


Hiện nay, chúng ta đang gấp rút thực hiện lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà trong đó, việc ban hành Luật Doanh nghiệp thống nhất là một trong những Luật có tầm quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong dự thảo mới nhất của Luật Doanh nghiệp thống nhất có đề cập đến 4 ngành, nghề đòi hỏi phải kinh doanh dưới hình thức công ty hợp danh. Đó là, -Dịch vụ kế toán và kiểm toán; -Dịch vụ thiết kế công trình xây dựng; Dịch vụ khám và điều trị bệnh; Dịch vụ pháp lý. Đây cũng là một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi nhất. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý và xu hướng chung của thế giới thì Nhà nước không cần thiết quy định những ngành, nghề trên phải kinh doanh dưới hình thức công ty hợp danh. Bởi vì,

Một là, Hiến pháp đã quy định công dân có quyền “được chọn hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp, không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh“.

Hai là, các đại biểu Quốc hội khi thông qua Luật Doanh nghiệp đã biểu quyết không nhất trí quy định ngành, nghề nào phải theo loại hình doanh nghiệp nhất định (công ty hợp danh).

Ba là, hiện nay, đa số các nước thành viên WTO duy trì cả hình thức công ty hợp danh (chịu trách nhiệm vô hạn) với cả hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn đối với việc hành nghề kế toán và kiểm toán, dịch vụ pháp lý… để người dân lựa chọn, như: ở Úc đa số chọn hành nghề dưới hình thức pháp lý công ty trách nhiệm hữu hạn (Ltd); Ở Mỹ được tự do chọn hình thức hành nghề thích hợp như công ty hợp danh hữu hạn (LLP), công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC) …; Ở Pháp vẫn có công ty hành nghề tự do trách nhiệm hữu hạn (SELARL), Thái Lan cũng hành nghề dưới loại hình công ty TNHH (Ltd) v.v. Được biết, việc chuyển từ loại hình công ty hợp danh (chịu trách nhiệm vô hạn) sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn đã có từ lâu và là xu hướng của các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ (khoảng 50 năm nay), Úc, Pháp … cũng khá lâu.

Bốn là, việc hành nghề dù với hình thức trách nhiệm pháp lý nào đều phải mua bảo hiểm nghề nghiệp bắt buộc (mức tối thiểu) theo quy định để bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Trong đó, công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo mức mua tối thiểu nếu công ty hành nghề có lỗi. Công ty hành nghề chỉ phải chịu trách nhiệm trả thêm phần giá trị thiệt hại mà công ty bảo hiểm không bảo đảm theo quy định của hợp đồng bảo hiểm nếu như công ty hành nghề không mua bảo hiểm bổ sung trong trường hợp vụ việc có nguy cơ trách nhiệm cao hơn giá trị được bảo hiểm theo mức tối thiểu. Với cơ chế bồi thường này thì dù loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hay vô hạn cũng không ảnh hưởng đáng kể đến việc bồi thường thiệt hại cho khách hàng .

Năm là, việc đăng ký hành nghề nếu bắt buộc phải theo loại hình công ty hợp danh thì sẽ hạn chế việc đăng ký kinh doanh đa ngành, nghề khi mà những ngành, nghề khác không đòi hỏi phải chịu trách nhiệm vô hạn. Bởi vì, khi đăng ký trong công ty hợp danh thì những ngành, nghề khác cũng phải chịu trách nhiệm vô hạn luôn (kinh doanh đa ngành, nghề không chỉ cung cấp cho khách hàng sản phẩm khép kín, có liên quan mà còn cung cấp với giá phí rẻ hơn do tiết kiệm được chi phí quản lý, thuế môn bài … mà khách hàng không phải tốn nhiều thời gian tìm kiếm, ký kết nhiều hợp đồng với nhiều công ty khác nhau).

Sáu là, theo quy định của pháp luật hiện hành (Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật dân sự…) thì không có quy định cho việc chuyển đổi từ hình thức pháp lý công ty hợp danh sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn. Do vậy, nếu thực hiện việc chuyển đổi bằng cách giải thể công ty TNHH để thành lập công ty hợp danh sẽ thiệt hại trước hết đến “thương hiệu” của công ty TNHH đã hoạt động từ trước đến nay.

Từ những phân tích trên đây cho thấy, Nhà nước không nên can thiệp vào việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp, vì đây là quyền của người dân đã được Hiến định. Hơn nữa, Việt Nam không nên đi ngược lại xu hướng của các nước trên thế giới đi từ hợp danh sang hữu hạn hơn nửa thế kỷ nay. Vấn đề mấu chốt là Nhà nước tác động thông qua cơ chế bảo vệ khách hàng bằng bảo hiểm nghề nghiệp bắt buộc (có điều chỉnh) khi hành nghề. Đây chính là chìa khóa quản lý Nhà nước hữu hiệu để người dân tự chọn loại xe thích hợp. /.

Các văn bản liên quan