Ý kiến của ô. Phạm Đắc Duyên – Phó GĐ Cục ĐTNN phía nam

Thứ Sáu 10:53 26-05-2006
Góp ý kiến dự thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất

Phạm Đắc Duyên
Phó Giám đốc Trung tâm Đầu tư nước ngoài phía Nam
Cục Đầu tư nước ngoài


1. Về phạm vi điều chỉnh của Luật.

Điều 2 dự thảo Luật Doanh nghiệp quy định “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này và quy định của Luật khác về cùng một vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này thì áp dụng theo quy định của Luật này”. Đề nghị cân nhắc thêm quy định này.

Có thể lấy ví dụ : Một nhà đầu tư muốn thành lập công ty cổ phần bảo hiểm thì phải theo Luật này được không? Bởi vì theo quy định của Luật bảo hiểm thì nhà đầu tư phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Bộ Tài chính (chứ không phải đăng ký tại Sở Kế hoạch Đầu tư).

Tương tự như vậy, muốn thành lập ngân hàng cổ phần thì phải nộp hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng. Việc này sẽ còn trùng lắp khi sắp tới đây Quốc hội sẽ tiếp tục ban hành các Luật như : Luật Du lịch, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Dạy nghề,…

2. Về giấy phép kinh doanh :

Do yêu cầu quản lý theo chức năng, các ngành, điạ phương có những quy định buộc các doanh nghiệp khi kinh doanh một số ngành nghề phải có đủ điêề kiện và phải có giấy phép hoặc phải được cho phép. Trong thực tế, nhiều nơi còn tuỳ tiện trong việc cấp phép nói trên gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà người ta thường nói là loạn “giấy phép con”.

Để khắc phục tình trạng trên, đề nghị : Trong Luật Doanh nghiệp vẫn duy trì nội dung như Điều 6 mục 3 nhưng bổ sung sửa đổi như sau : “Đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành , nghề mà Luật, Pháp lệnh hoặc Nghị định quy định phải có điều kiện, thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh các ngành, nghề đó khi có đủ các điều kiện theo quy định.

Điều kiện kinh doanh được thể hiện bằng Giấy phép hoặc các yêu cầu mà luật pháp quy định phải có đủ để tiến hành hoạt động kinh doanh. Chính phủ ban hành quy định về nguyên tắc thiết lập và quản lý hệ thống điều kiện kinh doanh. Các ngành, địa phương không được tuỳ tiện đặt ra các điều kiện kinh doanh trái với quy định của Chính phủ”.

Theo tôi không cần nêu định nghĩa về “Cấp phép”. Vì không cần thiết.

3. Về một số ngành, nghề đòi hỏi phải kinh doanh dưới hình thức hợp danh :

Trong xã hội có một số ngành, nghề đòi hỏi sử dụng chất xám cao, trách nhiệm đối với cộng đồng nhiều nên không thể cho doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh cá thể kinh doanh. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp theo tôi không nên có quy định 1 số ngành kinh doanh phải theo hình thức hợp danh, mà luật nên quy định những lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể không được kinh doanh.

4. Về cơ chế đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:

Trong dự thảo có đưa ra khái niệm Doanh nghiệp nước ngoài (Điều 3) khác với khái niệm tại Luật Đầu tư nước ngoài. Theo tôi nên sử dụng khái niệm doanh nghiệp có vốn 100% của nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, gọi chung là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được chọn hình thức doanh nghiệp nào mà họ cho là thích hợp (Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty Cổ phần, Doanh nghiệp tư nhân) để là thủ tục đăng ký theo luật này.

Theo tôi, dự thảo đưa ra 3 “hạn chế” đối với nhà đầu tư nước ngoài là hợp lý. Cần xem xét thêm quy định : người nước ngoài phải xin phép trước khi đăng ký kinh doanh đối với một số ngành nghề. Theo tôi có thể giải quyết theo một trong hai cách như sau:

Thứ nhất, trong Luật đầu tư chung quy định những lĩnh vực nào người nước ngoài xin giấy phép đầu tư (như trước đây). Khi có Giấy phép đầu tư thì mặc nhiên đấy cũng là Giấy đăng ký kinh doanh, không phải làm thủ tục đăng ký theo Luật Doanh nghiệp.

Thứ hai, người đầu tư nước ngoài đang ký thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Sau đó, nếu họ có dự án đầu tư vào những ngành, lĩnh vực đầu tư có điều kiện (theo quy định của Luật Đầu tư) thì sẽ làm thủ tục xin duyệt dự án đầu tư.

5. Về cơ chế chuyển đổi doanh nghiệp FDI đang hoạt động theo quy định tại Điều 123

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định, nếu do thay đổi của Pháp luật Việt Nam làm thiệt hại đến lợi ích doanh nghiệp FDI thì họ tiếp tục được hưởng ưu đãi đã được quy định trong Giấy phép đầu tư. Đồng thời, nếu các quy định mới ưu đãi hơn được ban hành sau khi được cấp Giấy phép đầu tư thì họ sẽ được áp dụng các ưu đãi đó. Do vậy, không nên bắt buộc doanh nghiệp FDI đang hoạt động phải làm thủ tục chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào có nhu cầu chuyển đổi thì sẽ giải quyết theo từng trường hợp cụ thể theo Luật Doanh nghiệp.

Các văn bản liên quan