Góp ý của TS. Lê Nết, ĐH Luật Tp. HCM

Thứ Sáu 10:47 26-05-2006
DANH MỤC CÁC VẤN ĐỀ ĐƯỢC THẢO LUẬN TẠI HỘI THẢO LUẬT DOANH NGHIỆP (THỐNG NHẤT)

TS Lê Nết, Trưởng Đại học Luật TP HCM

1. Về Giấy phép kinh doanh
Dự thảo đưa ra khái niệm mới về giấy phép: “Cấp phép là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo yêu cầu của cá nhân hoặc tổ chức, cho phép người đó được quyền thực hiện các công việc nhất định, xác định năng lực pháp luật, địa vi pháp lý hoặc tình trạng nhân thân của cá nhân, tổ chức xin phép. Kết quả của cấp phép là giấy phép”.

Theo Ông/Bà thì:
1.1. Định nghĩa như dự thảo có hợp lý và khả thi không?
Xin xem trả lời ở trên.

1.2. Vấn đề thực chất của “giấy phép kinh doanh” hiện nay ở nước ta là gì?
Theo tôi hiểu, "Giấy phép kinh doanh" của nước ta hiện nay tên chính thức là "Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh." Trình tự thành lập pháp nhân theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là trình tự thừa nhận, khác với trình tự cho phép ở cơ sở cấp giấy chứng nhận (xem thêm qui định tại BLDS về Pháp nhân, từ Điều 94):

Trình tự cho phép
Sáng lập viên nộp đơn và hồ sơ đi kèm
Cơ quan có thẩm quyền xem xét:
• Tính hợp lệ của đơn
• Tính đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ
• Tình hình kinh tế xã hội
Sau đó cơ quan quyết định cấp phép

Trình tự thừa nhận:
Sáng lập viên nộp đề nghị và hồ sơ đi kèm
Cơ quan có thẩm quyền xem xét:
• Tính hợp lệ của đơn
• Tính đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ

Sau đó cơ quan quyết định đăng ký

Như vậy, kinh doanh là quyền của doanh nghiệp, không phải xin phép, mà chỉ cần phải đăng ký.

Tất nhiên vì đất nước ta phát triển có kế hoạch và theo định hướng XHCN, nên trình tự cho phép không thể bỏ. Tuy nhiên chỉ nên qui định trình tự cho phép khi việc cho phép một doanh nghiệp gia nhập thị trường có ảnh hưởng lớn đến thị trường đó và định hướng XHCN của chúng ta, thí dụ ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh sòng bạc CASINO, hay sản xuất thuốc lá.
1.3. Cần giải pháp nào để giải quyết các vướng mắc về Giấy phép kinh doanh? Trong phạm vi Luật Doanh nghiệp, có thể làm được gì để giải quyết các vấn đề đó?

Để giải quyết các vướng mắc nên qui định mọi doanh nghiệp đều phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên đối với một số hình thức đầu tư, cần phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi tiến hành đăng ký kinh doanh. Khi xin phép cần phải nộp thêm thẩm định kinh tế - kỹ thuật và đánh giá tác động dự án đối với xã hội. Các loại hình doanh nghiệp cần xin phép không nhiều và chỉ ở một số loại hình đặc thù.

2. Về một số ngành, nghề đòi hỏi phải kinh doanh dưới hình thức hợp danh.
Các nghề đó là:
- Dịch vụ kế toán và kiểm toán;
- Dịch vụ thiết kế công trình xây dựng;
- Dịch vụ khám và điều trị bệnh, nhà dưỡng lão;
- Dịch vụ pháp lý.
Theo Ông/Bà thì:
2.1. Có cần thiết các loại dịch vụ nói trên phải thực hiện dưới hình thức hợp danh không? Doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể được kinh doanh các dịch vụ đó không?

Không cần thiết các loại dịch vụ nói trên phải thực hiện dưới hình thức hợp danh, nếu họ có mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghịêp với mức do pháp luật qui định (thí dụ ít nhất là 10% giá trị hợp đồng tư vấn).

Các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh có thể tham gia các dịch vụ này, song phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với khách hàng và phải có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Thật ra, bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà trẻ, trường học, văn phòng tư vấn luật (không bào chữa trước toà) hay kiểm toán thành lập dưới dạng công ty TNHH cũng được. Nếu không, sẽ dẫn đến thực trạng vô lý là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì được thành lập bệnh viện theo hình thức công ty TNHH, trong khi doanh nghiệp Việt Nam thì không được.

2.2. Có nên bổ sung thêm loại dịch vụ, ngành nghề khác vào danh sách nói trên?

Không có ý kiến, song theo tôi nghĩ thì không nên. Nhiều doanh nghiệp còn gây nguy hại cho sức khoẻ, tính mạng cộng đồng hơn bác sỹ, luật sự, như doanh nghiệp chế biến rác, nhà máy thép, nhà máy hoá chất, song vẫn được phép thành lập công ty TNHH, vậy tại sao bác sỹ, luật sư không được phép giới hạn trách nhiệm của mình?

2.3. Nếu kinh doanh các loại dịch vụ nói trên phải dưới hình thức hợp danh, thì các doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty nhà nước, doanh nghiêp có vốn đầu tư nước ngoài) đang kinh doanh các loại dịch nói trên phải chuyển đổi sang hợp danh. Vậy (i) cần bao nhiêu thời gian để chuyển đổi?(ii) pháp luật cần lưu ý vấn đề gì trong quá trình chuyển đổi?(iii) nếu sau thời gian được định mà chưa chuyển đổi, thì hậu quả pháp lý là gì và cần giải quyết nó như thế nào?.

Tôi nghĩ không nên chuyển đổi và cũng không nên bó hẹp các loại hình kinh doanh này vào hình thức công ty hợp danh. Việc chuyển đổi nếu đụng đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ gây hậu quả không tốt đến môi trường đầu tư. Nếu không đụng sẽ tạo ra bất bình đẳng trên thị trường.

3. Về hạn chế hay khống chế mức góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác.

Dự thảo Luật hạn chế mức đầu tư của doanh nghiệp này vào doanh nghiệp khác. Cụ thể là tổng mức đầu tư của một doanh nghiệp (với tư cách là thành viên hoặc cổ đông) vào các doanh nghiệp khác không được vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đó. Ví dụ, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp A là 100, thì tổng mức đầu tư của doanh nghiệp này vào các doanh nghiệp khác không vượt quá 50; và giả sử tổng mức đầu tư vào doanh nghiệp khác đã lên đến 40, thì khoản đầu tư cuối cùng không được vượt quá 10.

Theo Ông/Bà thì:
3.1. Có nên hạn chế tổng mức vốn đầu tư của một doanh nghiệp vào các doanh nghiệp khác hay không?

Không cần, vì mục đích không rõ ràng. Nếu là để bảo vệ cổ đông thiểu số, thì một doanh nghiệp chỉ cần kiểm soát 30% cố phiếu là đã trở thành cổ đông có quyền quyết định (vì còn có thể lôi kéo được một số cổ đông khác, và trên thực tế có quyền phủ quyết hầu hết các quyết định). Để bảo vệ cổ đông thiểu số chỉ cần cổ đông đa số có nghĩa vụ mua lại cổ phiếu của cổ đông thiểu số theo giá thị trường nếu cổ đông thiểu số không tán thành quá 3 lần các nghị quyết do cổ đông đa số quyết định.

Nếu có, thì kiến nghị như của Dự thảo là có hợp lý không? Hay khống chế theo phương thức khác?. Làm gì để đảm bảo được hiệu lực của quy định không chế như đã nói trên?
Như trên.

3.2. Nếu không cần không chế thì cho biết lý do? Những ưu điểm và nhược điểm của việc không đặt ra khống chế?.

Như trên. Việc đặt ra mức khống chế sẽ khiến cho một số cổ đông lớn có tiềm lực, có khả năng và có trách nhiệm không thể quản lý doanh nghiệp mình nắm giữ khi các cổ đông khác liên tục cản trở các quyết sách của mình, mà mình không có quyền mua lại cổ phần của các cổ đông đó.

Nếu không có khống chế, thì dưới giác độ tài chính doanh nghiệp giải thích thế nào về hiện tượng tương đối phổ biến hiện nay là một doanh nghiệp có vốn đăng ký là 5 tỷ đồng Việt nam, nhưng lại thành lập công ty con có vốn đăng ký lên đến 10 tỷ đồng? Hiện tượng nói trên có thể gây hại gì cho nền kinh tế nói chung và cổ đông, chủ nợ .v.v.. của công ty nói riêng?.
Câu hỏi này không liên quan gì đến việc khống chế tỉ lệ góp vốn của doanh nghiệp, mà liên quan đến khống chế số vốn góp trên thực tế (thí dụ doanh nghiệp có số vốn 1 tỉ thì chỉ được góp 1 tỉ v.v.).

Nhận định trên là sai lầm. Một doanh nghiệp có vốn đăng ký 5 tỉ đồng có thể có tài sản trị giá 15 tỉ đồng, vì theo công thức kế toán: Asset = Liabilities = Debt + Equity, thì tiền vay và tiền được tặng cho, lãi từ sản xuất kinh doanh cũng được coi là tài sản của công ty mà không cần phải là vốn đăng ký. Như vậy nếu doanh nghiệp có tổng vốn là 5 tỉ đồng, lãi từ sản xuất kinh doanh là 3 tỉ đồng (không đem chia mà tái đầu tư), vay thêm 2 tỉ đồng nữa là có thể góp voấn cho doanh nghiệp có số vốn đăng ký lên đến 10 tỉ. Sau khi góp vốn 10 tỉ thì họ không có quyền rút vốn (trừ khi chuyển nhượng được cổ phần). Như vậy chuyện họ trả tiền vay 2 tỉ đồng cách nào là chuyện của họ, không ảnh hưởng đến công ty con.

Trên thế giới không thiếu gì công ty mẹ nhỏ hơn công ty con (thí dụ việc Ngân hàng Scotland RBS mua lại ngân hàng lớn hơn mình là National Westminster để trở thành một trong năm ngân hàng lớn nhất nước Anh).

Điều này không ảnh hưởng gì đến nền kinh tế nói chung và cổ đông, chủ nợ, v.v. của công ty nói riêng, miễn là mọi người hiểu vấn đề và phải tìm hiểu kỹ (due diligence) xem doanh nghiệp đó thực góp vốn là bao nhiêu hay chỉ khai đăng ký vốn góp như vậy mà thôi. Cơ quan đăng ký kinh doanh nên công khai các thông tin này trên Internet hay tổ chức dịch vụ công để trả lời câu hỏi người dân về cấu trúc công ty, số vốn thực góp, v.v. khi người dân có nhu cầu. Các thông tin này phải công khai.

4. Ông/Bà hiểu thế nào về khái niệm “người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự”? Có nên cấm họ thành lập doanh nghiệp không?

Có, vì rủi ro họ sẽ lừa đảo tiếp tục rất lớn. Ở đây sau khi tính xác suất gây thiệt hại cho xã hội và chi phí lợi ích, có thể nói việc hạn chế như vậy là hợp lý.

5. Về thực hiện cơ chế đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thay vì xin phép đầu tư như hiện nay.
Theo Ông/Bà thì:

5.1. Có nên đặt thêm những điều kiện đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài?(về bản chất là đặt thêm rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi gia nhập thị trường nước ta). Nói cách khác, có nên đối xử hoàn toàn bình đẳng trong gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?
Không, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể lũng đoạn nền kinh tế trong nước theo kiểu "vui thì ở, buồn thì đi (rút vốn)." Trong khi các nhà đầu tư trong nước phải sống chết cùng đất nước. Bài học của Thái Lan trong cuộc khủng hoảng 1997 khi các nhà đầu tư nước ngoài (trực tiếp và gián tiếp) đồng loạt rút vốn là bài học nhớ đời nhất cho các nước quá chú trọng đến đầu tư nước ngoài, mở cửa trước khi chuẩn bị tiềm lực trong nước.

Theo tôi, nên hạn chế nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những ngành mà các doanh nghiệp trong nước đã có sức cạnh tranh đủ lớn, theo chính sách khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nên giữ lại một danh sách các dự án hạn chế đầu tư và một danh sách các dự án cấm đầu tư. Nếu nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các dự án này phải vượt qua một số rào cản để chứng minh rằng mình muốn đầu tư một cách ổn định, lâu dài, có lợi cho xã hội, không rút vốn khi gặp khó khăn. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài có rủi ro là họ có thể trốn nợ bằng cách bay ra nước ngoài, vì thê phải đánh giá tư cách, tiềm lực của họ trước khi cho họ vào đầu tư ở Việt Nam.

5.2. Về tổng thể, Dự thảo Luật đưa ra 3 “hạn chế” đối với người nước ngoài ( so với người trong nước) khi gia nhập thị trường nước ta. Đó là:(i) người nước ngoài bị cấm kinh doanh trong một số ngành, nghề mà doanh nghiệp trong nước không bị cấm;(ii) người nước ngoài phải xin phép trước khi đăng ký khi kinh doanh một số ngành, nghề mà doanh nghiệp trong nước không phải xin phép; và (iii) mức đầu tư tối thiểu của mỗi người nước ngoài(cá nhân hay pháp nhân) vào nước ta tối thiểu là 100000 US$.

a. Ba hạn chế nói trên là hợp lý không?

Hợp lý, song nên qui định việc góp vốn phải thực hiện trong vòng một thời gian nhất định. Bài học khu đô thi Nam Thăng Long (vốn đầu tư 3 tỉ USD do một nhà đầu tư Indonesia đầu tư, song thực chất chỉ xin giấy phép và bán lại giấy phép) cho thấy không nên tin vào các đồng tiền đầu tư ảo. Ngoài ra, một số ngành nghề đầu tư chỉ cần kiến thức kinh nghiệm, không cần vốn, ví dụ như tư vấn pháp luật hay tư vấn kỹ thuật, nên được coi là ngoại lệ của qui tắc 100 ngàn USD.

b. Có nên đặt thêm hạn chế nào nữa không?
Không, các hạn chế khác sẽ qui định thêm trong qui trình xin phép.

c. Nên cấm người nước ngoài kinh doanh những ngành, nghề nào? Có thể chỉ nêu nguyên tắc?

Vấn đề này phải xem xét trong qui định của WTO, tôi xin trả lời sau khi đã nghiên cứu. Trên nguyên tắc, nên cấm nhà đấu tư nước ngoài đầu tư những ngành mà sự tham gia của họ sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia (thí dụ báo chí) hay làm lực cản cho sự phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

d. Nên bắt người nước ngoài xin phép (buộc phải có giấy phép trước khi đăng ký kinh doanh) đối với những ngành, nghề nào? Có thể chỉ nêu nguyên tắc?.

Vấn đề này phải xem xét trong qui định của WTO, tôi xin trả lời sau khi đã nghiên cứu. Trên nguyên tắc, nên buộc nhà đấu tư nước ngoài xin phép đầu tư những ngành mà sự tham gia của họ sẽ ảnh hưởng sự phát triển định hướng XHCN của Việt Nam.

đ. Chế độ cấp phép nên tập trung ở trung ương hay giao hết cho chính quyền địa phương? Và trung ương chỉ thực hiện quản lý nhà nước đối với việc cấp các giấy phép đó?
Tùy trường hợp, nhưng trên nguyên tắc nên giao cho chính quyền địa phương nếu phạm vi ảnh hưởng của việc cấp phép là ở địa phương (thí dụ trường phổ thông). Nếu phạm vi ảnh hưởng đên nhiều địa phương thì trung ương sẽ quản lý.

5.3. Vấn đề gì có thể xảy ra về phía cơ quan quản lý nhà nước và về phía doanh nghiệp trong nước khi thực hiện thay đổi nói trên?
Các cơ quan quản lý trung ương sẽ mất một số quyền cấp phép, song nếu lương đủ sống thì họ sẽ có thời gian làm những việc đáng làm hơn như quản lý sau giấy phép các doanh nghiệp.

6. Có nên cho phép một cá nhân thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn? Hay chỉ có “tổ chức” mới được quyền thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn như hiện nay?

Nên, vì điều đó không có hại gì. Nếu một người và vợ anh ta thành lập công ty thì cũng giống như chính anh ta thành lập công ty.

Điểm lợi (hay ưu điểm) của việc cho phép một cá nhân kinh doanh dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn?
Cho phép cá nhân hạn chế rủi ro kinh doanh, từ đó sẽ mạnh dạn đầu tư hơn nữa (vì họ biết nếu họ thua trận thì họ còn gì, khác với DNTN - thua là mất hết).

Nếu cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thì vấn đề hay đặc điểm riêng biệt nào cần lưu ý và xử lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân?.

Không có hạn chế nào. Chỉ có điều nên qui định "piercing corporate veil" có nghĩa là nếu cá nhân thành lập công ty với mục đích chính là trốn tránh trách nhiệm và cố tình tẩu tán tài sản công ty, thì trách nhiệm của chủ công ty là vô hạn. Đề nghị search google danh từ piercing corporate veil để tìm từ qui định chính xác theo luật Hoa Kỳ.

7. Về tiêu chuẩn người đại diện uỷ quyền.

heo Ông/Bà thì:

7.1.Có nên quy định tiêu chuẩn của người đại diện uỷ quyền?. Người đại diện được uỷ quyền là cá nhân được thành viên, cổ đông (mà thành viên hay cổ đông này là pháp nhân) của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần uỷ quyền thực hiện các quyền của thành viên hoặc cổ đông tương ứng theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Nếu trả lời là không nên quy định, thì xin nói rõ lý do? những cái được và cái không được của việc không đặt ra tiêu chuẩn của người đại diện ủy quyền là gì?

Không nên qui định. Các tiêu chuẩn này đã có ở Bộ luật Dân sự, không nên tạo thêm mâu thuẫn giữa hai ngành luật. Chỉ nên qui định một trường hợp "đại diện trên thực tế", tức là không có văn bản ủy quyền nhưng vẫn là đại diện. Thí dụ, người bơm xăng cho bạn ở cây xăng là đại diện trên thực tế của công ty xăng dầu (vì nếu không thì anh ta không có tư cách gì để bơm xăng cho bạn).

7.2. Nếu cần quy định, thì tiêu chuẩn quy định như Dự thảo là hợp lý?

Theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 35a:
" 2. Tiêu chuẩn của người đại diện ủy quyền
Người đại diện ủy quyền phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Không dưới 21 tuổi và có đủ năng lực hành vi dân sự; và
b) Có trình độ chuyên môn hoặc/và kinh nghiệp trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của công ty.
Không cần thiết. Như đã nói ở trên, ai đủ thành niên cũng có thể làm người đại diện. Chẳng lẽ mỗi lần tự xưng là người đại diện phải mang theo bằng cấp, lý lịch và chứng minh nhân dân trong người để xác nhận? Chỉ cần qui định người được đại diện chịu trách nhiệm về hành vị của người đại diện là đủ.

3. Không được chỉ định những người sau đây làm người đại diện ủy quyền:
a) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị kết án tù về các tội tham nhũng, tham ô, hối lộ, làm trái qui định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của nhà nước và công dân, tội buôn lậu và trốn thuế cho đến 6 năm kể từ khi được xóa án;
Đúng, vì rủi ro do những người này có thể lạm dụng là cao đối với cả hai - người được đại diện và người thứ ba tham gia giao dịch.

b) Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên HĐQT và giám đốc doanh nghiệp đã bị phá sản trước đó chưa đầy 3 năm;
Không cần, vì phá sản đôi khi do bất khả kháng. Vả lại nếu người được đại diện tin thì người được đại diện chịu trách nhiệm trước người thứ ba tham gia giao dịch.

c) Người có liên quan của những thành viên Hội đồng thành viên và Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty;
Không cần. Chỉ cần những người này không hành động mâu thuẫn với lợi ích của người được đại diện là được (tức là không giao dịch với bản thân mình và những người mà mình cũng là đại diện - Điều 153.5 BLDS).

4. Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp hay cổ phần sở hữu nhà nước chiếm hơn 50% vốn điều lệ, thì ngòai những người qui định tại khoản 3 điều này, những người có liên quan của những người quản lý và của những người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ không được cử làm người đại diện ủy quyền trong Hội đồng thành viên của công ty con."

Nếu không hợp lý, thì xin nêu rõ không hợp lý ở điểm nào? cần bổ sung hay giảm bớt tiêu chuẩn nào?. Lý do của bổ sung, thay đổi?
Không hợp lý. Chỉ cần những người có liên quan không được tham gia giao dịch với doanh nghiệp là được. Vả lại. đã cấm thì cấm hết chứ tại sao lại chỉ cấm các doanh nghiệp nhà nước?

8. Về tiêu chuẩn giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn.

Dự thảo quy định như sau:
"Điều 41b. Tiêu chuẩn của Giám đốc (Tổng giám đốc)
1. Bất kỳ thành viên nào sở hữu 10% vốn điều lệ của công ty đều có thể được bổ nhiệm làm giám đốc (tổng giám đốc) công ty.
2. Đối với những người không thuộc đối tượng qui định tại khoản 1 Điều này phải có ít nhất các tiêu chuẩn sau đây:
a) Không dưới 21 tuổi, không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
b) Có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế tương ứng trong quản trị kinh doanh hoặc trong các ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của công ty;
c) Không phải là người có liên quan của người đại diện uỷ quyền của thành viên sở hữu hơn 25% vốn điều lệ của công ty.
3) Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp của nhà nước chiếm hơn 50% vốn điều lệ, thì ngoài các tiêu chuẩn qui định tại khoản 2 Điều này, Giám đốc (Tổng giám đốc) không được là người có liên quan của những người quản lý và những người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ."

Theo Ông/Bà thì:
8.1.Có nên quy định tiêu chuẩn của giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn? Nếu trả lời là không nên quy định, thì xin nói rõ lý do? những cái được và cái không được của việc không đặt ra tiêu chuẩn của giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn là gì?
Nên qui định thêm: không phải là người đang bi truy cứu trách nhiệm hình sự

8.2. Nếu cần quy định, thì tiêu chuẩn quy định như Dự thảo là hợp lý?Nếu không hợp lý, thì xin nêu rõ không hợp lý ở điểm nào? cần bổ sung hay giảm bớt tiêu chuẩn nào? Lý do của bổ sung, thay đổi?
Bỏ khoản b và c vì không nhằm mục đích gì cả. Kể cả người không có kinh nghiệm cũng có quyền làm giám đốc, nếu hội đồng thành viên muốn như vậy. Ngoài ra, mối liên hệ giữa giám đốc và hội đồng thành viên không ảnh hưởng nếu qui định các giao dịch giữa công ty và thành viên hội đồng phải được hội đồng nhất trí thông qua, nếu không sẽ bị vô hiệu toàn bộ.

9. Về thù lao, tiền lương và tiền thưởng cho thành viên Hội đồng thành viên(HĐTV), thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) và giám đốc (tổng giám đốc).

Theo Ông/Bà thì:

9.1. Doanh nghiệp trên thực tế đang gặp phải vấn đề gì trong trả lương, tiền thưởng cho thành viên HĐTV, cho thành viên HĐQT và Giám đốc (tổng giám đốc)?
Không gặp vấn đề gì lớn. Tuy nhiên nên cho phép thành viên hội đồng kiêm nhiệm chức giám đốc hay các chức danh quản trị khác để được hưởng lương từ việc điều hành của mình.

9.2. Quy định như Dự thảo có hợp lý hay không hợp lý? Có lợi gì và có hại gì đối với doanh nghiệp? Xin nêu rõ lý do?.
Không rõ dự thảo qui định thế nào?

Nên bổ sung, sửa đổi và thay đổi những gì?
Như trên.

9.3. Việc thực hiện các quy định này trên thực tế gặp khó khăn gì? Có mâu thuẫn gì với các quy định khác không?
Như trên.

10. Về công ty nhà nước và Luật doanh nghiệp (thống nhất)

Mục tiêu của việc ban hành Luật doanh nghiệp (thống nhất) là áp dụng cho cả công ty nhà nước. Tuy vậy, công ty nhà nước hiện nay chưa phải là công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần như quy định của Luật doanh nghiệp. Vì vậy, sau khi luật doanh nghiệp thống nhất có hiệu lực, thì công ty nhà nước hiện nay vẫn chưa thuộc đối tượng áp dụng của Luật này.
Theo Ông/Bà thì:

10.1. Cần định ra một thời hạn để chuyển công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn để “đưa” công ty nhà nước vào Luật Doanh nghiệp (thống nhất)? Nếu có, thì thời hạn ấy là bao lâu?

Có, khoảng 1 năm, thật ra chỉ cần bỏ luật doanh nghiệp nhà nước và lập công ty quản lý vốn của nhà nước. Các qui định về điều hành sẽ theo điều lệ mẫu của công ty nhà nước (do Thủ tướng Quyết định). Công ty này sẽ chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của giám đốc.

10.2. Hay là cứ để song song tồn tại 2 Luật; theo đó, công ty nhà nước nào hay bộ phận của chúng chuyển sang được công ty trách nhiệm hữu hạn hay cổ phần, thì công ty hay bộ phận công ty đó mới thuộc đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp (thống nhất)?

Để song song tồn tại thì nên bỏ tất cả các đặc quyền của công ty nhà nước về vay vốn.

10.3. Vấn đề khó khăn trong chuyển công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữun hạn và công ty cổ phần là gì?

Là việc không có ai đứng ra quản lý tài sản nhà nước và tài sản của doanh nghiệp nhà nước không được định giá. Mọi người đều quan tâm đến quyền lợi của mình hơn là tài sản của nhà nước. Vì thế vẫn cần phải có những qui định chặt chẽ về thu chi, song không được chặt quá làm mất tính năng động của doanh nghiệp nhà nước.

11. Về hộ kinh doanh cá thể

Theo Ông/Bà thì:
Có nên quy định cụ thể các hộ kinh doanh cá thể với quy mô nhất định nào đó phải chuyển thành doanh nghiệp không?
Nên, vì doanh nghiệp có hệ thống sổ sách minh bạch hơn; trừ trường hợp qui định các hộ kinh doanh cá thể với quy mô nhất định nào đó phải lập sổ sách như doanh nghiệp.

Nếu quy định, thì quy mô cụ thể nên ở mức nào?
Quy mô vốn khoảng 15 tỉ đồng (1 triệu USD).

Cái được và cái không được của chính sách này là gì?.
- Được: quản lý rạch ròi, sổ sách, trách nhiệm rõ ràng.
- Không được: chi phí chuyển đổi.

Các văn bản liên quan