Chưa đưa DNNN vào phạm vi điều chỉnh

Thứ Sáu 09:54 26-05-2006
UBTVQH thảo luận dự án Luật Doanh nghiệp: Chưa đưa doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi điều chỉnh của luật

Chiều 28-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến vào Dự án Luật Doanh nghiệp (DN). Một điểm đáng chú ý là, các công ty nhà nước sẽ nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật doanh nghiệp thống nhất, mặc dù dự định ban đầu của ban soạn thảo là áp dụng luật cho cả loại hình doanh nghiệp này.

DNNN có nằm ngoài cuộc?

Theo dự thảo, luật Doanh nghiệp thống nhất sẽ được áp dụng thống nhất cho 4 loại hình doanh nghiệp (công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp doanh và doanh nghiệp tư nhân). Các nhà đầu tư nước ngoài có quyền chọn một trong 4 loại hình này thay vì chỉ được thành lập công ty TNHH như hiện nay.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, đầu tiên ban soạn thảo định đưa vào dự luật một chương về doanh nghiệp nhà nước, nhấn mạnh đến các quy định về quản lý vốn, nhân sự cho thống nhất, bình đẳng với các thành phần doanh nghiệp khác, nhưng sau đó, do ban soạn thảo nhận thấy còn những vướng mắc trong vấn đề quản lý với DNNN, vốn, bộ máy, nhân sự... cho nên trong dự luật trình lần này, các công ty nhà nước sẽ nằm ngoài phạm vi điều chỉnh. Cũng theo ông Võ Hồng Phúc, Sau khi luật mới này có hiệu lực 3 năm thì tất cả các DNNN đã chuyển đổi thành công ty cổ phần hay công ty TNHH một thành viên cũng sẽ thuộc điều chỉnh của luật này.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu cho rằng , tư tưởng chỉ đạo của Quốc hội là xây dựng Luật DN thống nhất phải thay thế cho 2 đạo luật về DN hiện nay nên làm không đúng tinh thần này thì khi trình ra Quốc hội sẽ “khó”. Phó chủ tịch đặt câu hỏi: Luật DN thống nhất chỉ thay thế Luật DN năm 1999, mà không thay thế cả Luật DNNN năm 2003. Vậy soạn thảo ra luật mới này làm gì? Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu khẳng định: Phải tạo một khung pháp lý chung cho mọi loại hình DN, đã đầu tư để sinh lời thì phải bình đẳng.

Trước ý kiến này, Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc giải trình: Luật DNNN năm 2003 có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, cơ quan đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DN. Do đó, chỉ đưa một chương riêng về DNNN trong Luật DN thống nhất sẽ chưa giải quyết được hết các vấn đề đang điều chỉnh trong hệ thống pháp luật về DNNN; và công ty nhà nước về cơ bản vẫn phải tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật DNNN năm 2003.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định: “Nếu đưa quy định về DNNN trong Luật DN thống nhất, không những sẽ không tạo ra được luật “chung và thống nhất” không phân biệt thành phần kinh tế, mà trái lại có thể tạo ra sự chồng chéo, trùng lắp và kém ổn định của hệ thống pháp luật”.

3 năm có khả thi?

Theo tính toán của Chính phủ, 3 năm sau khi Luật DN thống nhất có hiệu lực (dự kiến từ 1-7-2006), toàn bộ DNNN hiện nay sẽ được chuyển đổi. Ông Hồ Xuân Hùng, Trưởng ban đổi mới doanh nghiệp nhà nước cho biết, hiện nay cả nước còn khoảng 3.000 DNNN chưa được chuyển đổi. Theo dự kiến, đến thời điểm Luật DN thống nhất có hiệu lực, con số này sẽ giảm xuống khoảng 1.800 DN.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn còn tỏ ra băn khoăn trước giải trình của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và ban soạn thảo. Câu hỏi mà các đại biểu đặt ra là: Liệu 3 năm để các DNNN chuyển đổi thành công ty cổ phần hay công ty TNHH một thành viên (và sẽ thuộc điều chỉnh của luật này) có khả thi? Khi thực tế cho đến nay, trong số 3.000 DNNN chưa chuyển đổi, có khoảng 450 DN thuộc lĩnh vực “nhạy cảm”, chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH 1 thành viên là rất “nan giải”?

Để thực hiện được quyết tâm này, vấn đề đặt ra là cần đưa ra một lộ trình chuyển đổi cụ thể, rõ ràng để làm sức ép đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới DNNN. Có như vậy, con số 3 năm mà Ban soạn thảo luật đưa ra để các doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh chung của một luật mới có khả năng trở thành hiện thực.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự án luật này sẽ tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét và hoàn thiện thêm tại hội nghị Đại biểu QH chuyên trách sẽ diễn ra từ ngày 2-8.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, Phó chủ tịch công ty tư vấn Consult Group, hiện tượng đối xử bất bình đẳng từ phía Chính phủ đối với doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân đã được nói mãi, tuy nhiên vẫn không được giải quyết. Điều đó chứng tỏ rằng có một sự hợp lý mang tính logic: Không bao giờ có sự đối xử như nhau giữa "con đẻ" và "con nuôi" bởi chính sự khác nhau tự nhiên giữa hai đối tượng này. Vấn đề là làm sao để số "con đẻ" phải ít hay tối thiểu xét cả về số lượng lẫn quy mô chiếm dụng các nguồn lực quốc gia (hiện nay doanh nghiệp nhà nước đang chiếm tới 80% tài sản quốc gia và 70% tín dụng ngân hàng).(VnExpress)

Các văn bản liên quan