Ý kiến của ĐBQH Trần Văn Nam – Tỉnh Bình Dương

Thứ Ba 14:13 31-10-2006
Kính thưa Quốc hội.

Cơ bản tôi tán thành rất nhiều điều luật đã được chỉnh sửa trong Dự thảo. Tôi xin phát biểu thêm một số vấn đề mà tôi quan tâm.

Một, về người lãnh đạo cuộc đình công, trong Dự thảo Luật này có quy định ngoài Ban chấp hành công đoàn cơ sở, hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời, còn có đại diện do tập thể lao động cử, cũng là người lãnh đạo đình công.

Trước hết, tôi tán thành quy định đại diện tập thể do lao động cử là người được quyền lãnh đạo cuộc đình công trong trường hợp không có tổ chức công đoàn. Theo tôi, cần có quy định cụ thể hơn, bởi trong thực tế nếu xảy ra trường hợp quyền lợi của người lao động bị xâm phạm, tổ chức công đoàn cơ sở nơi đó biết, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà họ không tổ chức đình công thì như thế nào.

Tất nhiên, trách nhiệm của Ban chấp hành công đoàn nơi đó đã rõ, nhưng quyền lợi của người lao động ra sao, làm thế nào để người lao động đình công mà vẫn không vi phạm luật. Nên chăng, theo tôi, luật cần có quy định mở rộng thêm trong trường hợp quyền lợi của người lao động bị xâm phạm, tổ chức công đoàn cơ sở nơi đó biết, nhưng không tổ chức đình công thì đại diện do tập thể lao động cử được quyền tổ chức và lãnh đạo cuộc đình công.

Hai, quyền lợi của người lao động trong thời gian đình công, Điểm a, Khoản 1, Điều 174d Dự thảo Luật quy định người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp hai bên có thoả thuận khác. Theo tôi quy định như vậy gây thiệt thòi cho người lao động, vì nếu cuộc đình công sau đó được toà án quyết định là hợp pháp thì sao, nên chăng cần quy định vấn đề này theo hướng khi toà án quyết định cuộc đình công là hợp pháp thì người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm trả lương và các quyền lợi khác cho người lao động trong những ngày đình công. Trong trường hợp toà án quyết định cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động không được trả lương, và nếu cuộc đình công bất hợp pháp này gây thiệt hại cho người sử dụng lao động, thì người lao động còn phải chịu trách nhiệm bồi thường như quy định tại Khoản 2, Điều 174đ. Có ràng buộc như vậy mới nâng cao được trách nhiệm của các bên khi quyết định đình công và giải quyết đình công.

Về Điểm b, Khoản 1, Điều 174đ, tôi đồng ý với đại biểu Hoàng Văn Xim - Đoàn Hà Tây đã phát biểu.

Tuy nhiên, tôi thấy cần phải nói rõ thêm, Điểm b, Khoản 1, Điều 174đ nói rằng: người lao động không tham gia đình công, nhưng phải nghỉ việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại Khoản 2, Điểu 62 của Bộ luật Lao động, v.v... Tôi cho rằng quy định như thế này quá rộng, phạm vi của nó có thể nói còn rất mông lung, bởi vì chúng ta biết rằng nếu như trong một nhà máy, một xưởng, một dây truyền sản xuất đình công thì khả năng cả nhà máy đó tê liệt. Nhà máy đó tê liệt thì rõ rằng công nhân làm từ khâu nguyên liệu đầu vào, đến công nhân làm từ khâu tiêu thụ nguyên liệu đầu ra đều bị ảnh hưởng. Nếu mà nhà máy đó có ký hợp đồng xuất ăn cho công nhân ở các nhà máy khác, nếu đình công thì nhà máy chế biến xuất ăn công nghiệp cho công nhân cũng bị ảnh hưởng, cũng bị đình trệ, thậm chí là bị nghỉ việc. Như vậy công nhân nào được trả lương do bị ảnh hưởng của cuộc đình công? Nếu chúng ta không quy định một cách cụ thể và chặt chẽ trong điều luật này thì hướng dẫn hết sức khó và hết sức là mông lung, rất khó thực hiện.

Về thẩm quyền hoãn, ngừng cuộc đình công theo quy định tại Điều 76 của Dự thảo luật là do Thủ tướng Chính phủ quyết định và giao cho cơ quan Nhà nước, tổ chức có thẩm quyền giải quyết nếu xét thấy cuộc đình công có nguy cơ xâm hại nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc dân, an toàn công cộng. Theo tôi, thẩm quyền hoãn hoặc ngừng cuộc đình công nên quy định thoáng hơn. Ngoài Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu địa phương như Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng nên được giao thẩm quyền hoãn, hoặc ngừng đình công. Vì việc đình công ở địa phương do một số trường hợp cũng gây ra ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn ở địa phương. Mặt khác, giao thẩm quyền hoãn hoặc ngừng đình công cho địa phương sẽ giúp địa phương chủ động và kịp thời giải quyết các vấn đề có liên quan đến đình công. Lúc nào thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phổ trực thuộc Trung ương được quyền hoãn hoặc ngừng cuộc đình công do Chính phủ quy định.

Khoản 4, Điều 162, tôi đề nghị chỉ nên quy định Hội đồng hoà giải ở cơ sở tiến hành hoà giải tranh chấp lao động cá nhân. Vì khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể thì các thành viên trong Hội đồng hoà giải lao động cơ sở sẽ là những người thuộc 1 trong 2 bên tranh chấp. Do vậy không thể khách quan trong việc hoà giải tranh chấp. Đề nghị quy định Hội đồng trọng tài lao động ở cấp tỉnh là tổ chức hoà giải và giải quyết đầu tiên khi tranh chấp lao động tập thể xảy ra. Thực tế thời gian vừa qua ở Bình Dương thì Hội đồng hoà giải lao động cơ sở chưa hề đứng ra hoà giải được một cuộc tranh chấp lao động tập thể nào.

Khoản 4, Điều 166, trong thực tế có nhiều doanh nghiệp khi ban hành nội quy lao động nhưng không đăng ký theo quy định hoặc có đăng ký nhưng cơ quan Nhà nước về quản lý lao động duyệt còn sai sót, cho nên trong nội quy lao động có những nội dung còn trái pháp luật. Toà án có quyền tuyên bố vô hiệu từng phần hoặc toàn bộ nội dung của bản nội quy lao động trái pháp luật này. Tôi xin đề nghị bổ sung thêm phần đó, phần nội quy lao động của doanh nghiệp trái pháp luật vào khoản này để tòa án xem xét, quyết định.

Khoản 1, Điều 168 cũng không nên quy định là Hội đồng hòa giải lao động ở cơ sở giải quyết tranh chấp lao động tập thể, lý do như tôi nêu ở bên trên.

Tiếp theo, ngay sau điều 172, tôi xin đề nghị bổ sung một điều với nội dung quy định về tổ chức và lãnh đạo đình công gồm 2 nội dung cụ thể: Đối với doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở hoặc là công đoàn lâm thời thì sẽ do ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn lâm thời tổ chức và lãnh đạo đình công. Đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, tập thể lao động cử đại diện của tập thể lao động và thông báo với tổ chức công đoàn cấp huyện, quận hoặc tương đương và đại diện của tập thể lao động tổ chức và lãnh đạo đình công. Thêm một điều luật này sẽ bổ sung chặt chẽ và có mối quan hệ mật thiết với các điều luật tiếp theo. Ý cuối cùng. Trong các điều khoản có rất nhiều điều nói về thời gian, số ngày, tôi xin đề nghị Ban Soạn thảo rà soát xem những ngày nào thì tính theo ngày làm việc, những ngày nào không nên tính theo ngày làm việc thì chúng ta nên quy định cho thống nhất trong các điều luật, xin có một số ý như vậy.

Các văn bản liên quan