Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hồng – Tỉnh Thừa Thiên – Huế

Thứ Ba 14:11 31-10-2006
Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin phát biểu một số vấn đề sau đây liên quan trực tiếp đến dự án luật.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh tôi thấy rằng giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phạm vi như vậy rất hợp lý và thuyết phục. Tôi cũng xin nêu thêm một số số liệu là tại kỳ họp thứ 9 Chính phủ đã báo cáo trong 10 năm qua cả nước đã có hơn 1.000 cuộc đình công. Mới đây nhất, hôm qua chúng tôi được cung cấp một báo cáo số 136 ngày 18/10/2006 tại trang 4 của Chính phủ thì chỉ mới trong 6 tháng đầu năm nay cả nước đã có tới 308 cuộc đình công và các cuộc đình công này xảy ra chủ yếu ở các khu công nghiệp và khu chế xuất. Chúng tôi đều hiểu rằng hệ thống chính sách pháp luật về lao động và việc làm được Nhà nước ban hành và tiếp tục trong giai đoạn hoàn thiện, chúng tôi cũng hiểu và không phủ định những việc làm tốt của các địa phương cũng như nhiều ngành trong việc chăm lo quyền lợi cho người lao động.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay việc tổ chức, thực hiện ở nhiều doanh nghiệp chưa tốt, các quyền lợi cơ bản của người lao động như lương, bảo hiểm xã hội, giờ làm việc, nghỉ ngơi, nhà ở chưa nói đến nhu cầu sinh hoạt, đời sống văn hóa, tinh thần quá khó khăn, điều kiện ở thì chật chội. Chính vì vậy, dẫn đến sức khỏe giảm sút, dẫn đến sự bức xúc của nhiều tập thể người lao động và không có cách nào khác hơn là họ buộc phải làm một việc mà chính bản thân họ không mong muốn, đó là phải tạm thời ngừng làm việc để đình công. Theo tôi nghĩ đình công là vũ khí cuối cùng của người lao động, mặc dù ai cũng hiểu điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và chính quyền lợi của các bên. Nhưng thực tế nó vẫn xảy ra.
Do vậy, tôi thấy lần này Quốc hội tập trung xem xét sửa đổi phạm vi gọn như vậy, nó rất thực tiễn và nó giải quyết được những bức xúc mà hiện nay đang đặt ra.

Thứ hai, vấn đề phân định thành hai loại tranh chấp thì tôi thấy nhiều ý kiến đại biểu trước tôi phát biểu, tôi cũng tán thành cao, tôi chỉ nói một điều rằng tôi rất tâm đắc với quan điểm Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là vấn đề rất trọng tâm của Dự án Luật sửa lần này. Bởi việc phân định ra hai loại tranh chấp như Dự thảo với lý giải của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, với các quy định về mặt trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết phù hợp với mỗi loại tranh chấp như quy định ở 6 điều của Mục 3 của Dự thảo là rất phù hợp. Tuy nhiên, về lộ trình và thời gian giải quyết, tôi tán thành với ý kiến đại biểu Đặng Ngọc Tùng vừa phát biểu.

Theo quy định của Luật, đối chiếu với thực tiễn trong các cuộc đình công vừa qua, như đại biểu Tùng phân tích là lao động tranh chấp về quyền vẫn là loại tranh chấp phổ biến và theo như dự báo của các cơ quan chức năng thì thời gian sắp tới đây tình hình nó chưa phải là dễ khắc phục một sớm, một chiều.

Chúng tôi cũng rất quan tâm Báo cáo vừa rồi Chính phủ mới trình bày là hiện nay hệ thống thanh tra về lao động cả nước ta rất mỏng, cũng tại Báo cáo số 136 ngày 18/10/2006 vừa qua, hiện cả nước có hơn 230.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ có hơn 300 thanh tra lao động. Như vậy, chúng tôi chia bình quân 1 thanh tra lao động phải giải quyết việc này cho bình quân là 750 doanh nghiệp khi có sự cố xảy ra. Đây là con số quá bất cập, có tỉnh chỉ có 1 thanh tra lao động, có quận có đến 2.000 doanh nghiệp nhưng không có 1 cán bộ thanh tra lao động nào. Như vậy, cùng với việc đòi hỏi tăng cường trách nhiệm bổ sung để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình giải quyết tranh chấp ở các quy định Khoản 2, Điều 168 và Tiết b, Khoản 1, Điều 170a. Chúng tôi thấy trong thực tiễn các cơ quan cũng nên quan tâm kiện toàn các cơ quan về lao động ở các địa phương.

Vấn đề thứ ba, về mặt chủ thể tổ chức lãnh đạo cuộc đình công, chúng tôi tán thành giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Hòa Bình đã phát biểu trước tôi. như vậy là các doanh nghiệp đã có công đoàn cơ sở thì rất là rõ, nhưng đối với các doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở thì tập thể lao động cử đại diện người lao động và thông báo với công đoàn cấp trên để có sự hướng dẫn, chỉ đạo. Như vậy sẽ giải quyết được cả hai bộ phận là những doanh nghiệp đã có công đoàn và những doanh nghiệp chưa có công đoàn.

Đồng thời, vừa rồi Chính phủ đã có Nghị định 96 ngày 14/9/2006 hướng dẫn thi hành Điều 153 của Bộ luật này về việc thành lập Ban chấp thành công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp thì cũng đã quy định rõ: Chậm nhất là 6 tháng kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu hoạt động, nếu chưa thành lập công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên chỉ định Ban chấp hành công đoàn lâm thời để đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động ở đó. Ở đây, tôi nghĩ Luật quy định như thế cũng là một cơ sở pháp lý để thúc đẩy thêm việc thành lập công đoàn cơ sở ở những nơi chưa có công đoàn.

Tôi xin phát biểu tiếp ở Điều 174. Điều 174 có một khoản như thế này: Trong khi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đang tiến hành việc giải quyết tranh chấp lao động thì không bên nào được hành động đơn phương chống lại bên kia". Tôi hơi băn khoăn về quy định này vì mấy lý do: Thứ nhất, xét về góc độ pháp lý thì quy định là "không bên nào được chống lại bên kia" thì tính minh định về mặt pháp lý không được rõ, hành vi không rõ, xét về góc độ văn hóa, đặc biệt là văn hóa phương đông của chúng ta, kể cả về góc độ kinh tế thì quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp đó là quan hệ bình đẳng, quan hệ phối hợp hợp tác và cùng một lợi ích chung là tăng lợi nhuận, tăng sản xuất kinh doanh và cao hơn nữa là vì lợi ích của cả quốc gia. Nhưng nếu chúng ta đặt ra ở đây là "bên này chống bên kia" thì xét về cả góc độ pháp luật và văn hóa, theo cá nhân tôi thì tôi thấy chưa ổn.

Nếu chúng ta không quy định như thế này, thì trong Dự thảo Luật đã có Điều 174đ quy định 7 hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công. Như vậy trước đình công cấm cái gì? Trong đình công và sau đình công đều có những hành vi cấm rồi. Tôi nghĩ những hành vi cấm đó đã bao quát hết tất cả các hành vi kể cả hai bên đều không được phép làm trong các tiến trình xảy ra tranh chấp. Như vậy nếu chúng ta quy định Điều 174 này thì nó không rõ, nó không minh bạch, đặc biệt là góc độ văn hoá thì tôi thấy nó chưa ổn.

Điều 174đ, Khoản 2 tôi thấy có quy định: Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lãnh đạo đình công và người lao động tham gia đình công bất hợp pháp bồi thường thiệt hại vật chất. Tôi cũng rất băn khoăn với quy định này. Tôi cũng hiểu rằng khi xảy ra đình công bất hợp pháp thì nói chung là các bên đều có những thiệt hại nhất định. Nhưng nếu chúng ta cho phép người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lãnh đạo đình công, thực chất đây là Ban chấp hành Công đoàn và người lao động bồi thường thiệt hại (nếu có), tôi đang băn khoăn. Bởi lẽ là ở các quy định về điều cấm đã quy định 7 điều không được làm rồi. Còn nếu ở Điều 179 thì khi có những vi phạm gì thì người ta căn cứ theo vi phạm pháp luật, anh vi phạm mức độ nào thì anh có thể bị xử lý hành chính, hoặc cao hơn bị truy tố trách nhiệm hình sự và nếu gây thiệt hại thì bồi thường thiệt hại đối với cả người lao động và người sử dụng lao động.

Nhưng nếu chúng ta quy định ở Khoản 2, Điều 174 này với đến 7 trường hợp đình công cho là bất hợp pháp ở Điều 173 tôi nghĩ rằng người lao động có nguy cơ sẽ rơi vào tình trạng luôn luôn có nguy cơ sẽ bị bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ nó xuất phát từ thực tiễn người lao động là trình độ dân trí và am hiểu pháp luật nó cũng có những hạn chế nhất định so với người sử dụng lao động. Đôi khi có những bức xúc bột phát quá người ta không tự kìm chế được, có những ngừng việc rất tự phát, rất mau chóng. Nếu chúng ta quy định như thế này, tôi nghĩ không khuyến khích đình công bất hợp pháp nhưng nếu quy định như thế này có nguy người lao động chúng ta sẽ rất dễ bị rơi vào tình trạng thiệt hại rất nhiều. Chúng tôi đề nghị nếu chúng ta không thiết kế điều này vào đây, chúng tôi nghĩ đã có ở Điều 179 đã nói rất rõ. Nếu như những người mà liên quan đến đình công, rồi người sử dụng lao động nếu có vi phạm, nếu gây thiệt hại đều phải bồi thường theo pháp luật tại Khoản 2, Điều 179 như vậy cũng đủ.

Điều 79, tôi xin nói thêm một chút ở Khoản 3, có nêu: Trong quá trình giải quyết đình công, nếu toà án phát hiện người sử dụng lao động có hành vi vi phạm pháp luật thì yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Có thể xin phép tôi chưa hiểu hết ý của điều luật này, nhưng nếu theo quy định như thế này thì có phần nào đó chưa bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Bởi một lẽ ở các khoản trên người lao động và người lãnh đạo đình công bị vi phạm, kể cả hành chính thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại, nhưng đối với người lao động nếu có vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý hành chính thôi, tôi thấy chưa ổn. Ở đây, để bình đẳng cả hai phía, ai sai người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nếu sai ở mức độ nào thì bị các pháp luật tương ứng nó giải quyết phù hợp. Theo tôi đề nghị Khoản 3, Điều 179 nên chăng có thể thiết kế theo hướng "Trong quá trình giải quyết đình công nếu phát hiện người sử dụng lao động có hành vi vi phạm pháp luật lao động thì yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật", còn vi phạm mức độ nào căn cứ vào pháp luật hiện hành để chúng ta xử lý. Như vậy nó sẽ bình đẳng hơn cả 2 phía, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan