Trích ý kiến của ĐBQH Đặng Ngọc Tùng – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Ba 14:08 31-10-2006


Kính thưa Quốc hội.

Qua Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, sửa đổi một số điều của Bộ Luật Lao động do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về phạm vi sửa đổi, bổ sung của luật, chúng ta đang bàn sửa đổi, bổ sung Chương XIV của Bộ Luật Lao động có liên quan nhiều đến Chương I về quyền và nghĩa vụ của người lao động. Chương VIII về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Chương XV, Chương XVI về tăng cường vai trò của cơ quan Nhà nước trong việc quản lý Nhà nước về lao động, thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm về Luật Lao động v.v...

Vì vậy, nếu mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung ra các chương nói trên, sẽ tạo được sự đồng bộ thống nhất của Bộ Luật Lao động, khắc phục những bất hợp lý hiện nay, làm cơ sở cho các chủ thể thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên để sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện Bộ Luật Lao động cần phải có thời gian nghiên cứu, rà soát và đánh giá thật kỹ. Do đó, tôi nhất trí tại kỳ họp này chúng ta chỉ xét thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung Chương XIV của Bộ Luật Lao động.

Song chúng tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm có lộ trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện Bộ Luật Lao động cho phù hợp với tình hình mới của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn chúng ta gia nhập WTO.

Ý kiến thứ hai, sự cần thiết phải có sự phân biệt khái niệm về tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Tranh chấp lao động tập thể về quyền là những tranh chấp liên quan đến quyền của người lao động đã được luật pháp quy định, những thoả thuận cam kết trong thoả ước lao động tập thể, trong nội quy lao động đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là những tranh chấp liên quan đến đòi hỏi về quyền lợi cao hơn quy định trong luật pháp, hoặc là những quy định chưa được ghi trong Luật Lao động hay trong thoả ước lao động tập thể. Chúng tôi cho rằng việc phân định, phân biệt ra tranh chấp lao động tập thể về hai loại như trên là rất cần thiết và làm cơ sở quy định thẩm quyền và trình tự để giải quyết cho phù hợp đối với mỗi loại tranh chấp, bảo đảm tính khả thi trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam và nó phù hợp với thông lệ quốc tế. Cho nên tôi rất tán thành việc phân ra như vậy.

Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp diễn ra ở Việt Nam chúng ta rất thường xuyên. Tổng kết 1.321 vụ tranh chấp đến ngày hôm nay trên 90% xuất phát từ tranh chấp tập thể về quyền, là những gì ghi trong luật rồi nhưng vi phạm, không thực hiện. Do chúng ta yếu kém hoặc buông lỏng trong quản lý Nhà nước về lao động. Dự báo trong thời gian tới vẫn là loại tranh chấp lao động tập thể sẽ xảy ra phổ biến ở nước ta. Vì vậy, bên cạnh các cơ quan thực thi pháp luật, phải tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời và nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về lao động, bảo đảm quyền lợi của người lao động theo quy định của luật pháp thì cũng cần xác định khi người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động thì người lao động cũng được có quyền đình công hoặc theo yêu cầu của tòa án để giải quyết, để bảo đảm quyền lợi của mình.

Chúng tôi thấy, tốt nhất là trong thời gian tới, để hạn chế việc này, thì phải tăng cường mạnh mẽ việc kiểm tra, phải thực hiện luật pháp cho thật tốt.

Thưa Quốc hội!

Đang phát biểu ở đây thì tôi cũng nhận được thông tin là một số nơi đang xảy ra tranh chấp là do người sử dụng lao động đã nợ lương của công nhân, không trả rồi lại trốn, phân xưởng thì thuê mướn, máy móc cũng thuê mướn, lợi nhuận thì sử dụng còn thua lỗ lại bỏ trốn về nước v.v... Cho nên việc này là do quản lý lao động của chúng ta yếu và dẫn đến xảy ra tình trạng như thế này mới xảy ra đình công. Xảy ra đình công thì chúng ta mới đến giải quyết, cuối cùng còn lại là việc đình công, đáng lẽ ra là việc sau cùng, nhưng người lao động người ta thấy đây là việc hiệu quả nhất cho nên nó trở thành vũ khí đầu tiên để giải quyết các vấn đề. Đây là một việc rất nguy hiểm. Cho nên chúng tôi đề nghị, làm sao ta phải tăng cường quản lý Nhà nước thật chặt chẽ, để cho tất cả các đề nghị chấp hành luật pháp, việc đình công nó là vũ khí cuối cùng, chứ đừng để người lao động thấy rằng đây là một vụ khí đầu tiên là rất nguy hiểm. Cho nên, chúng tôi kiến nghị việc đó.

Chúng tôi nghĩ rằng cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát và phải phạt thật nặng các doanh nghiệp vi phạm, quỹ đó nên để đấy, khi người vi phạm bỏ trốn thì lấy tiền đó bù cho thiệt thòi của công nhân lao động thì nó mới phù hợp, nó hạn chế việc kia.

Chúng tôi đề nghị nếu tranh chấp lao động về quyền như thế này thì giải quyết cũng cần thủ tục ngắn gọn, đơn giản, chúng tôi tán thành việc phải qua hoà giải ở cơ sở, nếu hoà giải không thành thì phải đưa qua cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, nhưng ở đây chúng ta cũng cần phải nói rõ là cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền này là cơ quan nào, Uỷ ban nhân dân cấp quận hay Phòng lao động cấp quận, Sở Lao động, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải cho nó rõ ra, chứ không lúc đó chạy loay hoay không giải quyết được.

Vì đây là những điều quy định trong luật pháp rồi, vì một bên không thực hiện cho nên cơ quan quản lý Nhà nước này buộc bên đó phải thực hiện. Cho nên, chúng tôi nghĩ rằng quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền này phải mang tính chất bắt buộc, chứ không thể ra quyết định yêu cầu anh thực hiện rồi mà anh cũng không thực hiện nữa, lúc đó người lao động mới có thủ tục tiếp theo là đình công hoặc đưa ra toà, cái này nó rất nhiêu khê và nó dài nữa, cho nên chúng tôi cũng tán thành ý kiến đồng chí Xim là quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước mang tính cách bắt buộc, người vi phạm phải chấp hành, đó là ý chúng tôi muốn như thế.

Thứ ba, trình tự giải quyết như thế này thực sự ra tôi thấy rất lâu, như vậy chúng ta thấy đưa ra hoà giải 3 ngày rồi khi hoà giải thành hay là không thành, mà cơ quan hoà giải này ra quyết định rồi mà chuyển đến thành bản sao này 3 ngày nữa là 6 ngày. Sau khi không thành rồi thì đưa qua cơ quan quản lý Nhà nước xử lý, mà thời gian cơ quan quản lý Nhà nước xử lý 5 ngày nữa, như vậy 11 ngày và 11 ngày nếu không thành nữa thì ra tổ chức công đoàn lấy ý kiến của người lao động, muốn ý kiến phải báo trước cho người chủ doanh nghiệp nữa, tối thiểu nhanh nhất cũng phải 2 ngày. Sau đó làm quyết định rồi thông báo cái này cho người sử dụng lao động ít nhất 5 ngày nữa. Tôi cộng lại về quyền, cái mà đơn giản nhất, thủ tục là 18 ngày làm việc, như vậy nếu mình tính ra tới 21 ngày, còn nếu về lợi ích trình tự này là 20 ngày có nghĩa là 23 ngày.

Thưa Quốc hội, việc giải quyết đình công này tôi nghĩ như là chữa cháy như thế, nó phải làm rất cấp bách mới có thể ngăn chặn được, mới có thể bảo đảm được. Còn làm theo trình tự này tôi thấy không đạt được yêu cầu, kiểu này tôi thấy nhàn hạ quá, không thể được. Nên chúng tôi đề nghị ra Hội đồng hoà giải cơ sở, tức là hoà giải dưới cơ sở không nên để 3 ngày sau mới giao bản sao này cho các bên tham gia, mà là ngay tức khắc, thành hay không thành là phải giải quyết ngay và ký tên, đóng dấu đưa ngay, còn nếu không thì ngày trong này không nên để 3 ngày mà 1 ngày thôi. Tôi yêu cầu giảm xuống, thời gian giải quyết là 3 ngày, nhưng quyết định đó được tống đạt 1 ngày sau thôi, chứ không nên để 3 ngày.

Thứ hai, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền giải quyết cái này tới 5 ngày. Chúng tôi đề nghị nên giảm xuống còn 2 ngày thôi.

Thứ ba, thông báo thời gian cho các bên trước, cho bên Sở Lao động, cho bên chủ này tới năm ngày nữa, chúng tôi cũng đề nghị giảm xuống còn 3 ngày.

Như vậy, trình tự này nó có giảm xuống bên chỗ 3 còn 1, bên 5 còn 3, như vậy còn lại 14 ngày, 14 ngày chúng tôi nghĩ cũng đã dài rồi. Nên chúng tôi kiến nghị lại đó là Điều 170a, Khoản 5 nên giảm xuống còn 3 ngày nếu tranh chấp về quyền, và chỗ thông báo cũng nên giảm xuống 3 ngày thôi.

Về lợi ích, chúng tôi cũng xin đề nghị giảm xuống, cho nó theo trình tự như vậy thì nó mới kịp được, nếu để thế này thì nó dài quá. Thứ tư, về thẩm quyền và lãnh đạo cuộc đình công. Thưa Quốc hội, tôi cũng xin có một ý kiến là Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại trang 3, theo tôi nghĩ nó chưa chuẩn. Chưa chuẩn ở chỗ là có lẽ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lấy số công đoàn cơ sở chia cho tổng số các doanh nghiệp được cấp phép, thì số liệu này đúng. Còn thực sự ra bảo là các doanh nghiệp đi vào hoạt động 6 tháng và đủ điều kiện thành lập công đoàn. Vậy đủ điều kiện thành lập công đoàn là gì? Là đi vào hoạt động 6 tháng rồi và doanh nghiệp đó có 10 lao động trở lên. Nhưng thưa các đồng chí, chúng ta đa số các doanh nghiệp họ có 15, 20 họ vẫn cứ khai là 9 lao động, thường thường như thế, đa số chúng ta là doanh nghiệp ít lao động. Như vậy trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ví dụ ngay Thành Phố Hồ Chí Minh tỷ lệ xây dựng Công đoàn cơ sở rất cao, là 64%, chứ không phải như thế là, tức là tỷ lệ này đảo ngược lại.

Các văn bản liên quan