Ý kiến của một số ĐBQH về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động

Thứ Năm 00:15 08-06-2006
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LÐLÐ Việt Nam Ðặng Ngọc Tùng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Gốc của vấn đề là phải tháo gỡ nguyên nhân phát sinh đình công. Từ năm 1995 đến giữa tháng 4-2006, cả nước xảy ra 1.250 cuộc đình công, trong đó hơn 80% xảy ra tại khu kinh tế trọng điểm phía nam (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai). Hầu hết các cuộc đình công đều xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động. Ðáng chú ý, có tới 841 vụ xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 66,7%), chủ yếu là ở các doanh nghiệp của người Hàn Quốc và Ðài Loan. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện Bộ luật Lao động, các quy định liên quan lao động và tranh chấp lao động, chứ không chỉ dừng lại ở việc sửa đổi, bổ sung các quy định về giải quyết tranh chấp lao động như dự thảo luật đã nêu.

Pháp luật không nghiêm, biện pháp chế tài chưa đủ mạnh nên thực tế đã xảy ra trường hợp có doanh nghiệp sử dụng tới 5.000 công nhân nhưng chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho 2.000 người. Tính ra mỗi năm người ta đã chiếm dụng của người lao động khoảng ba tỷ đồng. Thế nhưng, nếu hành vi này bị cơ quan chức năng phát hiện, người sử dụng lao động chỉ phải nộp phạt 20 triệu đồng để rồi tiếp tục... vi phạm. 20 triệu đổi lấy ba tỷ đồng, đó chính là chỗ sơ hở của pháp luật về lao động.

Ðại biểu Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương), Hoàng Văn Xim (Hà Tây) cũng khẳng định: Nguyên nhân chủ yếu của đình công thời gian qua chính là do giới chủ không thực hiện nghiêm pháp luật về lao động, có nơi doanh nghiệp đã xâm phạm thô bạo quyền lợi của người lao động, trong khi công đoàn cơ sở lại hoạt động rất yếu, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ người lao động.

Tháo gỡ nguyên nhân phát sinh đình công, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Khanh (Ðồng Nai), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu khác đề nghị việc sửa đổi, bổ sung luật phải tập trung giải quyết thật tốt vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động, cũng như các biện pháp chế tài đi kèm để xử lý hành vi vi phạm pháp luật về lao động. Ðại biểu Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh) nêu ý kiến: Mọi cuộc đình công, nếu xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật về lao động của chủ doanh nghiệp, thì không nên coi đó là cuộc đình công bất hợp pháp. Khi quyền lợi bị xâm phạm, công đoàn cơ sở yếu kém, lại chịu sự chi phối của chủ doanh nghiệp, thì đình công là việc làm tất yếu để người lao động tự bảo vệ mình, vì vậy, pháp luật cũng phải thừa nhận thực tế này, nên tập trung nhiều hơn vào việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động đã bị chủ doanh nghiệp xâm phạm, thay vì việc làm rõ cuộc đình công đó có tuân thủ trình tự, thủ tục hay không. Ðại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên - Huế) thì coi đình công là "vũ khí" cuối cùng, cực chẳng đã mà người lao động phải sử dụng để tự bảo vệ, vì vậy đề nghị pháp luật cần ghi nhận và có các quy định cụ thể để quyền này được thực hiện trong trường hợp quyền lợi chính đáng của người lao động bị xâm phạm.

Các văn bản liên quan