Trích ý kiến của ĐBQH Đặng Thuần Phong – Tỉnh Bến Tre

Thứ Ba 15:31 05-09-2006

Kính thưa các đồng chí.

Trên cơ sở gợi ý của đồng chí điều hành phiên họp, tôi xin tham gia vào 5 vấn đề chung và 4 nội dung mới bổ sung vào trong dự án luật, còn những vấn đề cụ thể ở từng điều do không có điều kiện để xem xét kỹ nên tôi chưa có ý kiến về các vấn đề đó được.

Vấn đề thứ nhất, xung quanh phạm vi điều chỉnh, chúng ta thấy rằng Bộ Luật Thi hành án điều chỉnh tất cả các lĩnh vực thi hành án, nó đang là nhiệm vụ đặt ra cho Quốc hội.

Vấn đề này được minh chứng, bởi lẽ là Quốc hội đã thể hiện bằng việc xây dựng luật và Pháp lệnh năm 2006 rồi, Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị đã thể hiện với lộ trình là Bộ Luật sẽ thể hiện một cách thống nhất, theo hướng năm 2010 và định hướng 2020, nhưng trong đó chúng ta cũng hiểu là chưa phải là làm ngay, nhưng kinh nghiệm quốc tế đến nay như các đồng chí phát biểu trước cũng nói là chưa có nước nào có dự án Bộ Luật thi hành án chung như thế này. Theo lý giải của các chuyên gia, có điều kiện làm việc với các chuyên gia của dự án SPA của Mỹ họ cũng khuyến cáo là chưa có nước nào như thế này.

Theo họ, với lý do, đặc thù của những loại hình thi hành án đối với hành chính, dân sự và hình sự thì nó cũng khác nhau, bản chất khác nhau, nguyên tắc cũng khác nhau, trình tự thủ tục cũng khác nhau, nếu chúng ta làm chung một Bộ Luật thì chỉ đặt tên chung, có bìa chung, còn nội hàm thì khó có thể tìm những đặc điểm chung và những mối quan hệ mật thiết để xử lý chung, đảm bảo tính logic tốt trong dự án Luật này. Vì nó khó và nó phức tạp thế cho nên cũng hay đùa là nếu ta làm chung được thì ta cũng có thể đi tắt, đón đầu trên thế giới, ghi vào guiness lịch sử lập pháp của thế giới là có được một Bộ Luật mà chúng ta đi trước như thế.

Đây là điều nếu thấy nó phù hợp ta cố gắng ta làm như thế để khẳng định, nếu nó không phù hợp thì cũng phải nghiên cứu hết sức kỹ càng và xem lại. Chính phạm vi điều chỉnh tôi thấy luật này hết sức quan trọng, vì khi nó xác lập được thì nó sẽ định hướng chúng ta xây dựng chính sách pháp luật bằng những điều khoản cụ thể, có nội hàm hoặc có chế tài cụ thể. Nhưng để ban hành một chính sách pháp luật mới, đòi hỏi phải có tổng kết thực tiễn để tìm ra những ưu việt từ thực tiễn mà chúng ta xây dựng, chúng ta phải loại bỏ những hạn chế, khiếm khuyết trong thực tiễn thực hiện mà nó thể hiện chưa tốt.

Hoặc chúng ta phải học hỏi được kinh nghiệm của các nước ở bên ngoài về lĩnh vực này mà người ta tổng kết từ lịch sử của nhân loại đối với thi hành án để chúng ta tiếp cận.

Hai yêu cầu này trong dự thảo Bộ Luật lần này tôi thấy chưa bảo đảm, chính chỗ đó phạm vi điều chỉnh để nó mang tính định hướng thì nó chưa rõ như thế, còn rất nhiều quan điểm khác nhau và còn nhiều vấn đề mà chúng ta phải bàn cãi, nếu soi rọi vào từng điều luật thì vấn đề này lại còn bàn cãi nhiều hơn nữa. Tôi băn khoăn khi Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh, luật nào chưa đủ độ chín muồi thì Chính phủ rút ra, ví dụ Luật Đăng ký bất động sản. Nếu chúng ta thảo luận vấn đề này, chúng ta thấy nó chưa đủ độ chín muồi thì tôi nghĩ Quốc hội cũng có quyền rút ra để tập trung cho những năm sau làm tốt hơn. Đó là vấn đề thứ nhất về phạm điều chỉnh.

Về quản lý Nhà nước về thi hành án, tôi tán thành quan điểm là phải rõ Chính phủ thống nhất quản lý, nhưng cũng phải có một Bộ tham mưu với Chính phủ việc này, đó là Bộ Tư pháp, tôi cũng đồng ý hoàn toàn vấn đề này. Tôi cũng mong muốn phải phân cấp cho rõ ở địa phương bởi lẽ chỉ một mình Bộ Tư pháp thì không thể làm nổi. Sự phối hợp với các Bộ, ngành ở đây thì vai trò của Chính phủ điều hành, còn phân cấp cho địa phương là hết sức cần thiết. Tôi tán thành với quy định điều đó.

Về vấn đề tổ chức thực hiện công tác thi hành án và phân công cho ai thì đây là vấn đề nhiều ý kiến, có tới 3 loại ý kiến và 3 phương án chuẩn bị trình, mặc dù trong dự thảo luật chúng ta mới viết có 1 phương án thôi chứ chưa nêu được 3 phương án cụ thể. Ở đây, về vấn đề thi hành án hình sự, quan điểm của tôi thống nhất với loại ý kiến thứ nhất mà dự án luật thể hiện bằng phương án thứ 3 là giữ mô hình công tác thi hành án như hiện nay, nghiên cứu đổi mới công tác quản lý, theo dõi thi hành các hình phạt không phải là phạt tù. Lý do tôi tán thành quan điểm này có những lý do sau:

Thứ nhất, công tác thi hành án phạt tù hiện nay đang ổn định, vấn đề tốt xấu trong công tác này chúng ta chưa tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ, cho nên chưa có cơ sở để thay đổi mô hình hoặc là cách thức tổ chức thực hiện công tác này.

Thứ hai, qua đi khảo sát thực tiễn công tác thi hành án phạt tù ở các trại giam, trại tạm giam và công tác thi hành án ngoài tù ở các địa phương như là án treo, cải tạo không giam giữ v.v...

Vấn đề đặt ra không phải là thay đổi người hay là thay đổi cơ quan tổ chức thực hiện, vấn đề cần có những chính sách pháp luật thích hợp cho công tác này để làm tốt hơn. Tôi ví dụ như chế độ giam giữ phạm nhân, chúng ta áp dụng các chế độ từ năm 1993 đến nay nó trượt giá và đã lạc hậu rồi. Ví dụ ăn một ngày bao nhiêu gạo, xà phòng là 2 lạng, thịt lợn 5 lạng, cá 8 lạng, rau bao nhiêu v.v... thì nó không đủ đảm bảo điều kiện sống bình thường cho phạm nhân trong trại giam hiện nay.

Hoặc là chương trình giáo dục phạm nhân, hiện nay chỉ có công an hướng dẫn chương trình giáo dục này và cũng chỉ có công an đứng lớp để làm chương trình này. Trong khi giáo dục phạm nhân thì ta giáo dục nhiều dạng thuyết phục, cảm hóa và trong đó có cả cưỡng bức, vấn đề tâm lý tội phạm thế nào, có những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này trong đó chưa. Hay khuyến nông, khuyến công gì để phạm nhân lao động, chúng ta có người hướng dẫn để làm tốt việc này chưa. Và hàng loạt những vấn đề khác đi kèm theo chương trình này chúng ta chưa có.

Hay việc phân loại trại giam mà các vị đại biểu phát biểu trước tôi cũng đã nêu. Tự nhiên chúng ta phân loại trại giam tội phạm loại 1, loại 2, loại 3 theo mức độ phạm tội, như vậy chúng ta đặt ở những địa bàn khác nhau. Có những người ở tận Lạng Sơn nhưng khi thi hành án phải đi vào tận Hà Nam hoặc nó làm cho đời sống của dân, đặc biệt là gia đình có trách nhiệm thăm hỏi hoặc góp phần giáo dục con em mình, người thân mình trong trại giam thì người ta không làm được. Bởi chúng ta loại 1 thì đặt ở Hà Nam nhưng những án loại 1 thì toàn ở Lạng Sơn, Cao Bằng cũng phải đi vào đó. Còn loại 2 thì chỗ khác và loại 3 chỗ khác, chính việc chúng ta phân loại theo tội phạm không phù hợp. Ví dụ vẫn là một trại giam nhưng trong đó phạm nhân loại 1 giam chung với loại 1, loại 2 giam chung với loại 2, loại 3 giam chung với loại 3. Dân cư ở khu vực đó lỡ có con em, người thân phạm tội người ta vẫn thi hành án mà vẫn đảm bảo vai trò của gia đình tham gia trong vấn đề này. Chúng ta còn đặt vấn đề xã hội hóa nữa, nên vai trò của gia đình cũng rất quan trọng, nếu chúng ta phân loại trại như thế thì nó khó đảm bảo được trong công tác giam giữ và giáo dục phạm nhân.

Việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân, hiện nay có bệnh viện, có khu khám riêng, điều trị riêng cho bệnh nhân là phạm nhân, nhưng có nơi không có. Mặc dù là chỉ thị hoặc là văn bản liên ngành đã hướng dẫn việc này nhưng vẫn chưa thực hiện tốt. Vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ quản giáo hiện nay, ai đào tạo, trách nhiệm thuộc về ai, hiện nay bỏ ngỏ vấn đề này, tiêu chuẩn cán bộ quản giáo ra sao chúng ta chưa quy định rõ. Vấn đề áp dụng việc thực hiện tạm hoãn, tạm đình chỉ thi hành án hiện nay cũng lắm vấn đề, những quy trình thủ tục v.v... Hay là chế độ lao động phạm nhân hoặc vấn đề theo dõi, quản lý án treo ở tại xã, phường, thị trấn. Hoặc chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, nó đòi hỏi gắn kết với nhiều ngành và nhiều lĩnh vực khác rất nhiều mà chúng ta chưa thực hiện được.

Vấn đề thứ ba, nếu chúng ta chuyển thi hành án phạt tù mà hình phạt ngoài tù sang cho Bộ Tư pháp thì công tác này liệu nó có tốt hơn trước không? chúng ta chưa khẳng định được xã hội có ổn định hơn trước không? Chúng ta chưa lý giải được. Những hạn chế khiếm khuyết trước đây có thể khắc phục tốt hơn không? Chúng ta chưa có cơ sở chứng minh được. Tôi nghiên cứu phương án Bộ Tư pháp thống nhất quản lý về tổ chức thực hiện vẫn chưa lý giải được vấn đề này.

Với thực lực hiện nay, với nhiệm vụ thẩm quyền hiện nay của Bộ Tư pháp được quy định ở trong Luật Tổ chức Quốc hội, tôi cho rằng vấn đề này Bộ Tư pháp khó mà kham nổi. Tôi mạnh dạn nói ở đây các đồng chí thông cảm, mặc dù Bộ Tư pháp chuẩn bị dự án luật này rất nhiều nỗ lực, rất tích cực và cũng rất quyết tâm. Nhưng nếu nhìn thực lực được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội với thẩm quyền nhiệm vụ hiện có của Bộ Tư pháp thì khó đáp ứng được công việc này.

Về vấn đề này, tôi xin phép trao đổi lại với những ý kiến phát biểu trước cũng mang tính tranh luật một chút. Việc đưa thi hành án dân sự, hình sự, hành chính vào một bộ luật là cần thiết, nhưng pháp điển hóa nó mà chủ yếu tập hợp các văn bản pháp luật hiện hành. Theo tôi vấn đề pháp điển hóa như thế mang dưới danh nghĩa tập hợp đơn thuần, cũng như thống kê thì hiện nay pháp luật liên quan đến thi hành án phạt tù rất nhiều, các loại pháp lệnh như Pháp lệnh thi hành án hình sự, hàng loạt các nghị định khác quy định rất nhiều. Nếu chúng ta pháp điển hóa theo kiểu đơn thuần tập hợp lại, tôi cho cái này hơn cả 500 điều. Chính chỗ đó là quan điểm tôi pháp điển hóa phải trên cơ sở những quy định hiện hành đang phát huy tác dụng và nó có giá trị thực tiễn, nó có tác dụng định hướng và nó được tổng kết đánh giá một cách khoa học và được khái quát lại, trên cơ sở đó chúng ta mới có đủ điều kiện để pháp điển. Còn Bộ chủ trì nếu không trực tiếp thực hiện thì không có cơ sở để ban hành các chính sách pháp luật cho phù hợp. Vấn đề này nghe ra thì nó hợp lý, nhưng nghiên cứu kỹ thì nó lại khác.

Việc ban hành chính sách là tầm vĩ mô trên cơ sở khái quát một cách hết sức đầy đủ, còn việc tổ chức thực hiện nó là việc làm cụ thể và tác chiến, tới phân loại cán bộ hiện nay của ta cũng là phân theo hai loại cán bộ này. Loại cán bộ hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô và loại cán bộ tổ chức trực tiếp thực hiện ở tầm tác chiến, nó cũng phân theo hệ thống, chúng ta thấy rõ như vậy. Nhưng nếu nói ở đây thì Chính phủ không trực tiếp tác chiến ở lĩnh vực nào, nhưng thông qua vai trò tham mưu các Bộ thì gần như Chính phủ chỉ đạo hết và ban hành hết các chính sách. Quốc hội cũng vậy, mỗi đại biểu một lĩnh vực, mỗi người một chuyên ngành khác nhau nhưng khi lập pháp thì mọi đại biểu đều tham gia xây dựng pháp luật. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vậy, anh là quản lý ngành giáo dục và đào tạo, nhưng đâu phải trường nào ngành giáo dục cũng quản lý.

Ví dụ, Học viện ngân hàng do ngành ngân hàng quản lý; Học viện tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý; Học viện Quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý; Học viện an ninh và Đại học cảnh sát do Bộ Công an quản lý v.v... các cơ sở lao động khác cũng vậy, do Sở lao động, Liên đoàn lao động ở các địa phương người ta quản lý hết. Nhưng đâu phải vậy mà Bộ Giáo dục và Đào tạo không ban hành được chính sách, hàng loạt vấn đề ban hành chính sách chạy theo muốn hà hơi cũng không kịp, hàng loạt vấn đề mà Quốc hội chúng ta đặt ra về chất lượng giáo dục và hàng loạt vấn đề chúng ta cảm thấy chính sách ban hành rất nhiều.

Cho nên quan điểm cho rằng nếu đã là Bộ chủ trì thì phải làm luôn việc tổ chức thực hiện, nếu quan điểm như thế tôi cho rằng nó không sâu, nên đặt cái gì, anh chủ trì thì anh nên tăng cường thêm cho được thẩm quyền của anh là vai trò kiểm tra và thanh tra. Tôi ví dụ thời gian qua Bộ Tư pháp chưa tổng kết được vấn đề này bởi lẽ anh chưa kiểm tra và thanh tra được thi hành án phạt tù hay các lĩnh vực khác. Nếu chúng ta quy định về Bộ chủ trì tham mưu cho Chính phủ việc này thì vấn đề thanh tra, kiểm tra chúng ta phải cho phép làm và trên cơ sở đó phối hợp luôn cả kiểm sát thi hành án của Viện kiểm sát thì chúng ta đủ điều kiện để thực hiện.

Các văn bản liên quan