Trích ý kiến của ĐBQH Trần Ngọc Đường – Phó Ban công tác lập pháp

Thứ Ba 15:18 05-09-2006

Kính thưa Quốc hội,

Về Bộ luật này tại Kỳ họp thứ 9 khi thảo luận tôi đã bày tỏ một số suy nghĩ của mình. Hôm nay tôi xin phát biểu thêm một số ý như sau.

Thứ nhất, có nên ban hành thành một Bộ luật 3 vấn đề về thi hành án có sự khác nhau về tính chất, nội dung và các đặc điểm. Tôi thấy nếu xuất phát từ quan điểm pháp điển hóa truyền thống mà chúng ta thấy từ trước đến nay. Nhất là pháp điển hóa theo quan điểm của Chủ nghĩa xã hội hiện thực của chúng ta trước đây đúng là việc đưa thi hành án hình sự, dân sự, hành chính vào chung một Bộ luật là khập khiễng theo quan điểm truyền thống. Bởi vì nếu pháp điển hóa phải là một lĩnh vực có quan hệ mật thiết với nhau và thông qua pháp điển hóa đó mà tạo lập một Bộ luật thống nhất, hoàn chỉnh. Với các quy định pháp lý trong suốt Bộ luật đó có quan hệ mật thiết với nhau để tạo thành một Bộ luật hoàn chỉnh trên một lĩnh vực, có quan hệ mật thiết với nhau, tính chất, nội dung của nó giống nhau.

Tuy nhiên, trong điều kiện đổi mới có thể nói rằng quan điểm pháp điển hóa bây giờ rộng rãi hơn nhiều, quan niệm phong phú hơn nhiều. Tôi đã dự rất nhiều cuộc hội thảo về vấn đề quan niệm như thế nào về pháp điển hóa. Thế giới bây giờ quan niệm cũng khác nhau, theo tôi nếu quan niệm rộng rãi theo quan điểm của khoa học pháp lý hiện đại hiện nay thì 3 lĩnh vực thi hành án hình sự, dân sự, hành chính, v.v.... có thể tập hợp lại được. Ở đây mang tính chất tập hợp các lĩnh vực khác nhau vào một văn bản pháp luật, không mang tính pháp điển hóa như trước đây quan niệm. Tôi cho rằng tập hợp hóa 3 lĩnh vực này vào một Bộ luật với những việc đặc thù khác nhau, ví dụ ngoài những điểm chung, phần chung có thể có cái chung được ở 2, 3 chương đầu mà chúng ta quy định. Từ nhiệm vụ của Bộ luật đó như thế nào, nguyên tắc của nó ra sao nếu có những điểm chung đó thì làm thành phần chung đầu. Còn sau đó tách riêng ra những phần riêng theo bản dự thảo này, tôi cho là hợp lý và cũng rất thuận tiện cho việc thi hành sau này, mở Bộ luật này ra là biết được ngay.

Tôi nghĩ rằng cũng có những lĩnh vực, có những phần 2 bên quan hệ với nhau, ví dụ như dân sự trong hình sự là quan hệ với nhau, thi hành án dân sự trong bản án hình sự v.v... tôi cho vào một Bộ luật cũng là thuận lợi, cũng là phù hợp, không ảnh hưởng gì, không mất gì cả. Nếu quan điểm về pháp điển hóa như thế thì tôi cho rằng thuận lợi cho việc áp dụng, thực hiện pháp luật sau này, miễn là ở các phần riêng chúng ta quy định cho thật đầy đủ, thể hiện được đặc thù riêng của nó và sát với thực tiễn, phù hợp với thực tiễn là được, làm riêng, làm chung gì theo kiểu này tôi cho rằng là tốt. Do đó, tôi ủng hộ cách làm như trong bản Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ý kiến thứ hai, về quản lý Nhà nước thi hành án thì quan điểm như thế nào? Tôi đi theo trường phái người nào quản lý Nhà nước một lĩnh vực nào đó thì người đó ít nhiều phải trực tiếp tổ chức thực hiện lĩnh vực đó, người đó phải am hiểu các quan hệ xã hội nảy sinh trong quá trình đó để đặt ra những chính sách, đặt ra pháp luật phù hợp với nó. Nếu như quản lý Nhà nước mà hoàn toàn không tham gia gì về tổ chức thực hiện một chút gì về lĩnh vực đó, thì làm sao mà có cơ sở đặt ra chính sách pháp luật một cách phù hợp với thực tiễn, mà quản lý Nhà nước một trong nhiệm vụ đầu tiên, đó là đặt ra chính sách, đặt ra pháp luật làm phương tiện rất cơ bản cho mình quản lý. Bây giờ việc Bộ Công an vẫn trực tiếp tổ chức thực hiện giam giữ án có thời hạn, tôi nghĩ nếu giao cho Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì về quản lý Nhà nước về thi hành án, trong đó có thi hành án hình sự, thì tôi cho rằng mảng này quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Những văn bản pháp luật và chính sách pháp luật mà Bộ Tư pháp làm ra chủ yếu là do Bộ Công an làm, còn Bộ Tư pháp không thể làm nổi mảng đó. Bởi vì làm sao mà biết được quan hệ xã hội trong đó như thế nào, nảy sinh những vấn đề gì, thực tiễn đặt ra như thế nào để quản lý. Nếu vẫn để cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý những án hình sự thì tôi nghĩ trách nhiệm quản lý Nhà nước về án hình sự vẫn là Bộ Công an, không thể là Bộ Tư pháp được. Bởi vì quản lý Nhà nước trong điều kiện của Nhà nước pháp quyền không ngừng đặt ra cơ chế chính sách pháp luật phù hợp mà còn phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý đó nữa. Bây giờ có những vấn đề gì về thi hành án hình sự thì bắt Bộ trưởng Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm à?

Do vậy tôi nghĩ không nên để cho Bộ Tư pháp chủ trì việc thi hành án chung nếu như thi hành án hình sự vẫn thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Hai Bộ đó vẫn phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Quốc hội về vấn đề thi hành án hình sự do Bộ Tư pháp không chịu trách nhiệm pháp lý trước Quốc hội về vấn đề tổ chức thi hành án hình sự, tôi quan niệm như thế.

Điểm thứ ba là ai tổ chức thi hành án hình sự, theo sự phân tích của Bộ Công an, tôi bây giờ thay đổi ý kiến là bây giờ trong điều kiện hiện nay thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị cần có bước đi phù hợp. Sở dĩ tôi hiểu, không biết có đúng ý của Bộ Chính trị không, nhưng tôi hiểu Bộ Chính trị nói rằng chuyển thi hành án về tập trung một mối cho Bộ Tư pháp có ý nghĩa của nó. Tức là chuyển những hoạt động mang tính chất vũ trang về hoạt động dân sự, chuyển dần những hoạt động mang tính chất vũ trang, cảnh sát về hoạt động của xã hội dân sự một cách bình thường. Làm như thế có thể nói rất tốt, rất phù hợp với điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay chưa cho phép thì vẫn cứ để cho Bộ Công an và Bộ Quốc phòng làm và tập trung thống nhất cho hai Bộ này làm những án về hình sự. Tôi đồng ý điều đó nhưng cũng phải đổi mới thêm một bước, sở dĩ người ta chuyển như thế có một mặt là việc cải tạo những bản án về hình sự phải mang tính chất dân sự. Không thể mang lực lượng vũ trang bằng quân hàm, quân hiệu, bằng súng, bằng cảnh sát để giáo dục cải tạo những phạm nhân. Cải tạo, giáo dục bằng cách đó là cải tạo giáo dục bằng sự sợ hãi, mà thưa với các đồng chí bằng sự sợ hãi thì không bao giờ cải tạo dẫn con người đến hành vi tích cực cả, thực tiễn đã chỉ ra như thế. Do đó trong nội bộ các trại giam giữ tôi nghĩ cần phải là một lực lượng dân sự, là những nhà giáo dục học, cần thiết thì phải có sự đổi mới như thế. Còn việc bảo vệ và giữ gìn an ninh vẫn là của lực lượng công an, lực lượng vũ trang bảo vệ. Có như thế thì vấn đề giáo dục, cải tạo phạm nhân mới trở thành người tốt được. Không phải ngẫu nhiên ở các nước những, những nhà sư phạm lỗi lạc là những nhà sư phạm tham gia trực tiếp vào cải tạo giáo dục những người phạm nhân. Tôi nghĩ như thế tốt hơn, nếu như trong trại giam mà mang lực lượng công an vào như hiện nay với tư cách lực lượng vũ trang, thì người ta chỉ sợ hãi ở đấy thôi, chứ tính chất giáo dục, bồi dưỡng để mục đích của chúng ta cho con người tốt, trở thành người tốt tôi cho có ảnh hưởng. Vì vậy, nếu để công an vẫn có thêm điều quy định gì đó trong việc giáo dục cải tạo các phạm nhân của xã hội dân sự vào thì nó tốt hơn.

Các văn bản liên quan