Trích ý kiến của ĐBQH Lê Văn Điệt – Tỉnh Vĩnh Long

Thứ Tư 15:28 01-11-2006

Kính thưa Quốc hội,

Qua Báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự án Luật quản lý thuế của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ bản tôi thống nhất cao.

Sau đây tôi xin đóng góp những vấn đề như sau:

Về vấn đề chung, về tên gọi của luật, mặc dù có ý kiến khác nhau nhưng tôi hoàn toàn thống nhất lấy tên là Luật Quản lý thuế.

Đi vào những vấn đề cụ thể.

Thứ nhất, tôi đóng góp vào Điều 7 là nghĩa vụ của người nộp thuế. Mặc dù đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình. Ở đây, chúng tôi thấy trong Điều 7 này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Khoản 5 là khi bán hàng hoá dịch vụ có trách nhiệm lập và giao hoá đơn cho người mua theo đúng giá trị thanh toán và chịu trách nhiệm trước pháp luật về phát hành hoá đơn. Đây là một khoản mới, sau khi tiếp thu, chỉnh lý thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa vào. Nhưng tôi thấy nếu quy định như vậy trên cơ bản là tốt, nhưng trong thực tế hiện nay chúng tôi thấy rất khó khả thi, vì nay những người bán hàng đòi hỏi phải có hoá đơn theo như Khoản 5 này, ví dụ bây giờ những người mua bán hàng hoá của người nông dân, tức là hàng nông sản, hàng lâm, thuỷ hải sản thì làm gì có hoá đơn để xuất trước khi bán hàng. Vấn đề này tôi đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại, tôi thấy khó khả thi trong thực tế.

Tương tự, cũng như Khoản 6, cung cấp chính xác đầy đủ thông tin tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, cũng như tôi nói ở Khoản 5 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đưa vào. Hiện nay, một số mặt hàng người dân bán, không có hoá đơn viết cho người mua, đây là một vấn đề tôi đề nghị nên xem xét lại.

Thứ ba, Điều 31 gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, tôi xin đề nghị tại Khoản 3 người nộp thuế phải gửi đến cơ quan thuế văn bản đề nghị gia hạn nộp hồ sơ khai thuế. Tôi đề nghị sau cụm từ "nộp hồ sơ khai thuế" phải trước khi hết hạn nộp hồ sơ thuế thì nó rõ hơn. Do đó, tại Khoản 3, Điều 31 bổ sung là người nộp thuế phải gửi đến cơ quan thuế văn bản đề nghị gia hạn nộp hồ sơ kê khai thuế trước khi hết hạn nộp hồ sơ thuế. Trong đó nêu rõ lý do đề nghị gia hạn có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã phường, thị trấn hoặc công an xã, phường, thị trấn nơi phát sinh trường hợp được gia hạn quy định tại Khoản 1 điều này.

Điều 32, về khai bổ sung hồ sơ khai thuế. Tại Khoản 1, trước khi cơ quan thuế thực hiện kiểm tra thuế, đề nghị bỏ hai từ "thực hiện", thay vào đó cụm từ "công bố quyết định" nó rõ hơn. Do đó Khoản 1 được đọc là: Trước khi cơ quan công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.
Điều 94, biện pháp cưỡng chế, thi hành quyết định hành chính thuế. Chúng tôi đề nghị bổ sung thêm một tiết tại Khoản 1, tức là thêm một tiết sau Tiết e là đề nghị, có thể là Tiết d: "Đình chỉ việc sử dụng hoá đơn". Bởi vì chúng ta để là thu hồi mã số thuế mà nếu còn hóa đơn thì như thế nào? Đề nghị thêm một tiết nữa là: "Đình chỉ việc sử dụng hoá đơn".

Điều 100, cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên. Tôi đề nghị tại Khoản 3, những tài sản sau đây không được kê biên: tại Tiết c "nhà ở, đồ dùng sinh hoạt cần thiết" tôi đề nghị sửa lại chữ "cần thiết" thành chữ "thiết yếu", nếu để "cần thiết" thì rất nhiều vật dụng cần thiết, nên sửa lại thành chữ "thiết yếu" mà thôi.

Tại điều này, Tiết d tôi đề nghị bỏ từ "thông thường", bởi vì đồ cúng mình không có phân biệt cái nào đặc biệt, cái nào thông thường, chúng ta để chữ "thông thường", tôi đề nghị bỏ chữ "thông thường" luôn, những đồ thờ cúng chúng ta không được thi hành. Bởi vì đây nó thuộc thuần phong, mỹ tục, chứ mình quy định đồ thông thường thì đồ thờ cúng cái nào biết là thông thường, không thông thường, người ta có tủ thờ, coi đó là vật thiêng liêng của người ta, nếu mình thi hành tôi thấy nó cũng khó về thuần phong, mỹ tục.

Một ý nữa là về hóa đơn thuế hiện nay, tôi thấy trong Luật Thuế này không nói rõ về quản lý hóa đơn thuế như thế nào? Hiện nay, hóa đơn thuế mua bán rất lòng vòng, làm thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế, nhất là đối với các doanh nghiệp mua, bán hóa đơn, báo chí cũng thường xuyên đăng tải về vụ mua, bán hoá đơn. Theo tôi được biết, sắp tới đây là Bộ Tài chính cho các doanh nghiệp tự in hoá đơn để tránh việc mua bán hoá đơn lòng vòng, tôi thấy nếu được chúng ta cũng nên ghi thẳng vào luật, cho phép để các doanh nghiệp tự in hoá đơn, tự quản lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoá đơn của mình. Tôi đề nghị ghi hẳn vào luật để từ đó các doanh nghiệp dễ thực hiện và chúng ta cũng dễ quản lý hơn. Cuối cùng, về điều khoản thi hành, Điều 121, tôi đọc sơ qua, tôi thấy có khoảng 10 điều quy định cho Chính phủ để quy định chi tiết. Tôi đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại, chúng ta tránh tình trạng ghi chung chung, cứ giao cho Chính phủ quy định chi tiết và thi hành luật này. Tôi đề nghị những điều khoản nào, điều nào giao cho Chính phủ quy định thì nên ghi rõ vào điều khoản thi hành để tránh tình trạng khi luật ban hành rồi phải chờ Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Các văn bản liên quan